TP.HCM: Thu hút đầu tư nước ngoài trong tháng 1.2022 giảm gần 40%
Sự kiện - Ngày đăng : 18:30, 07/02/2022
UBND TP.HCM đã cho biết như thế tại cuộc họp báo thông tin về công tác chăm lo Tết 2022 và tình hình kinh tế - xã hội tháng 1.2022 vào chiều nay (7.2).
Đầu tư nước ngoài chỉ đạt hơn 100 triệu USD
Báo cáo của UBND TP cho thấy, một số chỉ số phát triển kinh tế tháng 1.2022 giảm so với cùng kỳ. Cụ thể tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ ước đạt hơn 73 nghìn tỉ đồng, giảm 28% so với cùng kỳ; doanh thu ngành du lịch đạt hơn 7 nghìn tỉ đồng, giảm 26,3% so với cùng kỳ; chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) ước giảm 9,5% so với cùng kỳ (cùng kỳ tăng 34,5%). Đặc biệt, 4 nhóm ngành công nghiệp trọng yếu giảm 5,8% so với cùng kỳ (cùng kỳ tăng 43,7%); thu hút đầu tư nước ngoài đạt 103,03 triệu USD, giảm 38,3% so với cùng kỳ.
Tuy nhiên, trong tháng 1 vừa qua, tình hình thành lập doanh nghiệp khởi sắc. Trong tháng đã có hơn 3.190 doanh nghiệp được cấp phép thành lập mới, tăng 24,6% so với cùng kỳ; 4.850 doanh nghiệp hoạt động trở lại, tăng 36,3% so với cùng kỳ, tăng 498,9% so với tháng trước; số doanh nghiệp giải thể giảm so với cả cùng kỳ và tháng trước (382 doanh nghiệp giải thể, giảm 7,73% so với cùng kỳ, giảm 27,24% so với tháng trước).
Bên cạnh đó, TP triển khai hiệu quả các chương trình bình ổn thị trường, đảm bảo cân đối cung - cầu các mặt hàng thiết yếu, ổn định thị trường. Khu công nghệ cao khởi đầu mạch phát triển tốt với giá trị sản xuất đạt hơn 1,65 tỉ USD, giá trị xuất khẩu đạt hơn 1,54 tỉ USD và giá trị nhập khẩu đạt 1,41 tỉ USD, tất cả đều tăng 5% so với cùng kỳ. Giá trị sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp tăng 1,5% so với cùng kỳ.
Tình hình thu ngân sách đảm bảo hiệu quả, ước đạt 47.882 tỉ đồng, đạt 12,4% dự toán và tăng 19,5% so với cùng kỳ, trong đó thu nội địa đạt 14,03% dự toán, tăng 26,83% so với cùng kỳ.
Nhiệm vụ trọng tâm của tháng 2.2022 này, UBND TP cho biết sẽ tiếp tục thực hiện kế hoạch phòng chống, kiểm soát, thích ứng với dịch bệnh COVID-19; tập trung xử lý, khắc phục các nội dung liên quan đến Khu đô thị mới Thủ Thiêm; ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TU về tập trung đầu tư xây dựng hoàn thành Khu đô thị mới Thủ Thiêm trước năm 2030; triển khai các nội dung của chuyển đổi số; tái cấu trúc, xây dựng quy trình điện tử cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 đối với những thủ tục hành chính đáp ứng đủ yêu cầu, điều kiện.
Thành phố cũng sẽ đẩy nhanh tiến độ hoàn thành Metro 1 và đầu tư xây dựng Metro 2, Vành đai 3, 4; triển khai cho trẻ em thuộc khối mầm non và học sinh từ lớp 1 đến lớp 6 học tập trực tiếp từ ngày 14.2.2022 trên tinh thần tự nguyện của cha mẹ trẻ, người chăm sóc trẻ và học sinh…
Doanh nghiệp thưởng Tết bình quân cao hơn năm ngoái
Trong năm 2021 vừa qua, tình hình dịch bệnh COVID-19 phức tạp, kéo dài khiến nhiều hoạt động kinh tế bị ngưng trệ, nhưng theo UBND TP kinh phí chăm lo Tết Nhâm Dần 2022 này cao hơn so với Tết năm ngoái.
Tổng kinh phí chăm lo tết Nhâm Dần năm 2022 cho các hộ nghèo, gia đình chính sách, người cao tuổi tròn 100 tuổi, đối tượng bị ảnh hưởng do dịch COVID-19; cán bộ, công chức, viên chức khu vực hành chính sự nghiệp là hơn 1.062 tỉ đồng (tăng hơn 136 tỉ đồng so với Tết Tân Sửu năm 2021).
Điểm mới trong công tác chăm lo Tết năm nay là mở rộng thêm đối tượng là hộ gia đình của cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang, lực lượng tham gia tuyến đầu, cá nhân tham gia phòng chống dịch tử vong do COVID-19; gia đình cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang, lực lượng tham gia tuyến đầu phòng chống dịch có thân nhân tử vong do COVID-19; trạm y tế phường, xã, thị trấn; trạm y tế lưu động; Bệnh viện dã chiến điều trị COVID-19; ấp, khu phố; các đơn vị tiêu biểu có đóng góp tích cực trong công tác phòng, chống dịch COVID-19.
Đặc biệt, các doanh nghiệp dù gặp rất nhiều khó khăn trong nhiều tháng liền TP phải thực hiện giãn cách xã hội, nhưng đã nỗ lực chi trả lương thưởng Tết cho người lao động, mức thưởng bình quân là 8,88 triệu đồng/người, cao hơn 0,8% so với Tết Nguyên đán Tân Sửu năm 2021 (8,81 triệu đồng/người).
UBND TP đánh giá các hoạt động kết nối cung - cầu, thị trường TP có thêm nhiều hàng hóa đặc sản các địa phương phục vụ tiêu dùng Tết, lượng hàng dồi dào, ổn định, chất lượng cao, giá cả hợp lý. Việc kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm được thực hiện thường xuyên trên diện rộng, không để xảy ra ngộ độc thực phẩm trong những ngày Tết. Các chương trình văn hóa, nghệ thuật được đổi mới trong thiết kế, dàn dựng, kết hợp giữa trực tiếp và trực tuyến, tổ chức phục vụ đáp ứng nhu cầu thưởng ngoạn của người dân TP và khách du lịch.
Mặc dù vậy, công tác tổ chức Tết vẫn còn bộc lộ những nhược điểm, nhất là một số địa phương chưa quản lý chặt chẽ địa bàn, còn hiện tượng mua bán, lấn chiếm vỉa hè, sử dụng loa thùng kéo hát karaoke quá giờ quy định gây ô nhiễm tiếng ồn khu dân cư; tình trạng cờ bạc với quy mô nhỏ vẫn còn xảy ra; vẫn còn để xảy ra hiện tượng người lang thang xin ăn, đặc biệt là trẻ em người dân tộc tập trung tại một số điểm đông người, bến xe, nhà ga, cơ sở tôn giáo, giao lộ các tuyến cửa ngõ; hiện tượng sử dụng pháo trái phép xảy ra rải rác tại một số địa bàn.