Biến đổi khí hậu ảnh hưởng đến không khí

Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 08:40, 11/02/2022

Khi nhắc đến tác động của biến đổi khí hậu, mọi người thường nghĩ về mực nước biển dâng cao, hạn hán hoặc lũ lụt và các hiện tượng thời tiết cực đoan.

Nhưng một nhóm nghiên cứu thuộc Đại học Nam Dương (NTU) của Singapore chỉ ra rằng biến đổi khí hậu có thể ảnh hưởng đến cả không khí mà chúng ta hít thở. Mỗi ngụm khí con người hít vào không chỉ mang oxy cần thiết cho sự sống, mà còn có cả rất nhiều vi sinh vật như vi khuẩn và nấm.

Kết luận trên được đưa ra sau khi nhóm nghiên cứu lấy nhiều mẫu không khí ở độ cao khác nhau (từ mặt đất đến độ cao 3.500 mét) để xem xét thành phần vi sinh vật trong không khí.

Giáo sư Stephan Schuster - người giám sát nghiên cứu trên - cho biết có một vài chỉ số cho thấy vi sinh vật trong không khí có thể ảnh hưởng đến sức khỏe con người và nông nghiệp. Vì vậy thành phần vi sinh vật trong không khí thay đổi tác động nhất định đến xã hội loài người.

Theo nhóm nghiên cứu, trong khi người khỏe mạnh không bị ảnh hưởng xấu từ việc hít vào vi sinh vật từ không khí, thì người mắc bệnh hô hấp lại có phản ứng miễn dịch mạnh hơn khiến triệu chứng bệnh hô hấp của họ trở nên trầm trọng hơn.

“Bất cứ thay đổi nào của thành phần vi sinh vật trong không khí cũng có thể ảnh hưởng đến sức khỏe đường hô hấp theo một cách chưa được biết, vì vậy rất đáng lo ngại”, theo giáo sư Schuster.

bib2ac9ed0cd3105bfa15ee6c442e702e5.jpg
Thành phần vi sinh vật trong không khí có thay đổi vì biến đổi khí hậu - Ảnh: Science Alert

Khi nhiệt độ toàn cầu tăng lên, vi sinh vật chịu nhiệt ở vùng khí hậu nhiệt đới có thể lây lan đến vùng nằm ở vĩ độ cao hơn, ảnh hưởng đến đa dạng sinh học và nông nghiệp nơi đó. Cây trồng cùng vật nuôi không quen với vi sinh vật vùng khí hậu nhiệt đới có thể phải chịu dịch bệnh mới.

Vi sinh vật trong khí quyển như nấm và vi khuẩn thường lơ lửng trong không khí sau khi chúng bị thổi bay khỏi bề mặt hành tinh. Chỉ một phần nhỏ rơi trở lại bề mặt.

Từ số mẫu thu thập được, nhóm nghiên cứu xác định được khoảng 10.000 vi sinh vật, trong đó không khí từ mặt đất lên đến khoảng 1.000m (lớp biên) có thành phần vi sinh vật khá dày đặc trong cả ngày. Ở lớp không khí phía trên, thành phần vi sinh vật không thay đổi bất kể ngày hay đêm, đặc biệt có sự hiện diện của vi khuẩn có thể chịu được lượng bức xạ mặt trời cao hơn.

Trong một thế giới ấm hơn, lớp biên sẽ mở rộng. Điều này có nghĩa tất cả vi khuẩn và nấm trong không khí gồm cả vi khuẩn gây bệnh cho thực vật hoặc gây bệnh đường hô hấp ở người và động vật có thể xâm nhập khu vực đông dân cư của xã hội loài người hiện nay.

Sự thay đổi thành phần vi sinh vật trong không khí ảnh hưởng cụ thể ra sao đến sức khỏe con người cùng hệ sinh thái vẫn cần được nghiên cứu thêm. Nhóm nghiên cứu cũng muốn xem xét không khí ở nhiều nơi khác.

Cẩm Bình