TP.HCM: Chuyển hồ sơ đề nghị khởi tố 85 doanh nghiệp nợ đóng bảo hiểm
Sự kiện - Ngày đăng : 16:40, 17/06/2020
Truy tìm chiếc xe máy của người bảo vệ chết trong trụ sở Bảo hiểm xã hội
Bộ Y tế ‘bác’ 2 công văn của Bảo hiểm xã hội Việt Nam
TP.HCM: Hàng loạt nhân viên bảo hiểm xã hội bỏ việc vì lương thấp
99% cơ sở khám chữa bệnh đã kết nối dữ liệu với bảo hiểm xã hội
Bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp là chiếc phao cứu sinh cho người lao động trong lúc mất việc, ốm đau, khi về hưu, nhưng nhiều doanh nghiệp đã trốn đóng. Điều này không chỉ khiến người lao động bị thiệt thòi, mất đi nguồn thu nhập mà còn vi phạm nghiêm trọng pháp luật.
Chia sẻ tại Hội nghị triển khai công tác phối hợp với báo chí 6 tháng cuối năm 2020 của Bảo hiểm xã hội TP.HCM hôm 17.6, ông Phan Văn Mến - Giám đốc Bảo hiểm xã hội TP.HCM cho biết đơn vị này đã chuyển hồ sơ 85 doanh nghiệp nợ đóng bảo hiểm sang cơ quan điều tra để điều tra khởi tố về tội “Trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp”.
Ông Mến cho biết, trong số 85 doanh nghiệp được chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra và kiến nghị khởi tố hình sự, đến thời điểm này có 32 doanh nghiệp đã được cơ quan điều tra hoàn tất hồ sơ để khởi tố theo điều 216 của Bộ luật hình sự về tội “Trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp”; 39 doanh nghiệp đang được cơ quan điều tra kiện toàn hồ sơ để hoàn tất theo quy định.
Riêng 14 doanh nghiệp còn lại, có 9 doanh nghiệp đã khắc phục nên Bảo hiểm xã hội TP.HCM đã rút đơn kiến nghị khởi tố, 5 doanh nghiệp bị giải thể, phá sản.
Theo giám đốc Bảo hiểm xã hội TP.HCM, trong số 85 doanh nghiệp bị đề nghị khởi tố về tội trốn đóng bảo hiểm từ năm 2018 đến nay, thì năm 2018 có 1 doanh nghiệp, năm 2019 có đến 72 doanh nghiệp và đầu năm 2020 đến nay có 12 doanh nghiệp. Đây là những doanh nghiệp nợ đóng bảo hiểm trên 6 tháng với số tiền từ 1 tỉ đồng trở lên. Trong số các doanh nghiệp nợ đóng bảo hiểm bị chuyển sang cơ quan điều tra và kiến nghị khởi tố hình sự, doanh nghiệp nợ đóng bảo hiểm nhiều nhất là Công ty TNHH Nam Phương (huyện Củ Chi, TP.HCM) với số tiền nợ lên đến hơn 14 tỉ đồng.
Theo Bảo hiểm xã hội TP.HCM, trong 5 tháng đầu năm 2020, tổng thu bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp là 26.153 tỉ đồng, tăng 3,95% so với cùng kỳ năm 2019, đạt 35,77% so với kế hoạch Bảo hiểm xã hội Việt Nam.
Như vậy, đến thời điểm này các đơn vị nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp là 2.953 tỉ đồng, chiếm tỷ lệ 4,04% so với số phải thu, trong đó đơn vị nợ từ 6 tháng trở lên là 5.583 đơn vị với số tiền 1.354 tỉ đồng.
Đặc biệt, trong 5 tháng đầu năm 2020 vừa qua, dịch bệnh COVID-19 xảy ra khiến nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn, Bảo hiểm xã hội TP.HCM đã phối hợp với các sở ngành có liên quan tháo gỡ các khó khăn cho doanh nghiệp và người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Trong đó, Bảo hiểm xã hội TP đã xác nhận hồ sơ tạm hoãn vào quỹ hưu trí và tử tuất cho 213 đơn vị với 18.958 lao động bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 để nhận được các chính sách hỗ trợ của nhà nước, tương ứng số tiền khoảng 70 tỉ đồng. Dự kiến số doanh nghiệp tạm hoãn khoảng 2.000 đơn vị với 136.730 lao động.
Về nhiệm vụ của 7 tháng cuối năm 2020, ông Mến cho biết Bảo hiểm xã hội TP tiếp tục giải quyết kịp thời các chế độ bảo hiểm xã hội cho người lao động; phối hợp với Bưu điện đẩy mạnh việc chi trả không dùng tiền mặt. Thực hiện giải quyết đầy đủ, kịp thời các yêu cầu chính đáng, hợp pháp của tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật; tổ chức thực hiện nghiêm túc, đúng quy định về công tác tiếp công dân, không để xảy ra các trường hợp phức tạp, đông người; giải quyết dứt điểm, triệt để các đơn thư khiếu nại; phấn đấu 100% đơn vị sử dụng lao động thực hiện giao dịch hồ sơ điện tử…
Hồ Quang