Omicron lây nhiễm tế bào khác biến thể trước, nguy cơ cao bị bệnh tim và đột quỵ hậu COVID-19
Nhịp đập khoa học - Ngày đăng : 09:13, 10/02/2022
Nguy cơ bị bệnh tim, đột quỵ cao hơn nhiều sau 1 năm phục hồi từ COVID-19
Một nghiên cứu lớn đã phát hiện ra rằng rất lâu sau khi phục hồi từ COVID-19, nhiều người phải đối mặt với nguy cơ mắc các bệnh tim mới cao hơn đáng kể.
Các nhà nghiên cứu tại Bộ Cựu chiến binh Mỹ đã so sánh tỷ lệ các vấn đề tim mạch mới ở 153.760 người nhiễm SARS-CoV-2 trước khi có vắc xin, 5,6 triệu người không mắc COVID-19 và 5,9 triệu người khác có dữ liệu được thu thập trước đại dịch.
Trung bình 1 năm sau khi hồi phục từ giai đoạn nhiễm SARS-CoV-2 cấp tính, những người sống sót có nguy cơ đau tim cao hơn 63%, nguy cơ nhịp tim không đều cao hơn 69%, nguy cơ đột quỵ cao hơn 52%, nguy cơ suy tim cao hơn 72% và nguy cơ hình thành cục máu đông trong phổi có khả năng gây tử vong cao hơn gần 3 lần so với hai nhóm còn lại, theo báo cáo được công bố trên Tạp chí Nature Medicine.
Nguy cơ mắc các bệnh tim cao hơn gia tăng ở những người từng mắc COVID-19 thuộc đủ lứa tuổi, giới tính, màu da, thậm chí có hoặc không mắc bệnh tiểu đường và bệnh thận, hút thuốc hay không hút thuốc, theo Ziyad Al-Aly của Hệ thống Chăm sóc Sức khỏe VA St. Louis và Đại học Washington ở thành phố St. Louis (Mỹ).
Nguy cơ cao ngay cả ở những người mắc COVID-19 nhẹ và không cần phải nhập viện vì bệnh này, ông lưu ý trong một chủ đề Twitter.
"Nó thực sự không tha cho ai. Những người mắc COVID-19 nên chú ý đến sức khỏe của họ và tìm kiếm sự chăm sóc y tế nếu gặp các triệu chứng như đau ngực, tức ngực, đánh trống ngực (cảm giác tim đập nhanh, đập thình thịch, đập nhanh từng chập hoặc ngưng một nhịp, thường khó chịu - PV), sưng phù ở chân", Ziyad Al-Aly nói với Reuters.
Vắc xin mRNA không tạo ra tác dụng phụ ngắn hạn ở bệnh nhân ung thư
Một nghiên cứu mới cho thấy vắc xin COVID-19 công nghệ mRNA không tạo ra tác dụng phụ ngắn hạn nào ở bệnh nhân ung thư.
Các nhà nghiên cứu đã khảo sát 1.753 người nhận hai liều vắc xin Pfizer-BioNTech, khoảng 2/3 trong số đó có tiền sử ung thư và khoảng 12% trong số họ đang được hóa trị, dùng liệu pháp miễn dịch, xạ trị hoặc phẫu thuật vì căn bệnh.
Liệu pháp miễn dịch là một loại trị liệu sinh học giúp tăng cường hệ thống miễn dịch chống lại ung thư. Phương pháp điều trị là sử dụng các tế bào được tạo ra từ các sinh vật sống để cải thiện hoặc khôi phục chức năng hệ thống miễn dịch.
Hơn 90% các trường hợp ung thư liên quan đến các khối u rắn. Vắc xin Pfizer đã được chứng minh là hoạt động tốt trong những trường hợp như vậy.
Những người bị ung thư và không mắc bệnh này cho biết tỷ lệ tương tự về đau ở chỗ tiêm, đau cơ, đau khớp, sốt, ớn lạnh, nhức đầu, buồn nôn và mệt mỏi, nhóm nghiên cứu đã báo cáo trên Tạp chí của Mạng lưới Ung thư Toàn diện Quốc gia.
Nhìn chung, các triệu chứng sau tiêm vắc xin được báo cáo bởi khoảng 73% bệnh nhân bất kể họ có bị ung thư không, với đau tại chỗ tiêm là tác dụng phụ thường gặp nhất.
Các nhà khoa học lưu ý rằng những nghiên cứu trước đó đã phát hiệnsự do dự tiêm vắc xin ở bệnh nhân ung thư. Họ nói: “Tác hại của COVID-19 là phức tạp với những bệnh nhân bị ung thư từ chối tiêm vắc xin. Dữ liệu của chúng tôi kết hợp với dữ liệu từ các nguồn khác cho thấy vắc xin COVID-19 mRNA được dung nạp tốt ở những bệnh nhân có tiền sử ung thư, kể cả những người đang được điều trị tích cực".
Cách Omicron lây nhiễm cho tế bào các biến thể SARS-CoV-2 trước
Một nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Nature cho thấy cách lây nhiễm tế bào của Omicron khác với cơ chế thường được sử dụng bởi các biến thể SARS-CoV-2 trước. Điều này có thể giúp giải thích vì sao Omicron gây triệu chứng nhẹ hơn.
Các biến thể trước đó sử dụng protein ACE2 trên bề mặt tế bào và enzyme TMPRSS2 để tự hợp nhất với màng tế bào rồi đưa vật liệu di truyền của chúng vào bên trong. Các nhà nghiên cứu phát hiện ra Omicron thích xâm nhập vào các tế bào bằng cách tạo ra các túi nhỏ trong màng tế bào được gọi là nội bào tử, mà tế bào sử dụng để vận chuyển vật liệu di truyền vào bên trong.
Omicron vẫn tự gắn vào các protein ACE2 nhưng không cần sự trợ giúp của TMPRSS2. Trên thực tế, Omicron nhân lên dễ dàng nhất ở các mô khan hiếm TMPRSS2, chẳng hạn như mũi.
Trong phổi, nơi có nhiều TMPRSS2, Omicron đã lây lan kém hiệu quả hơn và ít gây hại hơn so với các biến thể SARS-CoV-2 trước đó.
Tiến sĩ Ravindra Gupta, thuộc Viện Miễn dịch trị liệu và Bệnh truyền nhiễm Cambridge (Anh), cho biết phát hiện trên giúp giải thích "tại sao Omicron ít nghiêm trọng hơn và ít gây viêm phổi hơn".
Ravindra Gupta cũng lưu ý rằng các loại thuốc nhắm mục tiêu TMPRSS2, chẳng hạn camostat mesylate, phương pháp điều trị viêm tụy cho thấy một số lợi ích ở bệnh nhân COVID-19, có thể ít hữu ích hơn với người nhiễm Omicron.