Sau khi Pháp thất bại, Anh tức tốc cử Ngoại trưởng sang Nga đàm phán vấn đề Ukraine

Quốc tế - Ngày đăng : 06:43, 10/02/2022

Lần đầu tiên sau 4 năm, Anh cử một ngoại trưởng tức tốc sang Nga để tìm cách giảm căng thẳng xung quan vấn đề Ukraine. Động thái trên diễn ra ngay sau khi Tổng thống Pháp rời Moscow mà không thu hoạch kết quả cụ thể.

Ngoại trưởng Anh Liz Truss hôm qua 9.2 đã bay tới Moscow, tìm cách xoa dịu căng thẳng do hoạt động xây dựng quân đội của Nga gần Ukraine và cảnh báo rằng một cuộc xâm lược sẽ mang lại “hậu quả to lớn cho tất cả những bên có liên quan”.

Trước khi khởi hành chuyến thăm đầu tiên tới Moscow trong suốt 4 năm qua, bà Truss cho biết: “Nga có một sự lựa chọn ở đây. Chúng tôi đặc biệt khuyến khích họ can dự, giảm leo thang và chọn con đường ngoại giao”.

Nga đã điều hơn 100.000 quân đến gần biên giới Ukraine và tiến hành các cuộc diễn tập quân sự trong khu vực, nhưng nói rằng họ không có kế hoạch xâm lược nước láng giềng. Moscow muốn phương Tây đảm bảo rằng NATO không kết nạp Ukraine và các quốc gia thuộc Liên Xô cũ khác làm thành viên, đồng thời liên minh phải ngừng triển khai vũ khí ở đó và rút lực lượng khỏi Đông Âu. Mỹ và NATO thẳng thừng từ chối những yêu cầu này.

Các quốc gia phương Tây cho biết họ sẽ áp đặt các biện pháp trừng phạt cứng rắn nhất từ ​​trước đến nay đối với các doanh nghiệp và cá nhân Nga nếu Moscow xâm lược Ukraine.

Trước khi gặp Ngoại trưởng Sergey Lavrov trong chuyến thăm kéo dài hai ngày, bà Truss cho biết: “Nga có lẽ biết rõ về sức mạnh của phản ứng của chúng tôi”. Đồng thời, bà Truss kêu gọi Moscow tuân thủ các thỏa thuận quốc tế cam kết tôn trọng độc lập và chủ quyền của Ukraine.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova một lần nữa bác bỏ các cảnh báo từ Washington và các đồng minh về một cuộc xâm lược có thể xảy ra của Nga, gọi đó là "vô lý".

Bà Zakharova nói: “Chúng tôi không có kế hoạch gây hấn nào, nhưng tôi có cảm giác rằng Mỹ làm được”, đồng thời cho biết thêm rằng những tuyên bố của Washington nhắc bà nhớ về những lời hùng biện trước cuộc chiến của Mỹ ở Iraq.

Trong khi đó, vài chục người Ukraine đã tập hợp bên ngoài Đại sứ quán Mỹ ở Kiev, thúc giục Washington sử dụng ảnh hưởng quốc tế của mình để ngăn chặn một cuộc tấn công của Nga.

Các nhà lãnh đạo phương Tây trong những tuần gần đây đã tham gia nhiều vòng ngoại giao với hy vọng làm giảm leo thang cuộc khủng hoảng.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã tổ chức hơn 5 giờ hội đàm hôm 7.2 với Tổng thống Vladimir Putin tại Moscow trước khi gặp Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy ở Kiev vào ngày hôm sau.

Macron cho biết Putin đã nói với ông rằng Nga sẽ không bắt đầu leo ​​thang, nhưng cũng thừa nhận rằng sẽ cần thời gian để tìm ra giải pháp ngoại giao cho cuộc khủng hoảng an ninh lớn nhất giữa Nga và phương Tây kể từ Chiến tranh Lạnh.

Điện Elysee cho biết cuộc họp đã kết thúc với “cam kết không đưa ra các sáng kiến ​​quân sự mới” và mở ra một “cuộc đối thoại có cấu trúc về an ninh tập thể”. Họ cũng nói rằng Nga đã đồng ý rút hàng chục nghìn binh sĩ mà nước này đã triển khai ở Belarus để tham gia các cuộc tập trận chung.

Tuy nhiên, ngay lập tức Nga  đã phản bác thông báo từ Pháp. Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nói rằng dù sao thì quân đội cũng sẽ được rút đi và bác bỏ tuyên bố của Pháp về một thỏa thuận nhằm tránh các cuộc diễn tập quân sự tiếp theo. Ông Dmitry Peskov tuyên bố: “Điều này về cơ bản là không đúng sự thật; Moscow và Paris không thể ký kết bất kỳ thỏa thuận nào. Điều đó đơn giản là không thể”.

Ông Peskov còn mỉa mai: “Pháp giữ chức chủ tịch Hội đồng EU, và Pháp là thành viên của NATO, nơi Paris không có quyền lãnh đạo. Trong khối này, quyền lãnh đạo thuộc về một quốc gia hoàn toàn khác. Chúng ta có thể nói về những giao dịch nào đây?”.

Nhà Trắng cho biết Macron hôm 9.2 cũng điện đàm với Tổng thống Mỹ Joe Biden để thông báo tóm tắt về các cuộc gặp của ông ở Moscow và Kiev. Hai nhà lãnh đạo Pháp – Mỹ đã thảo luận về những nỗ lực đang diễn ra để giải quyết cuộc khủng hoảng thông qua ngoại giao và ngăn chặn Nga.

Cũng hôm 9.2, Bộ trưởng Ngoại giao Tây Ban Nha José Manuel Albares đã đến thăm Kiev để gặp người đồng cấp Ukraine, Dmytro Kuleba. Sau đó, Albares nhắc lại rằng đối thoại và giảm leo thang nên là những ưu tiên. Kuleba kêu gọi gia tăng các biện pháp trừng phạt chống lại Nga và nói rằng "có cơ hội để giải quyết cuộc khủng hoảng thông qua các biện pháp ngoại giao".

Trong khi đó, thủ tướng Đức Olaf Scholz dự kiến ​​sẽ ở Kiev và Moscow vào ngày 14 và 15.2. Ông đã gặp Biden hôm 7.2 và Biden cam kết rằng đường ống dẫn khí đốt Nord Stream 2 từ Nga sang Đức sẽ bị đặt dấu chấm hết trong trường hợp có "một cuộc xâm lược". Một động thái của Mỹ đối với đường ống đã hoàn thành nhưng chưa hoạt động, sẽ gây tổn hại về mặt kinh tế không chỉ cho Nga mà còn gây ra các vấn đề về an ninh năng lượng của Đức. Chính vì vậy, thủ tướng Đức tuy ngoài mặt ủng hộ các biện pháp trừng phạt thống nhất với Nga nhưng không hề đề cập đến chuyện đường ống dẫn khí.

Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov đã chỉ trích Mỹ và các đồng minh đã biến Nord Stream 2 “thành một công cụ gây áp lực lên Moscow” và gọi những tuyên bố gần đây về đường ống là “một trò hề chính trị”.

Bộ trưởng Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản Koichi Hagiuda cho biết Nhật Bản đã quyết định chuyển một số khí đốt dự trữ của mình sang châu Âu trong bối cảnh ngày càng lo ngại về khả năng gián đoạn nguồn cung do khủng hoảng. Quyết định được đưa ra sau yêu cầu của Mỹ và Liên minh Châu Âu.

Các quan chức Mỹ và châu Âu đã và đang phối hợp với các nhà cung cấp khí đốt tự nhiên toàn cầu để giảm bớt tác động trong trường hợp Nga cắt nguồn cung cấp khí đốt tự nhiên.

Anh Tú