Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: Không thể để tình trạng trẻ em bị bạo hành, xâm hại

Theo dòng thời sự - Ngày đăng : 11:59, 08/02/2022

“Không thể để tình trạng trẻ em bị bạo hành, xâm hại bởi sự vô cảm, sự xuống cấp đạo đức, thậm chí ngay trong chính trong gia đình", Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh.

Theo báo cáo của Bộ Lao động, Thương binh và xã hội (LĐ-TB-XH), trong dịp Tết nguyên đán Nhâm Dần 2022, Trung ương và các địa phương đã dành nguồn ngân sách các cấp và kinh phí vận động xã hội hóa để tặng quà, hỗ trợ gạo cho các đối tượng chính sách, người lao động là 9.287 tỉ đồng cho trên 57,81 triệu người. Tặng quà cho 1,56 triệu người có công với cách mạng, tổng kinh phí thực hiện gần 480,3 tỉ đồng theo quyết định của Chủ tịch nước.

Công tác hỗ trợ chăm lo Tết cho người nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội và người lao động nhân dịp Tết Nguyên đán được các địa phương quan tâm. Các địa phương cũng đã tổ chức thăm hỏi, tặng quà cho các đơn vị lực lượng vũ trang làm nhiệm vụ ở vùng biên giới trong dịp Tết, các bệnh nhân nặng, người đang điều trị COVID-19, nạn nhân chất độc hóa học.

Dịp Tết Nguyên đán, các lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã có kế hoạch thăm, tặng quà cho gần 7.515 trẻ em tại 37 địa phương với tổng kinh phí 35,29 tỉ đồng từ nguồn vận động của Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam. Một số địa phương quan tâm, dành kinh phí từ ngân sách và huy động xã hội hóa chăm lo đến trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt.

Về tình hình lương, thưởng Tết của người lao động và chăm lo hỗ trợ người lao động: tiền lương bình quân của người lao động năm 2021 ước đạt 7,84 triệu đồng/tháng, tăng 4% so với năm 2020 (7,54 triệu đồng/tháng) và tăng 0,9% so với năm 2019 (7,77 triệu đồng/tháng).

Tiền thưởng Tết Dương lịch 2022 bình quân là 1,36 triệu đồng/người, bằng 58% so với thưởng dịp Tết Dương lịch 2021 (2,34 triệu đồng/người). Tiền thưởng Tết Nguyên đán Nhâm Dần bình quân bằng gần 01 tháng lương (6,17 triệu đồng/người), bằng 97% so với thưởng dịp Tết Nguyên đán năm 2021 (6,36 triệu đồng/người), bằng 92,2% so với thưởng dịp Tết Nguyên đán năm 2020 (6,69 triệu đồng/người).

Theo Bộ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Đào Ngọc Dung, đợt dịch COVID-19 bùng phát lần thứ 4 là một phép thử trên các lĩnh vực để nâng cao năng lực lãnh đạo, khả năng ứng phó và thực hiện các giải pháp nhằm ổn định các vấn đề về lao động việc làm, an sinh xã hội.

tre-em.jpg
Quang cảnh buổi gặp mặt đầu năm của Bộ LĐ-TB-XH

Theo Bộ trưởng, nhờ dự báo sớm, cảnh báo sớm nên đã không để xảy ra tình trạng đứt gẫy chuỗi cung ứng lao động, thiếu hụt lao động và tạo ra được một thị trường lao động tương đối ổn định.

Về các nhiệm vụ đặt ra trong năm 2022, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh cần tập trung cao nhất cho việc xây dựng thể chế, bằng mọi giá phải hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong công tác xây dựng thể chế.

Ngoài ra, tập trung triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, trong đó, ngay từ những ngày đầu năm xây dựng phương án ở 3 lĩnh vực gồm: các chính sách hỗ trợ người lao động, giáo dục nghề nghiệp và bảo trợ xã hội.

Năm 2022 được xác định là năm đột phá về chuyển đổi số của ngành. Trong đó dành nguồn ngân sách để thực hiện chương trình chuyển đổi số về dự báo trong cung cầu lao động, bảo hiểm thất nghiệp, giáo dục nghề nghiệp, cơ sở dữ liệu về an sinh xã hội cho toàn ngành.

“Trong tháng 2 này, Bộ sẽ ban hành hai văn bản gồm nghị quyết của Ban cán sự về chuyển đổi số và quyết định của Bộ trưởng về chương trình chuyển đổi số. Bộ cũng sẽ ký kết chương trình phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông để thực hiện 5 nội dung chuyển đổi số. Ngoài ra, ngay trong tháng 2, Cục trẻ em phải cấp toàn bộ cơ sở dữ liệu về trẻ em để nhập vào cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư”, Bộ trưởng nêu rõ.

Về công tác bảo trợ, chăm lo an dân, Bộ trưởng yêu cầu phải rà soát lại toàn bộ cơ chế chính sách liên quan đến đối tượng yếu thế, hướng tới phòng ngừa, giảm thiếu và khắc phục rủi ro, xây dựng một hệ thống an sinh xã hội toàn dân. Theo đó, mọi người dân đều được tham gia và thụ hưởng thành quả sự phát triển kinh tế- xã hội của đất nước.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cũng yêu cầu xây dựng thị trường lao động ổn định, trong đó lưu ý dự báo cung - cầu lao động; đồng thời có giải pháp để sớm đưa hoạt động xuất khẩu lao động trở lại ngay trong tháng 5, tháng 6.

Ngoài ra, nhiệm vụ tiếp theo là giáo dục nghề nghiệp và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Đây phải là khâu đột phá thực sự, tạo nền tảng cho xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao; trước mắt lựa chọn những ngành nghề, lĩnh vực, công việc mang tính chất dẫn dắt xã hội trong giáo dục chất lượng cao.

Ông Dung nhấn mạnh công tác chăm lo cho trẻ em cần được toàn diện hơn, không chỉ ăn no, mặc ấm cho các cháu mà còn là vấn đề không gian, đời sống tinh thần.

“Không thể thể để tình trạng trẻ em bị bạo hành, bị xâm hại bởi sự vô cảm, sự xuống cấp của đạo đức xã hội ở một số bộ phận ngay trong chính trong gia đình, nơi lẽ ra phải là môi trường tốt nhất, an toàn nhất đối với trẻ em”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Cuối cùng, Bộ trưởng lưu ý, phải chăm lo xây dựng Đảng, xây dựng chi bộ trong sạch, vững mạnh. Không thể có một cơ quan mạnh nếu như tổ chức đảng yếu. Đây là trách nhiệm của mỗi cán bộ đảng viên, nhưng trước hết phải là người đứng đầu. Đồng thời, quan tâm xây dựng, phát triển tổ chức Công đoàn, Đoàn Thanh niên.

Lam Thanh