Cần Thơ nóng lòng chờ chìa khóa mở rộng cửa thu hút đầu tư

Thị trường và chính sách - Ngày đăng : 12:08, 07/02/2022

Từ năm 2022, nhiều người kỳ vọng TP.Cần Thơ sẽ phát triển mạnh. Cơ sở để tin tưởng là việc Quốc hội đã thông qua thí điểm cơ chế đặc thù, tạo điều kiện cho TP.Cần Thơ phát triển mạnh ở ĐBSCL. Phó chủ tịch UBND TP.Cần Thơ Nguyễn Thực Hiện khẳng định trong thời gian tới sẽ sớm có nhiều nhà đầu tư đến với TP.Cần Thơ

Anh Lương Văn Khai, người có hơn 1 mẫu đất nông nghiệp ở phường Hưng Thạnh, quận Cái Răng, TP.Cần Thơ nói: “Hiện nay có nhiều thông tin về các nhà đầu tư tìm đến vùng đất Nam Cần Thơ. Tôi không lo ngại mà còn mừng, vì tin rằng sắp tới chính quyền, các nhà đầu tư sẽ có cách giải quyết quyền lợi với người có đất nông nghiệp một cách sòng phẳng và thỏa đáng để chúng tôi giao đất cho họ đầu tư”.

Những thông tin tốt về cơ chế đặc thù đã giúp người dân Cần Thơ có nhiều hy vọng sau khi COVID-19 lắng xuống. Từ đất dự án cho tới đất nông nghiệp đều không bị giảm giá, một số nơi đất còn tăng giá cục bộ. Trong mắt của giới đầu tư và những người quan tâm đến thời cuộc, hầu hết đều tin rằng tương lai TP.Cần Thơ sẽ phát triển mạnh là điều tất yếu.

vuong-den-bu-giai-toa.jpg
Nhiều dự án đang được triển khai ở TP.Cần Thơ - Ảnh: Văn Kim Khanh

Trong năm 2021, khi trao đổi với chúng tôi, một cán bộ ngành xây dựng của TP.Cần Thơ nói về những khó khăn khi đầu tư vào Cần Thơ, ông cho rằng vướng mắc ở chỗ khi đầu tư dự án hơn 10ha là đất lúa thì phải xin ý kiến Thủ tướng, ngoài ra cơ chế đền bù giải tỏa của TP.Cần Thơ vẫn chưa theo kịp với giá đất thực tế. Đó là hai cái khó. Giải quyết được 2 sự khó ấy rất quan trọng bởi sẽ thúc đẩy các dự án trên địa bàn TP tiến triển nhanh.

Tại Cần Thơ hiện có 19 dự án kêu gọi đầu tư, trong đó tại quận Cái Răng có khá nhiều dự án. Thời gian qua, hàng chục nhà đầu tư đã ký kết các bản ghi nhớ hợp tác đầu tư, tuy nhiên khi khảo sát, đi vào cụ thể để đầu tư thì nhiều nhà đầu tư gặp khó. Một số âm thầm rút lui. Tại quận Cái Răng có 5 dự án đầu tư với số vốn lên đến vài ngàn tỉ đồng nhưng đều trong tình trạng trên bởi bị vướng quy định hiện hành.

vuong(1).jpg
Đền bù, giải tỏa là những khâu khó giải quyết của TP.Cần Thơ do vướng quy định hiện hành - Ảnh: VKK

Ông Nguyễn Thành Nguyên, Phó giám đốc Ban Quản lý dự án và phát triển quỹ đất Q.Cái Răng cho biết: “Nhiều dự án trên địa bàn quận đang gặp khó, đang chờ Thủ tướng phê duyệt bởi có diện tích nhiều hơn 10ha đất trồng lúa. Nếu có chủ trương từ Quốc hội về cơ chế đặc thù, nhiều chủ dự án sẽ không âm thầm rút lui nữa mà họ sẽ quyết định đầu tư”.

Đơn cử như dự án “Khu đô thị mới và khu công nghệ thông tin tập trung” với tổng diện tích hơn 70ha. Từ năm 2016, Quỹ đầu tư phát triển TP.Cần Thơ triển khai dự án này nhưng sau 6 năm vẫn chưa xong việc xin ý kiến Thủ tướng phê duyệt do dự án có nhiều diện tích đất lúa. Ngoài ra, các dự án lô 21, dự án Bông Sen Vàng, dự án Hải Đăng... cũng chịu tình trạng như vậy.

khu-cong-nghiep-hung-phu-nam-can-tho.jpg
Dự án Khu công nghiệp Hưng Phú 2 sau nhiều năm vẫn chưa giải phóng xong mặt bằng - Ảnh: Văn Kim Khanh

PV Một Thế Giới trao đổi với ông Nguyễn Thực Hiện, Phó chủ tịch UBND TP.Cần Thơ về thu hút đầu tư trong thời gian tới, ông cho biết: “Cần Thơ được Quốc hội thí điểm 8 cơ chế, chính sách đặc thù trong tài chính, ngân sách; quản lý đất đai; quản lý quy hoạch; thu nhập của cán bộ và các chính sách ưu đãi về thuế, tiền thuê đất đối với dự án nạo vét kết hợp thu hồi sản phẩm luồng hàng hải Định An-Cần Thơ, các dự án tại khu liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ. Đặc biệt, khi Cần Thơ được Quốc hội chấp thuận về cơ chế đặc thù, TP sẽ có nhiều thuận lợi trong thu hút đầu tư. Khi ấy Hội đồng nhân dân TP.Cần Thơ có thể quyết cho nhà đầu tư xin chủ trương dự án quy mô 500ha. Đó là một lợi thế rất lớn để Cần Thơ thu hút mạnh mẽ đầu tư trong và ngoài nước thời gian tới”.

Văn Kim Khanh