Sau Mỹ, đến lượt Anh tuyên bố không gửi quân đến Ukraine dù có chiến tranh
Quốc tế - Ngày đăng : 11:23, 11/02/2022
Anh sẽ không cử quân đến Ukraine
Thủ tướng Anh Boris Johnson cho biết ông lo ngại châu Âu đứng "trên bờ vực" khi một số chuyên gia tuyên bố rằng Nga hiện đã tập hợp một lực lượng ở biên giới Ukraine và sẵn sàng động binh.
Trong một ngày Anh thực hiện các hoạt động ngoại giao gấp rút, Thủ tướng cho biết ông hy vọng Tổng thống Nga, Vladimir Putin, sẽ "rút lui và giảm leo thang".
Sau khi hoàn thành chuyến đi đến trụ sở NATO ở Brussels và gặp lãnh đạo chính phủ Ba Lan ở Warsaw, Johnson nói: “Tôi nghĩ hôm nay, ngày 10.2.2022, chúng ta đứng trên bờ vực và mọi thứ nguy hiểm như tôi đã thấy ở châu Âu trong một thời gian rất dài”.
Trước đó, tại trụ sở của NATO, Johnson cho biết tình hình đã bước vào "thời điểm nguy hiểm nhất". Tổng thư ký của liên minh Jens Stoltenberg nói thêm: “Số lượng lực lượng của Nga đang tăng lên. Thời gian cảnh báo cho một cuộc tấn công có thể xảy ra đang giảm xuống”.
Johnson cho biết ông đã đồng ý với lãnh đạo NATO "một gói hỗ trợ" để tăng cường đóng góp quân sự của Anh cho các thành viên của liên minh ở Đông Âu. Johnson cam kết Anh sẽ “tăng gấp đôi sự hiện diện” của quân đội ở Estonia, nơi Anh đóng góp 900 quân dưới sự chỉ huy của NATO. Đồng thời, Anh cũng công bố luật trừng phạt đã hứa, được thiết kế để nhắm vào các nhà tài phiệt kiểm soát các doanh nghiệp có ý nghĩa kinh tế hoặc chiến lược đối với Nga nếu Điện Kremlin ra lệnh khai hỏa.
Nhưng Johnson cho biết Anh và NATO sẽ không can thiệp quân sự nếu Ukraine, một thành viên không thuộc NATO, bị tấn công, nhưng cho thấy Anh sẽ sẵn sàng viện trợ bất kỳ cuộc nổi dậy nào nếu Nga tấn công hoặc Kiev thất thủ.
Các nhà phân tích quân sự ước tính Moscow đã tập trung hơn 135.000 quân ở biên giới Ukraine và vừa bắt đầu cuộc tập trận chung kéo dài 10 ngày tại Belarus hôm 10.2.
Một số người hiện tin rằng gần như tất cả các yếu tố cần thiết đã có sẵn nếu Putin muốn tấn công. Rob Lee, một chuyên gia quân sự Nga, đồng thời là thành viên của Viện Chính sách Đối ngoại, đã tweet vào tối 9.2 rằng “quân đội Nga, tính đến tuần này / cuối tuần, có đủ khả năng quân sự để thực sự tiến hành một cuộc tấn công quy mô lớn”.
NBC News đưa tin, một đánh giá tình báo Mỹ đã kết luận rằng Nga đã tập hợp 100 tiểu đoàn tác chiến cộng với lực lượng đặc biệt ở biên giới với Ukraine.
Trong khi đó, Ukraine không tin rằng ông Putin sẽ mạo hiểm một cuộc tấn công quy mô lớn, mặc dù Kiev lo ngại rằng Moscow có thể cố gắng xâm nhập hạn chế hơn vào khu vực Donbas, nơi đang có xung đột cường độ thấp với lực lượng ly khai do Nga hậu thuẫn đang diễn ra kể từ năm 2014.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy cho biết ông tin rằng các chiến thuật mới nhất của Nga đã quen thuộc. Phát biểu trước một nhóm các nhà lãnh đạo doanh nghiệp châu Âu, ông Zelenskiy cho biết: “Sự tập trung lực lượng ở biên giới là áp lực tâm lý từ nước láng giềng của chúng tôi. Chúng tôi không thấy gì mới ở đây ”.
Những nỗ lực vãn hồi hy vọng
Mặt khác, Anh cũng có những nỗ lực ngoại giao với Nga. Hôm qua, Ngoại trưởng Liz Truss có cuộc thảo luận 2 giờ với Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov ở Moscow.
Trong một cuộc họp báo lạnh giá, Lavrov cho biết cuộc thảo luận của họ chỉ là màn trò chuyện “người câm với người điếc” và các cuộc nói chuyện này “không có gì bí mật, không có sự tin tưởng, chỉ là những khẩu hiệu được hô vang”. Ngoại trưởng Lavrov cũng ám chỉ rằng Nga có thể rút các nhân viên ngoại giao không thiết yếu khỏi Ukraine.
Còn bà Truss đưa ra những câu trả lời không hề mới gặp gỡ các phóng viên, lặp lại cảnh báo rằng một cuộc chiến tranh sẽ là "thảm họa đối với người dân Nga và Ukraine và đối với an ninh châu Âu".
Ngoại trưởng Anh cũng trực tiếp thách thức Ngoại trưởng Lavrov khi bác bỏ quan điểm của Nga rằng khi không đe dọa bất kỳ ai dù tập trung quân đội và vũ khí. Bà nói: “Tôi không thể thấy bất kỳ lý do nào khác cho việc có 100.000 quân đóng ở biên giới, ngoài việc đe dọa Ukraine”.
Chỉ có điều trong cuộc họp, bà Truss bị hớ khi đã nhầm lẫn các khu vực Voronezh và Rostov của Nga với lãnh thổ Ukraine khi Lavrov hỏi liệu bà có công nhận chủ quyền của Nga đối với chúng hay không. Bà liên tục nói với Ngoại trưởng Lavrov rằng Vương quốc Anh sẽ không bao giờ công nhận yêu sách của Moscow, cho đến khi đại sứ Anh buộc phải vào cuộc để sửa sai bà.
Bà Truss đã xác nhận với báo chí Nga: “Đối với tôi, dường như Bộ trưởng Lavrov đang nói về một phần của Ukraine. Tôi đã chỉ rõ rằng những khu vực này (Rostov và Voronezh) là một phần thuộc chủ quyền nước Nga.
Trong một tuyên bố, Bộ trưởng Quốc phòng Anh Ben Wallace cũng xác nhận đã gửi áo giáp, mũ bảo hiểm và ủng quân sự tới Ukraine. Tháng trước, Anh đã cung cấp 2.000 vũ khí chống tăng hạng nhẹ cho quân đội Ukraine nhằm tăng cường khả năng tự vệ của Kiev.
Bộ trưởng Quốc phòng Anh Wallace dự kiến sẽ đến Moscow để tham vấn với Bộ trưởng Quốc phòng Nga, Sergei Shoigu, vào hôm nay. Các nhà lãnh đạo và quan chức châu Âu khác cũng đang tích cực hoạt động con thoi giữa Moscow và Kiev. Thủ tướng Đức, Olaf Scholz, dự kiến sẽ đến Moscow vào tuần tới.
Lãnh đạo đảng Lao động Keir Starmer đã đến thăm trụ sở của NATO sau Johnson vài giờ. Viết trên tờ Guardian, ông cho biết đảng Lao động "đang ủng hộ cách tiếp cận của chính phủ Anh để đoàn kết với các đồng minh trước sự xâm lược ở nước ngoài" - nhưng cáo buộc các bộ trưởng đã không làm đủ để giải quyết dòng "tiền bẩn" của Nga vào Vương quốc Anh.
Không chỉ Anh và các nước châu Âu, các nỗ lực ngoại giao cũng tiếp tục. Tổng thư ký NATO Stoltenberg cho biết ông đã gửi một lá thư trước đó vào hôm qua cho Lavrov, đề nghị thảo luận về sự minh bạch hơn xung quanh các cuộc tập trận, cũng như kiểm soát vũ khí hạt nhân. Ông nói: “Chúng tôi sẵn sàng lắng nghe những quan ngại của Nga, và nói thêm rằng NATO đã sẵn sàng cho một“ cuộc trò chuyện nghiêm túc về kiểm soát vũ khí ”.
Tuy nhiên, kỳ vọng về các cuộc họp bị hạn chế do Nga đã đưa ra yêu cầu theo chủ nghĩa tối đa đối với NATO để rút quân khỏi các quốc gia thành viên và cam kết không bao giờ chấp nhận Ukraine gia nhập liên minh.