100 triệu người bị tình trạng hậu COVID-19, trẻ em có mắc triệu chứng đáng sợ như người lớn?

Nhịp đập khoa học - Ngày đăng : 23:51, 08/02/2022

Giống người lớn, trẻ em cũng có thể mắc triệu chứng COVID-19 kéo dài (hậu COVID-19), nhưng rất ít nghiên cứu về tình trạng này ở những người trẻ tuổi. Điều đó phải thay đổi.

COVID-19 kéo dài là một thuật ngữ mô tả các triệu chứng dai dẳng mà bệnh nhân gặp phải sau lần nhiễm vi rút SARS-CoV-2 đầu tiên.

Nó được Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) định nghĩa là một loạt các vấn đề sức khỏe mới, tái phát hoặc đang diễn ra mà người ta có thể gặp phải 4 tuần hoặc hơn sau lần đầu tiên nhiễm SARS-CoV-2, ước tính đã ảnh hưởng đến 100 triệu người trên toàn cầu. Tại Mỹ, ước tính có 22 triệu người Mỹ phải chịu những ảnh hưởng lâu dài của COVID-19, theo Viện Y học Thể chất và Phục hồi chức năng Mỹ.

Có hơn 200 triệu chứng, phổ biến là mệt mỏi, khó thở, rối loạn chức năng nhận thức (còn gọi là sương mù não), đau đầu, tim đập nhanh, rụng tóc và tình trạng khó chịu sau khi gắng sức, trong đó hoạt động thể chất dù nhỏ cũng dẫn đến kiệt sức.

Từ 1/5 đến 1/3 những người mắc COVID-19 kéo dài vẫn bị các triệu chứng ít nhất 12 tuần sau khi có kết quả dương tính. Một số lượng đáng kể tiếp tục bị các triệu chứng COVID-19 nhiều tháng sau đó. Nhiều người xem tình trạng này là khuyết tật.

Hơn 2 năm kể từ khi đại dịch bắt đầu, đã có khoảng 400 triệu ca mắc COVID-19 trên toàn thế giới. Con số có thể cao hơn do nhiều trường hợp không được ghi nhận. Dựa trên tỷ lệ phổ biến được báo cáo đến nay, có thể đến 100 triệu người đang sống với COVID-19 kéo dài.

Những gì ít biết về COVID-19 kéo dài ở trẻ em và thanh thiếu niên cho thấy rằng nó có thể gây ra tình trạng như người lớn. Tuy nhiên có ít nghiên cứu hơn ở thanh thiếu niên so với người lớn và ít hơn nữa ở trẻ em dưới 11 tuổi.

Nhóm dưới 11 tuổi có ​​sự gia tăng số ca mắc COVID-19 ở nhiều quốc gia vì chưa được tiêm vắc xin. Nhiều trẻ em mắc COVID-19 sẽ dẫn đến nhiều trường hợp bị triệu chứng kéo dài hơn và lây lan dịch bệnh trong các nhóm dân số dễ bị tổn thương.

Đã đến lúc những người trẻ tuổi cần được đưa vào nhiều nghiên cứu hơn về tình trạng này, bao gồm cả việc thử nghiệm các phương pháp điều trị tiềm năng. Nhóm Long Covid Kids ở Vương quốc Anh nói rằng một số chuyên gia y tế không tin tưởng các báo cáo về COVID-19 kéo dài ở trẻ em và thanh thiếu niên bị. Điều đó cũng cần phải thay đổi.

Ở người lớn, nhiều nghiên cứu đã đánh giá mức độ phổ biến của COVID-19 kéo dài, nên hiện nay có dữ liệu tương đối nhiều cho thấy tình trạng này phổ biến và đáng báo động.

Ví dụ, một phân tích tổng hợp được xuất bản vào tháng 12.2021 tập hợp 81 nghiên cứu về COVID-19 kéo dài và kiểm tra xem bệnh nhân hoạt động như thế nào trong 12 tuần trở lên sau có kết quả dương tính. 32% báo cáo rằng họ vẫn cảm thấy mệt mỏi và 22% cho biết bị suy giảm nhận thức. Phần lớn các nghiên cứu này được thực hiện ở các quốc gia có thu nhập cao, nơi dân số lớn hơn và bao gồm ít dữ liệu về trẻ em lẫn thanh thiếu niên. Song, chúng cung cấp một cảm giác về quy mô của vấn đề.

Nhiều nghiên cứu về COVID-19 kéo dài trên toàn cầu, bao gồm cả trẻ em đã được thực hiện ở những người nhập viện. Thế nhưng, một số bằng chứng tốt nhất về COVID-19 kéo dài ở những người trẻ tuổi đến từ Children & Young People with Long Covid (CLoCk), một nghiên cứu của các nhà khoa học tại Viện Sức khỏe Trẻ em Đại học London Great Ormond Street.

Nghiên cứu được công bố trong tuần này, thu thập thông tin 6.804 trẻ em từ 11 đến 17 tuổi ở Vương quốc Anh vào đầu năm 2021: Một nửa có xét nghiệm PCR dương tính với COVID-19; nửa còn lại là âm tính và đóng vai trò là đối chứng. 3 tháng sau khi được kiểm tra, cả hai nhóm đều hoàn thành bảng câu hỏi hỏi những triệu chứng họ đang gặp phải.

Cả hai nhóm đều báo cáo một số triệu chứng, nhưng những người nhận kết quả xét nghiệm dương tính bị nhiều triệu chứng hơn những ai âm tính.

Các triệu chứng phổ biến nhất ở nhóm dương tính với COVID-19 là mệt mỏi, nhức đầu và khó thở. Trong nhóm âm tính có mệt mỏi, nhức đầu và triệu chứng khác không xác định.

Nhóm đa triệu chứng xảy ra thường xuyên hơn ở những người có kết quả dương tính hơn là âm tính, ở bé gái nhiều hơn bé trai, ở thanh thiếu niên 15–17 tuổi nhiều hơn nhóm 11–14 tuổi và những người có sức khỏe thể chất, tinh thần thấp hơn.

Nghiên cứu của CLoCk cho thấy, chỉ riêng ở Anh, hàng chục ngàn trẻ em và thanh niên có thể mắc COVID-19 kéo dài. Điều này phù hợp với ước tính của Văn phòng Thống kê Quốc gia rằng 44.000 trẻ em 2 - 11 tuổi ở Anh bị COVID-19 kéo dài cùng 73.000 trẻ 12 - 16 tuổi.

Những con số này còn chưa chắc chắn, nhưng vẫn chứng minh rằng những người trẻ tuổi đang bị COVID-19 kéo dài với số lượng đáng kể.

100-trieu-bi-tinh-trang-hau-covid-19-tre-em-co-mac-trieu-chung-dang-so-nhu-nguoi-lon.jpg
Trẻ em có thể mắc triệu chứng COVID-19 kéo dài đáng sợ như người lớn

Một số chính phủ thiếu trách nhiệm để cho vi rút SARS-CoV-2 lây lan ở nhóm tuổi này, đặc biệt là các quốc gia mà đa số trẻ em không được tiêm vắc xin.

Các đợt bùng phát dịch bệnh trong quá khứ thường dẫn đến các triệu chứng kéo dài, chẳng hạn như hội chứng sau bại liệt, và COVID-19 rõ ràng không phải ngoại lệ.

Hội chứng sau bại liệt là bệnh lý của hệ thần kinh có thể xuất hiện 15 – 50 năm sau khi bị bệnh bại liệt. Bệnh ảnh hưởng đến cơ bắp và dây thần kinh, đồng thời làm cho người bị ảnh hưởng yếu, mệt mỏi và đau cơ hoặc đau khớp.

Một số nghiên cứu được thực hiện đến nay cũng cho thấy rằng các triệu chứng COVID-19 kéo dài ở trẻ em có thể tương tự như người lớn. Những phát hiện này cần được xác nhận bằng các cuộc khảo sát chi tiết hơn.

Tương đối ít nghiên cứu như vậy đang được thực hiện. Năm ngoái, Viện Y tế Quốc gia Mỹ thông báo sẽ dành 1 tỉ USD cho nghiên cứu COVID-19 kéo dài. Một trong số đó là nghiên cứu theo dõi sự phục hồi của 40.000 người lớn và trẻ em nhiễm SARS-CoV-2.

Tại Vương quốc Anh, Viện Nghiên cứu Y tế Quốc gia, cơ quan tài trợ chính cho khoa học sức khỏe, đã tài trợ cho ba nghiên cứu về COVID-19 kéo dài, gồm cả ở những người trẻ tuổi.

Một là nghiên cứu CLoCk. Thứ hai là khám phá xem các gia đình bị ảnh hưởng như thế nào bởi tình trạng này. Thứ ba là một nghiên cứu về hệ thống miễn dịch của những người bị COVID-19 kéo dài, nhằm làm sáng tỏ các cơ chế cơ bản của tình trạng này và đề xuất các phương pháp điều trị tiềm năng. Nghiên cứu chủ yếu tập trung vào người lớn, nhưng gồm cả một số lượng nhỏ trẻ em.

Sự khác biệt cũng đáng chú ý trong các thử nghiệm về phương pháp điều trị tiềm năng với COVID-19 dài. Trong số một số phương pháp đang được tiến hành, không có trường hợp nào liên quan đến thanh thiếu niên hoặc trẻ em. Điều này phản ánh một mô hình chung trong khoa học y tế: Người lớn được nghiên cứu trước và trẻ em đến sau, một phần vì lý do an toàn, nên các liệu pháp có thể được thử nghiệm trên người lớn trước khi đến trẻ em.

Tất nhiên, khó có được dữ liệu về trẻ em dưới 11 tuổi hơn và có những thách thức chính đáng trong việc tuyển dụng các em để thử nghiệm, bao gồm cả việc nhận được sự đồng ý từ cha mẹ hoặc người giám hộ. Song điều quan trọng là không được lãng quên trẻ em. Các tổ chức và cơ quan tài trợ cần phải suy nghĩ nhiều hơn và sáng tạo hơn, nếu không những đứa trẻ mắc các bệnh như COVID-19 kéo dài sẽ tiếp tục bị bỏ lại phía sau.

Sơn Vân