Khi những VĐV đại diện cho giấc mơ thể thao của Trung Quốc ở Olympic là người gốc Mỹ

Thể thao - Ngày đăng : 20:25, 07/02/2022

Tại Thế vận hội mùa đông Bắc Kinh năm nay, không thể phủ nhận gương mặt đại diện cho giấc mơ thể thao của Trung Quốc là người gốc Mỹ.

Vận động viên trượt tuyết tự do Eileen Gu (18 tuổi) được chú ý hàng đầu là điều dễ thấy trước đây và sự nổi tiếng của cô ở Trung Quốc bùng nổ khi Thế vận hội mùa đông bắt đầu.

"Công chúa tuyết Gu chuẩn bị tỏa sáng tại Thế vận hội ở quê hương" là một dòng tiêu đề trên Tân Hoa xã (tờ báo nhà nước Trung Quốc), đề cập đến Gu bằng tên tiếng Trung của cô.

Thế nhưng, Eileen Gu có một quê hương khác là Mỹ, nơi cô được sinh ra với mẹ người Trung Quốc và cha người Mỹ. Đây cũng là nơi cô lần đầu tiên thể hiện tình yêu của mình với môn trượt tuyết.

Năm 2015, chỉ vài tháng sau khi bước lên bục vinh quang World Cup lần đầu tiên, Eileen Gu (vận động viên gốc San Francisco) tuyên bố cô sẽ chuyển sang thi đấu cho Trung Quốc thay vì Mỹ - một quyết định gây tranh cãi đẩy cô vào tâm điểm chú ý.

"Đây là một quyết định cực kỳ khó khăn với tôi. Tôi tự hào về di sản của mình và cũng tự hào về sự nuôi dưỡng của người Mỹ", Eileen Gu viết trong bài đăng trên Instagram thời điểm đó.

Eileen Gu đã trở thành cái tên quen thuộc ở Trung Quốc. Đi bộ xuống phố và bạn sẽ thấy khuôn mặt của cô trên khắp các biển quảng cáo hay bìa tạp chí. Các video quảng cáo trước thềm Thế vận hội cho thấy Eileen Gu biểu diễn các thủ thuật bay giữa không trung và chạy trên Vạn Lý Trường Thành.

Eileen Gu có gần 2 triệu người theo dõi trên mạng xã hội Weibo, cũng như được nhiều nhà tài trợ Trung Quốc, thương hiệu và đội phim tài liệu theo dõi mọi chuyển động của cô.

Thế nhưng đằng sau thành công của Eileen Gu là áp lực nặng nề khi vừa là người Trung Quốc vừa là người Mỹ vào thời điểm địa chính trị căng thẳng. Eileen Gu đại diện cho quê hương của mẹ, đất nước đang bị phương Tây chỉ trích vì những cáo buộc vi phạm nhân quyền; cố gắng hoàn thành nhiệm vụ của vận động viên và không gì hơn thế ở một trong những Thế vận hội gây tranh cãi nhất lịch sử gần đây.

khi-nhung-vdv-dai-dien-cho-giac-mo-the-thao-cua-trung-quoc-o-olympic-la-nguoi-goc-my.jpg
Biển quảng cáo có hình Eileen Gu tại một bến xe buýt ở Bắc Kinh

Thế vận hội mùa đông Bắc Kinh có số lượng các vận động viên sinh ra ở nước ngoài tranh tài cho Trung Quốc nhiều chưa từng thấy, với một số người đến từ Bắc Mỹ. Trong đó, Eileen Gu đã trở thành gương mặt đại diện cho một Trung Quốc đầy tham vọng, mong muốn chứng tỏ có sức mạnh thu hút tài năng nước ngoài và hun đúc thành vận động viên Trung Quốc mới trên trường thế giới.

Song những vận động viên này, đặc biệt là những người gốc Trung, phải đối mặt với việc không thể cân bằng khi họ đứng giữa hai quốc gia và điều hướng sự phức tạp của một bản sắc kép trong mắt công chúng.

Hơn 12 vận động viên đại diện cho Trung Quốc tại Thế vận hội là người sinh ra ở nước ngoài và hầu hết đều thuộc đội khúc côn cầu nam, nơi chỉ có 6 trong số 25 thành viên là người bản địa.

Susan Brownell, chuyên gia về thể thao Trung Quốc tại Đại học Missouri-St. Louis (Mỹ), cho biết việc chuyển đổi quốc tịch để thi đấu thể thao thực sự khá phổ biến trên thế giới và Trung Quốc chỉ mới bắt đầu cuộc chơi này.

Sự thay đổi này đặc biệt bất thường do Trung Quốc áp dụng một số quy tắc nhập cư nghiêm ngặt nhất thế giới. Susan Brownell nói thêm: “Trung Quốc chưa bao giờ làm những điều như thế này trước đây”.

Có rất nhiều người da trắng không có sắc tộc Trung Quốc hoặc mối liên hệ rõ ràng với nước này, chẳng hạn hai cựu cầu thủ Liên đoàn Khúc côn cầu Quốc gia ở Bắc Mỹ (NHL) - Jake Chelios và Jeremy Smith. Thế nhưng, các vận động viên gốc Trung mới bị giám sát chặt chẽ nhất, chẳng hạn như vận động viên khúc côn cầu sinh ra ở Canada - Brandon Yip và vận động viên trượt băng sinh ra tại Mỹ - Zhu Yi, trước đây được gọi là Beverly Zhu.

Màn ra mắt Thế vận hội mùa đông đáng thất vọng của Zhu Yi đã minh chứng cho những áp lực riêng mà các vận động viên này phải đối mặt. Sau khi Zhu Yi ngã sõng soài trên băng từ một lần nhảy không thành công ở phần mở đầu và bỏ lỡ lần nhảy khác, qua đó kết thúc với số điểm thấp nhất, dân mạng Trung Quốc dùng những lời lẽ khinh bỉ và châm chọc nhắm vào vận động viên trượt băng 19 tuổi này.

Trên Weibo, hashtag "Zhu Yi đã thất thủ" đã có được 200 triệu lượt xem chỉ sau vài giờ. Nhiều người đặt câu hỏi tại sao Zhu Yi lại được chọn vào đội với tư cách vận động viên gốc Trung, trong khi những người khác chỉ trích việc cô không thành thạo tiếng Quan Thoại. "Đây thật là một sự ô nhục" - một bình luận với 11.000 lượt like.

khi-nhung-vdv-dai-dien-cho-giac-mo-the-thao-cua-trung-quoc-o-olympic-la-nguoi-goc-my21.jpg
Zhu Yi bị ngã trong môn trượt băng nghệ thuật nữ tại Thế vận hội mùa đông Bắc Kinh 2022

Eileen Gu và Zhu Yi là hai hình ảnh phản chiếu về nhiều mặt - cả hai đều sinh ra ở California (Mỹ), chỉ cách nhau một tuổi - nhưng Eileen Gu thu hút công chúng bằng cách thành thạo tiếng Quan Thoại và quen thuộc với văn hóa Trung Quốc, không bị nhiều người nước này hoài nghi như Zhu Yi.

Eileen Gu đã tiến vào vòng chung kết Big Air tại vòng loại cuộc thi đầu tiên của cô hôm 7.2, sau khi được giới thiệu là "người được yêu thích" và nhận được nhiều tiếng la hét cổ vũ từ đám đông phấn khích. Thế nhưng, không rõ liệu những lời ca tụng đó có tiếp tục nếu Eileen Gu không giành được những huy chương vàng hay không.

Sự nổi tiếng của Eileen Gu mang đến những thách thức riêng. Tờ Fox News đã gán cho Eileen Gu là "đứa trẻ vô ơn của nước Mỹ" - kiểu bình luận thường thấy trong các bài đăng trên mạng xã hội của cô cũng như các vận động viên khúc côn cầu như Jake Chelios.

"Rất vui khi thấy cô mang tất cả những thành công và thành tích ở Mỹ của mình sang Trung Quốc chứ không phải đại diện cho nơi sinh ra và lớn lên", một người bình luận dưới bài đăng trên Instagram của Eileen Gu tuần trước.

Một số người đã cáo buộc Eileen Gu đặt lợi nhuận và uy tín lên trên lập trường về các vấn đề nhân quyền. Không ít người chỉ trích Eileen Gu vì các khoản tài trợ cao cấp mà cô có được ở Trung Quốc.

Mỹ đang dẫn đầu một cuộc tẩy chay ngoại giao với Thế vận hội mùa đông, với lý do cáo buộc Trung Quốc vi phạm nhân quyền với người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ ở khu vực Tân Cương, nhưng đến nay Eileen Gu vẫn giữ im lặng.

khi-nhung-vdv-dai-dien-cho-giac-mo-the-thao-cua-trung-quoc-o-olympic-la-nguoi-goc-my1.jpg
Eileen Gu sau khi về nhất trong cuộc thi Freeski Halfpipe dành cho nữ vào ngày 8.1.2022 tại Toyota U.S. Grand Prix, bang California, Mỹ

Cuộc tranh luận về quyền công dân

Đằng sau Eileen Gu và nhiều vận động viên Trung Quốc sinh ra ở nước ngoài là câu hỏi về quyền công dân.

Trung Quốc không cho phép mang hai quốc tịch, với việc chính phủ khuyến khích công chúng báo cáo những người bí mật giữ hai hộ chiếu. Có rất ít trường hợp ngoại lệ với lệnh cấm và rất khó xảy ra trường hợp ngoại lệ nào áp dụng cho các vận động viên được đề cập, theo Donald Clarke, giáo sư tại Trường Luật Đại học George Washington chuyên về luật Trung Quốc.

Donald Clarke nói với CNN: “Cách duy nhất để các cầu thủ khúc côn cầu có thể trở thành công dân Trung Quốc là nhập quốc tịch. Theo luật quốc tịch của Trung Quốc, họ cần phải từ bỏ quốc tịch nước ngoài của mình”. Eileen Gu có thể là trường hợp như vậy, nhưng không rõ liệu điều đó đã được thực hiện chưa.

Eileen Gu chưa bao giờ công khai chia sẻ về việc liệu cô có từ bỏ quốc tịch Mỹ để thi đấu cho Trung Quốc không và nhiều lời đồn đoán tăng lên sau khi cô đăng ký Chương trình Học bổng Tổng thống Mỹ vào năm 2021. Đây là chương trình chỉ dành cho công dân hoặc thường trú nhân Mỹ.

Trang web chính thức của Thế vận hội mùa đông Bắc Kinh dường như đã xác nhận tình trạng Eileen Gu trong một bài viết vào tháng 1.2022 đề cập đến "hai quốc tịch" của cô.

Cả Donald Clarke và Susan Brownell đều cho biết, kịch bản có nhiều khả năng xảy ra hơn là Trung Quốc đã tự bẻ cong các quy định của mình để cho các vận động viên sinh ra ở nước ngoài được giữ hai hộ chiếu, với hy vọng tăng số lượng huy chương Thế vận hội - từ lâu được chính phủ Trung Quốc coi là dấu hiệu của sức mạnh quốc gia.

Chiến lược này có thể là một thử nghiệm của lãnh đạo Trung Quốc, sẽ đánh giá phản ứng của công chúng trước khi quyết định có nên tiến hành thực hiện ở quy mô lớn hơn và cho phép các vận động viên có hai quốc tịch không", Susan Brownell nói.

Các quan chức Trung Quốc đã cẩn thận tránh câu hỏi về quốc tịch của Eileen Gu, thay vào đó nhấn mạnh vào di sản Trung Quốc của cô. Eileen Gu là những gì chính phủ Trung Quốc thường gọi là "Hoa kiều" - công dân nước ngoài gốc Hoa, được gán cho cái mác đó bất kể họ có quốc tịch hay bao nhiêu thế hệ trong gia đình họ sống ở nước ngoài.

Kể từ khi nhậm chức, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã nhiều lần khẳng định rằng Hoa kiều cũng thuộc về quốc gia - và nhiều lần cam kết "đoàn kết Hoa kiều" với bà con của họ ở Trung Quốc như một phần của "giấc mơ Trung Hoa".

Có vẻ như Eileen Gu là một phần của giấc mơ Trung Hoa đó, với việc chính phủ và bộ máy tuyên truyền đang dốc toàn lực trong việc tuyên bố cô là của riêng họ.

"Tôi có nguồn gốc rất sâu xa ở Trung Quốc", Eileen Gu nói với đài truyền hình trung ương CCTV, theo tờ Thời báo Hoàn cầu thuộc nhà nước Trung Quốc. Eileen Gu nói thêm rằng cô đã ở Trung Quốc khi có thông báo Thế vận hội mùa đông sẽ được tổ chức ở Bắc Kinh, đó là khi "tôi bắt đầu nghĩ về việc tranh tài cho Trung Quốc".

Tờ Tân Hoa xã lưu ý rằng Eileen Gu đến thăm Bắc Kinh vào mỗi mùa hè khi lớn lên, xem Thế vận hội Bắc Kinh 2008 từ khán đài, yêu thích món vịt quay và bánh bao Bắc Kinh.

Eileen Gu sẽ trở thành thần tượng của cả thế giới. Trước đây, người ta muốn trở thành người Mỹ, vậy tại sao bây giờ lại không chấp nhận rằng họ muốn trở thành người Trung Quốc?", một người hâm mộ Trung Quốc nói với Thời báo Hoàn cầu.

Sơn Vân - Ảnh: CNN