Mỹ xem xét tiêm liều 2 vắc xin mRNA sau 8 tuần, phát hiện mới về vắc xin Moderna trị Omicron
Nhịp đập khoa học - Ngày đăng : 09:16, 05/02/2022
Kết quả cho thấy không có sự khác biệt đáng kể nào về khả năng bảo vệ trước COVID-19.
Nghiên cứu liên quan đến những con khỉ được tiêm hai liều vắc xin COVID-19 của Moderna. Những con khỉ này nhận thêm mũi vắc xin tăng cường thông thường hoặc loại nhắm vào biến thể Omicron của Moderna 9 tháng sau đó.
Các nhà nghiên cứu đã kiểm tra các khía cạnh khác nhau của đáp ứng miễn dịch ở khỉ và cho chúng tiếp xúc với vi rút SARS-CoV-2. Họ phát hiện ra cả hai loại vắc xin của Moderna đều tăng đáng kể kháng thể trung hòa chống lại tất cả biến thể đáng lo ngại, bao gồm cả Omicron, theo nghiên cứu được đăng trên trang bioRxiv trước khi đánh giá đồng cấp.
Daniel Douek, nhà nghiên cứu vắc xin tại Viện Dị ứng và Bệnh truyền nhiễm Quốc gia Mỹ, đồng chủ trì nghiên cứu, cho biết: “Đây là một tin rất, rất tốt. Điều đó có nghĩa là chúng ta không cần phải thiết kế lại hoàn toàn vắc xin để biến nó thành vắc xin đặc trị Omicron".
Daniel Douek nói ông tin rằng lý do là cả vắc xin gốc và vắc xin nhắm đến Omicron đều phản ứng chéo, nghĩa là có thể nhận ra rất nhiều biến thể khác nhau.
Tiến sĩ John Moore, Giáo sư vi sinh và miễn dịch học tại Đại học Y Weill Cornell (Mỹ), người không tham gia nghiên cứu, nói kết quả trên tương tự như các nghiên cứu thử nghiệm mũi vắc xin tăng cường Moderna nhắm vào biến thể Beta.
John Moore nói: “Hãy xem những gì dữ liệu trên con người sẽ hiển thị. Dữ liệu về khỉ thường mang tính dự đoán khá cao, nhưng bạn sẽ cần dữ liệu về con người".
Một lợi thế chính của nghiên cứu trên khỉ là các nhà khoa học có thể tiêm mũi vắc xin tăng cường cho nó, sau đó để khỉ lây nhiễm vi rút SARS-CoV-2 và đo đáp ứng miễn dịch, điều mà không thể thực hiện được trong các thử nghiệm trên người, theo John Moore nói.
Cả Moderna và Pfizer-BioNTech đều đã thử nghiệm vắc xin nhắm đến Omicron trên người.
Hôm 25.1, hãng dược Pfizer (Mỹ) và công ty công nghệ sinh học BioNTech (Đức) cho biết đã bắt đầu thử nghiệm lâm sàng để kiểm tra phiên bản vắc xin mới được thiết kế đặc biệt nhắm vào biến thể Omicron.
Với các tình nguyện viên ở Mỹ, hai công ty có kế hoạch kiểm tra đáp ứng miễn dịch được tạo ra bởi vắc xin đặc trị Omicron dưới dạng phác đồ ba mũi tiêm ở những người chưa được chủng ngừa COVID-19 hoặc một mũi tăng cường cho những ai đã nhận hai liều vắc xin ban đầu của họ.
Họ cũng đang thử nghiệm liều thứ tư của vắc xin hiện tại với mũi vắc xin đặc trị Omicron ở những người đã nhận ba liều vắc xin Pfizer–BioNTech từ 3 đến 6 tháng trước đó.
Hai công ty có kế hoạch nghiên cứu tính an toàn và khả năng dung nạp của vắc xin mới trong hơn 1.400 người sẽ tham gia thử nghiệm.
"Mặc dù nghiên cứu hiện tại và dữ liệu thực tế cho thấy mũi vắc xin tăng cường tiếp tục cung cấp mức độ bảo vệ cao chống lại các bệnh nặng và nhập viện vì Omicron, chúng tôi nhận thấy cần phải chuẩn bị trong trường hợp lớp bảo vệ này mất dần theo thời gian và có khả năng giải quyết Omicron cùng các biến thể mới trong tương lai”, theo Kathrin Jansen, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu và phát triển vắc xin của Pfizer.
BioNTech cho biết, tùy thuộc vào lượng dữ liệu thử nghiệm lâm sàng mà các cơ quan quản lý yêu cầu, có thể họ và Pfizer không thực hiện được kế hoạch tung ra vắc xin đặc trị Omicron vào cuối tháng 3.2022.
"Các yêu cầu pháp lý đang được thảo luận với các cơ quan có liên quan. Việc đưa dữ liệu thử nghiệm lâm sàng vào hồ sơ quy định có thể ảnh hưởng đến việc phân phối các lô vắc xin nhắm đến Omicron ban đầu, dự kiến sẽ sẵn sàng vào cuối tháng 3.2022", một phát ngôn viên BioNTech nói với Reuters.
Hôm 26.1, Moderna cho biết đã bắt đầu một nghiên cứu ở giai đoạn giữa, thử nghiệm mũi vắc xin tăng cường được thiết kế đặc biệt nhắm vào biến thể Omicron.
Moderna nói mũi thứ ba vắc xin ban đầu của họ làm tăng kháng thể trung hòa chống lại Omicron. Thế nhưng, kháng thể giảm sau 6 tháng tiêm mũi này. Dù vậy, các kháng thể trung hòa vẫn có thể phát hiện được ở tất cả người tham gia nghiên cứu.
Moderna cho biết sẽ nghiên cứu mũi vắc xin tăng cường đặc trị Omicron ở người lớn từ 18 tuổi trở lên. Công ty cho biết sẽ thử nghiệm việc mũi tiêm này ở những người nhận hai hoặc ba liều vắc xin ban đầu là mRNA-1273.
Moderna có kế hoạch thu hút khoảng 300 người tham gia vào mỗi nhóm trong hai nhóm trong nghiên cứu.
Mỹ xem xét tiêm liều hai vắc xin mRNA sau 8 tuần để giảm nguy cơ viêm cơ tiêm và tăng hiệu quả
Quan chức y tế Mỹ cho biết đang xem xét việc kéo dài khoảng thời gian được khuyến nghị giữa hai liều vắc xin mRNA đầu tiên lên 8 tuần để giảm nguy cơ viêm tim và cải thiện hiệu quả của chúng.
Tiến sĩ Sara Oliver, quan chức tại Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC), cho biết cơ quan này đang xem xét đưa ra khuyến nghị cho vắc xin Moderna và Pfizer-BioNTech trong một cuộc họp của Ủy ban Cố vấn về Thực hành Tiêm chủng, hội đồng gồm các cố vấn bên ngoài cho CDC.
Tại Mỹ, khoảng thời gian khuyến nghị giữa hai liều vắc xin Pfizer đầu tiên là 3 tuần và hai liều Moderna là 4 tuần.
Trong phần trình bày của mình, Tiến sĩ Sara Oliver cho biết kéo dài khoảng thời gian giữa hai liều vắc xin Pfizer hay Moderna đầu tiên dường như làm giảm nguy cơ mắc các trường hợp viêm cơ tim hiếm gặp. Bà nói tỷ lệ viêm cơ tim là thấp nhất nếu hai liều vắc xin Pfizer-BioNTech hay Moderna đầu tiên được tiêm cách nhau 8 tuần.
Viêm cơ tim là tác dụng phụ hiếm gặp khi tiêm vắc xin mRNA - công nghệ đằng sau cả hai loại vắc xin Pfizer - BioNTech và Moderna, nhưng dường như phổ biến hơn ở nam giới trẻ tuổi.
Tiến sĩ Sara Oliver cũng cho biết kéo dài khoảng thời gian lên 8 tuần dường như tăng hiệu quả của vắc xin Pfizer-BioNTech và Moderna.
Bà nói, dù CDC thay đổi khoảng thời gian khuyến nghị, vẫn có một số quần thể có thể được ưu tiên tiêm liều hai vắc xin mRNA trong khoảng thời gian ngắn hơn, đặc biệt là những nhóm mà lợi ích của việc bảo vệ sớm hơn khỏi COVID-19 cao hơn nguy cơ viêm cơ tim.
Động thái này đến muộn trong chiến dịch tiêm vắc xin COVID-19 của Mỹ, vì hơn 212 triệu người nước này đã được tiêm chủng đầy đủ, theo dữ liệu từ chính phủ. Thế nhưng vẫn còn khoảng 33 triệu người chưa tiêm vắc xin COVID-19 ở Mỹ trong độ tuổi từ 12 đến 39, theo Tiến sĩ Sara Oliver. Đây là độ tuổi có nguy cơ bị viêm cơ tim cao hơn sau khi tiêm vắc xin mRNA.
Trước đó, các quan chức y tế Canada đã trình bày dữ liệu về lý do tại sao quyết định 8 tuần là khoảng thời gian được khuyến nghị giữa hai liều vắc xin Pfizer-BioNTech và Moderna.