Những tập tục đầu năm kỳ lạ từng xuất hiện ở nước ta

Văn hóa - Ngày đăng : 14:52, 04/02/2022

Trước Cách mạng tháng 8.1945, Việt Nam có rất nhiều lễ hội mùa xuân, trong đó có những tập tục hết sức lạ kỳ, tưởng chừng đề cao “bạo lực”.

Ba xã đánh một

Tập tục này tồn tại ở Hà Tây cũ (nay là Hà Nội). Ngày mùng 4 Tết, dân 3 xã Yên Lũng, Vân Lũng, Yên Thọ tập hợp kéo nhau đến xã Thượng Ốc khiêu khích, chửi bới dân xã này. Ngày mùng 5 lại kéo tới phá hoa màu; ngày mùng 6, kéo tới chặt phá lũy tre; ngày 7 réo tên các hương hào kỳ mục trong xã ra chửi.

nhung-tap-tuc-dau-nam-ky-la-tung-xuat-hien-o-nuoc-ta-hinh-anh(1).png
Mùa xuân khởi đầu cho một năm mới - Ảnh: Internet

Nhưng dân xã Thượng Ốc vẫn nhẫn nhịn, không hề đối đáp lại. Đến ngày mùng 8, khi dân 3 xã kéo tới réo tên Thành hoàng Thượng Ốc ra chửi thì, như một sự “tức nước vỡ bờ”, sự chịu đựng nhẫn nhịn từ mấy hôm trước được bật ra. Dân Thượng Ốc xông ra kịch chiến với 3 xã ấy. Hai bên đánh nhau tơi bời đến mức có người bị thương. Thế nhưng, sau đó ai về nhà nấy, không gây thù oán gì với nhau, gặp nhau ngoài đường lại mỉm cười chào nhau thân thiện, không hề nhắc nhở gì đến “trận chiến lịch sử” đầu năm vừa qua.

Hai xã đánh nhau

Tập tục này diễn ra tại 2 xã Sài Sơn và Thụy Khuê ( huyện Quốc Oai, Hà Tây cũ, nay là Hà Nội). Ngày mùng 6 Tết, trai tráng tụ tập tại địa giới chung giữa 2 xã. Ai cũng tự giác. Ai không đi bị chê cười, coi như kẻ hèn nhát. Ai cũng chuẩn bị gậy gộc, gạch đá. Lúc đầu là khiêu khích, nhạo báng nhau, rồi xáp vào đánh nhau kịch liệt. Đánh nhau xong, hai bên ai lại về nhà nấy, không nhắc lại chuyện cũ, không hề thù oán gì nhau.

Trai gái đánh nhau

Tục này ở Bồng Trưng (Vĩnh Lộc, Thanh Hóa). Trai gái phân ra hai bên, lúc đầu thì hát đối đáp nhau rất tình tứ. Sau đó vui đùa chọc ghẹo rồi khiêu khích nhau, cuối cùng xông vào giáp chiến. Hai bên đánh nhau đến nửa đêm thì tan. Sáng hôm sau đi lại thăm hỏi nhau, không hề thù oán.

Quật bò

Diễn ra ở làng Tích Sơn (Tam Dương, Vĩnh Phúc). Quật bò ở đây là quật cho ngã bò ra, chứ không phải là quật bò, quật trâu. Vào ngày mùng 3 Tết dân làng tổ chức tế lễ ở sân đình. Khách thập phương tới xem, phải đứng ra hai bên. Ai vô ý đứng thẳng hướng với cửa đình trông ra liền bị trai làng quật xuống. Ai cố tình đứng dậy, đám đông lại xúm đến, quật ngã, đè nghiến xuống. Muốn đứng lên, phải lăn ra phía ngoài.

Tắt đèn đấm nhau

Tập tục này diễn ra ở xã Duyên Tục ( huyện Tiên Hưng, tỉnh Thái Bình). Sau khi tế lễ xong, trong lúc mọi người đang tập trung đông đủ ở sân đình, đèn đóm vụt tắt hết, trời tối om. Mọi người xông vào đấm nhau. Đấm bất kỳ ai mà tay mình với tới. Ai cũng được đấm và ai cũng bị đấm. Một lúc sau, đèn nến lại thắp lên, cuộc đấm ngừng lại, mọi người ra về như không có việc gì xảy ra.

Ngoài những tập tục trên, có thể kể thêm như: tục ôm cột (ở Đồng Kỵ, Từ Sơn, Bắc Ninh), tục tranh nhau cây mộc tất (xã Long Khám, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh) - những lễ hội mà kết thúc thế nào cũng có “đánh nhau” tức kết thúc bằng “bạo lực”. Phải chăng, dân những làng này ngày xưa thích “chiến tranh”, ưa “bạo lực” đến nỗi ngấm vào máu thịt, mà hàng năm không được nhắc lại thì không thể chịu nổi?

Thực ra, những tập tục này bắt nguồn từ nếp sống, nếp sinh hoạt của các thị tộc, bộ lạc xưa. Nếu các lễ hội phồn thực phản ánh khát vọng sinh sôi và phát triển nòi giống, thì những tập tục này phản ánh công cuộc đấu tranh sinh tồn, sự cạnh tranh khốc liệt giữa các thị tộc, bộ lạc xưa.

Mỗi thành viên của thị tộc, bộ lạc luôn luôn phải chiến đấu chống lại thị tộc, bộ lạc khác; chống lại kẻ thù từ ngoài vào (ngoại xâm) để đảm bảo cho thị tộc mình tồn tại và phát triển; hay chiếm lĩnh thêm đất đai của bộ lạc khác để mở mang cho bộ lạc mình hùng mạnh hơn. Trong những cuộc chiến tranh như thế, mỗi thành viên của cộng đồng luôn luôn phải quên mình vì mục đích chung của bộ tộc. Đây là những tập tục xuất hiện từ tối cổ, phản ánh mâu thuẫn giữa các bộ lạc, là hình ảnh của chiến tranh bộ lạc xưa. Điều đó còn thể hiện trong khi diễn ra các tập tục: khi “lâm trận” mọi người như say sưa, như nhập đồng, quên hết thực tại, dù bình thường không ai thù oán gì ai nhưng khi “vào cuộc”, tất cả đều hăng say như thật.

Trải qua hàng ngàn năm, đến thời kỳ phong kiến, người dân thấp cổ bé họng quanh năm suốt tháng bị đủ các thế lực đè nén, áp bức và phải nhẫn nhục chịu đựng. Người ta mong ước mỗi năm có một ngày để cho họ “xả” hết những tức giận, ấm ức trong lòng. Có như thế thì năm mới tinh thần thoải mái hơn, sảng khoái hơn, làm ăn mới gặp nhiều may mắn, phát đạt hơn. Đó là lý do để những tập tục này được duy trì.

Từ sau Cách mạng tháng 8.1945, những tập tục như trên đã vắng bóng hẳn tại các địa phương của chúng ta. Thay vào đó là những lễ hội, những trò vui phù hợp hơn.      

 

Hồ Quang