Sự thật thú vị đằng sau cây cầu Cổng Vàng nổi tiếng ở Mỹ

Văn hóa - Ngày đăng : 14:20, 05/02/2022

Chắc hẳn các bạn cũng từng chiêm ngưỡng cầu Cổng Vàng trong các bộ phim bom tấn của Mỹ nhưng nhiều người không hẳn đã biết nhiều về cây cầu này.

Cây cầu nào nổi tiếng nhất thế giới? Nếu tiến hành khảo sát với người dân trên khắp Trái đất thì có lẽ chiến thắng sẽ thuộc về cầu Cổng Vàng (Golden Gate) tại thành phố San Francisco, nước Mỹ. Đó không chỉ là một cây cầu bình thường mà còn là một trong những biểu tượng của San Francisco, California và Hoa Kỳ được quốc tế công nhận nhất. Thậm chí, cầu đã được Hiệp hội kỹ sư dân dụng Hoa Kỳ tuyên bố là một trong những kỳ quan thế giới hiện đại.

2.jpg
Cầu Cổng vàng nổi tiếng của Mỹ

Kể từ khi hoàn thành năm 1937 đến nay đã có 8 chiếc cầu khác có chiều dài vượt qua cầu Cổng Vàng và tại Mỹ, nó phải xếp sau sau cầu Verrazzano-Narrows ở New York về độ dài. Nhưng sở dĩ cây cầu này được cả thế giới biết đến vì nó xuất hiện quá nhiều trong các bộ phim Hollywood. Từ các bộ phim hành động, rượt đuổi cho đến những bộ phim thảm họa hư cấu thì các đạo diễn đều để cầu Cổng Vàng lọt vào mắt xanh. Cũng dễ hiểu thôi vì cây cầu này quá đẹp, quá hùng vĩ và nếu cần một không gian tả cảnh hùng tráng có trời cao nước sâu thì không thể nào quên cầu Cổng Vàng.

Chắc hẳn các bạn cũng từng chiêm ngưỡng cầu Cổng Vàng trong các bộ phim bom tấn của Mỹ nhưng nhiều người không hẳn đã biết nhiều về cây cầu này. Hôm nay, Sự thật thú vị sẽ giới thiệu cho các bạn lịch sử và những điều bí mật xung quanh cây cầu nổi tiếng nhất thế giới.

Đầu tiên là lý do tại sao phải xây cầu Cổng Vàng? Đúng là vào ngày 5.1.1933, công trình xây dựng cầu Cổng Vàng bắt đầu, khi các công nhân xúc khối đầu tiên trong hàng triệu khối đất để đặt cột móng khổng lồ của cấu trúc.

Nhưng thật ra thì ý định manh nha cho việc xây dựng cây cầu này đã có từ cơn sốt vàng bắt đầu vào năm 1849. Khi đó, các nhà đầu cơ nhận ra rằng khu đất phía bắc Vịnh San Francisco sẽ tăng giá trị tỷ lệ thuận với khả năng tiếp cận thành phố. Nói đơn giản thì như vài chục năm trước thì dân bất động sản Sài Gòn biết đất quận 2 sẽ lên sau khi một loạt cây cầu bắc sang quận 1 được hình thành.

Chẳng bao lâu, một kế hoạch đã được triển khai nhằm xây dựng một cây cầu bắc qua một eo biển hẹp mang tên Cổng Vàng sâu 400 foot (hơn 120 mét), đóng vai trò là cửa của Vịnh San Francisco thông ra Thái Bình Dương. Khi xây dựng thì cây cầu này sẽ nối Bán đảo San Francisco với đầu phía nam của hạt Marin.

Mặc dù ý tưởng đã có từ năm 1869, nhưng phải đến năm 1916 mới có đề xuất khả thi. Các bạn sẽ hỏi tại sao dự án hay thế mà tiến độ lại rùa bò như vậy. Vâng, chắc chỉ rùa mới bơi được qua eo biển như thế chứ xây cầu ở cửa vịnh biển đòi hỏi kỹ thuật rất phức tạp mà hồi thế kỷ 19 thì chưa thể đáp ứng. Một cựu sinh viên kỹ thuật, James Wilkins, làm việc như một nhà báo của trang San Francisco Bulletin, đã kêu gọi xây một cây cầu treo với nhịp trung tâm dài 3.000 feet (hơn 900 mét), con số đó dài gần gấp đôi so với bất kỳ cây cầu nào tồn tại khi ấy. Ý tưởng của Wilkins được Hội Kỹ sư thành phố ước tính ngốn khoảng 100 triệu USD và tương đương 2,4 tỉ USD vào ngày nay. Dù vậy, kỹ sư trưởng của thành phố San Francisco, Michael M. O’Shaughnessy, bắt đầu hỏi các kỹ sư cầu liệu họ có thể làm điều đó với chi phí thấp hơn không.

Kỹ sư và nhà thơ Joseph Strauss - một người Chicago sinh ra ở Cincinnati có chiều cao khiêm tốn 1,5m cho biết anh có thể. Cùng nhau nghiên cứu, O’Shaughnessy và Strauss kết luận rằng họ có thể xây dựng một cây cầu treo thuần túy trong phạm vi thực tế từ 25-30 triệu USD với nhịp chính dài ít nhất 1,2 km. Nói cách khác, Strauss vẽ ra thiết kế chính là ăn bớt một nhịp cầu nên phải kéo dài nhịp cầu chính dài đến 1,2 km chứ không phải 900 mét như dự định ban đầu. Quả là kế hoạch táo bạo.

Thế nhưng, kế hoạch xây dựng vẫn vấp phải sự phản đối, kể cả kiện tụng, từ nhiều phía. Vào thời điểm hầu hết các trở ngại được giải tỏa, cuộc Đại suy thoái kinh tế năm 1929 lại xảy ra rất đến hạn chế các lựa chọn tài chính. Chính vì vậy, các quan chức đã thuyết phục cử tri ủng hộ 35 triệu USD tiền trái phiếu, với lý do dự án sẽ tạo ra việc làm. Tuy nhiên, trái phiếu không thể được bán cho đến năm 1932, khi Ngân hàng Mỹ có trụ sở tại San-Francisco đồng ý mua toàn bộ dự án để giúp đỡ nền kinh tế địa phương.

Việc giải quyết bài toán tài chính là khó nhất nhưng bài toán kỹ thuật cũng vô cùng phức tạp. Như đã nói, kỹ sư trưởng của dự án Joseph Strauss đã rất táo bạo khi viết nên nhịp chính dài hơi như một bản trường ca. Tuy nhiên, do nhà thơ có ít kinh nghiệm và hiểu biết trong thiết kế cáp treo nên phần lớn các nhiệm vụ liên quan đến kỹ thuật và thiết kế do những chuyên gia khác phụ trách.

Có công chính trong việc xây dựng cầu Cổng Vàng là kỹ sư thuộc hàng trưởng lão Charles Alton Ellis. Trong vai trò là kỹ sư chính của dự án, ông nhờ nhà thiết kế cầu nổi tiếng Leon Moisseiff giải quyết hộ bài toán khó nhất là giúp cây cầu treo có độ dài miên man đó chịu được sức gió biển. Với rất nhiều tâm huyết và trình độ, Moisseiff đã đưa ra "lý thuyết độ lệch" mà theo đó một con đường mỏng và mềm mại sẽ lúc lắc theo gió. Phát kiến làm giảm đáng kể sức ép đối với cây cầu bằng cách chuyển các áp lực vào các dây cáp treo và đến tháp cầu. Cũng phải nói rằng Moisseiff cũng gặp may trong thiết kế cầu Cổng Vàng vì một thiết kế sau này của Moiseiff là cây cầu Tacoma Narrow đã đổ sập trong một trận dông bão không lâu sau khi hoàn tất.

Sở dĩ Moisseiff gặp may là nhờ có kỹ sư trưởng Ellis đằng sau bọc lót. Ellis là một học giả và là nhà toán học có thời gian làm giảng viên kỹ thuật cho trường Đại học Illinois. Ông trở thành chuyên gia trong thiết kế kết cấu, tác giả của những quyển sách giáo khoa chuẩn mực thời bấy giờ. Ellis đã đóng góp nhiều lý thuyết và kỹ thuật để xây dựng cây cầu nên ông có thể tính toán lại các thứ để đảm bảo các phát kiến của Moisseiff an toàn.

Dù vậy, Ellis vẫn bị kỹ sư trưởng của dự án là nhà thơ Strauss vốn không hiểu biết gì về xây cầu… chơi xấu. Tháng 11.1931, Strauss sa thải Ellis và thay thuộc cấp cũ của mình là Clifford Paine vào vị trí của Ellis với một lý do không thể nào khó tin hơn là để "hạn chế chi phí gởi và nhận điện tín với Moisseiff". Do quá say sưa với dự án, không nỡ bỏ rơi đứa con tin thần và không thể tìm được việc làm khác trong thời kỳ Suy Thoái, Ellis chấp nhận làm việc không lương 70 giờ một tuần.

Không những vậy, để được lưu danh, nhà thơ Strauss đã không ngại hạ thấp những đóng góp của các cộng sự, những người đã làm việc hết mình để cây cầu với mức lương bèo bọt, đặc biệt là Ellis. Đúng là Strauss dù không cao nhưng lại rất cuồng việc ép người khác phải ngước nhìn. Phải rất lâu sau đó, lịch sử mới đánh giá lại đóng góp của các thành viên xây cầu một cách đúng đắn. Năm 2007, quận Golden Gate đánh giá lại70 năm cống hiến của chiếc cầu nổi tiếng và điều chỉnh sai lầm cũ bằng cách công nhận Ellis là người thiết kế cây cầu.

1(1).jpg
Công trình mang tính lịch sử là công lao và cống hiến của kỹ sư Ellis

Thực ra nói Straus không có công gì thì cũng không đúng. Nhà thơ là người đứng đầu xuyên suốt của dự án, giám sát thi công hàng ngày và tham gia vào việc động thổ. Để thấy được khối lượng công việc kinh khủng của các công nhân thời đó thì bạn cần biết cấu tạo của hai dây cáp xuyên qua hai tháp chính và cố định ở phần bê tông ở hai đầu cầu. Mỗi dây cáp được làm bằng 27.572 sợi kim loại. Tổng chiều dài các sợi cáp cấu thành hai dây cáp chính là 129.000 km, bằng 5,79 lần đường kính Trái đất. Tổng số đinh tán dùng cho cây cầu là 1.200.000 chiếc.

Trong quá trình giám sát thi công, Straus cũng đưa ra các cải tiến như sử dụng lưới an toàn di động đặt bên dưới công trường xây dựng. Với chiếc lưới này, ông đã giúp 19 công nhân tránh khỏi những tai nạn đáng tiếc và sau đó họ còn lập ra CLB Nửa đường đến Địa ngục. Tuy nhiên, vẫn có 11 người thiệt mạng trong quá trình xây dựng gồm 10 người bị thiệt mạng do khi rơi xuống lưới an toàn thì lưới cũng bị rơi do một dàn giáo bị đổ.

Sau rất nhiều nỗ lực, mồ hôi và sinh mạng công nhân thì Cầu Cổng Vàng chính thức thông xe vào ngày 27.5.1937. Nó trở thành cây cầu có nhịp cầu dài nhất thế giới vào thời điểm đó và không mấy ai biết phát kiến không tưởng đó là do một nhà thơ nghĩ ra. Chuyến đi đầu tiên trên cầu Cổng Vàng đã diễn ra một ngày trước đó, khi 200.000 người đi bộ, chạy và thậm chí trượt patin qua cây cầu mới.

Còn nhà thơ Strauss khi đó đã làm gì để ăn mừng công trình vĩ đại nhất cuộc đời. Strauss đã viết một bài thơ "Hoàn thành một sứ mệnh cao cả" (The Mighty Task is Done) mà hiện nay bạn có thể đọc thấy khi đi trên chiếc cầu.

Bùi Tú