TP.HCM giám sát hoạt động kinh doanh xăng dầu 24/24
Sự kiện - Ngày đăng : 19:00, 14/02/2022
Ông Nguyễn Tiến Đạt - Phó cục trưởng Cục Quản lý thị trường TP.HCM chia sẻ như thế với báo chí vào chiều 14.2 về công tác thanh, kiểm tra hoạt động xăng dầu hiện nay trên địa bàn TP.
Ông Đạt cho biết khi có phản ánh của người dân về tình trạng thiếu hụt xăng dầu, đơn vị này phối hợp Sở Công Thương cùng với các đơn vị liên quan kiểm tra, làm rõ. Nếu phát hiện vi phạm sẽ xử lý nghiêm, có tính răn đe nhằm đảm bảo hoạt kinh doanh xăng dầu diễn ra bình thường đáp ứng nhu cầu của người dân và doanh nghiệp.
Sau nghỉ Tết, UBND TP đã triệu tập cuộc họp với các đơn vị có liên quan để nắm tình hình xăng dầu nhằm có những chỉ đạo quyết liệt.
Hiện nay, Cục Quản lý thị trường TP đã nghiêm túc quán triệt thực hiện các chỉ đạo của UBND TP cũng như của Bộ Công Thương. Toàn bộ lực lượng lượng quản lý thị trường tập trung vào việc giám sát hệ thống phân phối xăng dầu của TP, đồng thời xử lý nghiêm có tính răn đe cao đối với những hành vi vi phạm.
"Hoạt động kinh doanh xăng dầu có tính liên kết rất cao. Nếu một điểm xảy ra vấn đề sẽ lan tỏa cả toàn hệ thống. Do đó, hiện nay lực lượng quản lý thị trường TP đã triển khai giám sát 24/24 mọi biến động xảy ra. Nếu có thông tin của người dân, chúng tôi sẽ đến trực tiếp để đánh giá tình hình, thực trạng như thế nào, trao đổi với chủ doanh nghiệp xem khó khăn như thế nào; đồng thời làm rõ việc doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu không cung cấp hay gặp khó khăn nguồn cung, nếu khó khăn nguồn cung thì bao giờ có”, ông Đạt chia sẻ.
“Tất cả những việc trên được lực lượng quản lý thị trường TP.HCM truy đến tận gốc. Nếu nằm ngoài địa bàn TP thì sẽ phối hợp với địa phương bạn để kịp thời xử lý tình huống, không để xảy hậu quả xấu đối với thị trường. Chúng tôi sẽ nỗ lực hơn nữa kịp thời đảm bảo cung cầu, đảm bảo thị trường xăng dầu hoạt động một cách công khai, minh bạch”, ông Đạt nhấn mạnh.
Liên quan đến hoạt động xăng dầu trên địa bàn TP.HCM, ông Nguyễn Nguyên Phương - Phó giám đốc Sở Công Thương cho biết hiện nay tình hình kinh doanh xăng dầu trên địa bàn TP gặp một số khó khăn. Sở đã có văn bản gửi các cơ sở kinh doanh xăng dầu báo cáo cụ thể vấn đề này. Các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu phải báo cáo rõ là đang gặp khó khăn về nguồn cung hay trong các vấn đề gì khác. Nếu doanh nghiệp không báo cáo mà các đoàn thanh, kiểm tra phát hiện vi phạm thì sẽ xử lý nghiêm.
Sở Công Thương cũng đã phối hợp với quản lý thị trường tiến hành kiểm tra 6 cửa hàng kinh doanh xăng dầu, trong đó có 1 cửa hàng đóng cửa thông báo hết xăng dầu, các cửa hàng còn lại đa số hết xăng, còn dầu. Qua kiểm tra cho thấy, các cửa hàng kinh doanh xăng dầu đều đã có hóa đơn nhập khẩu và đang chờ xăng dầu về.
“Chúng tôi cùng với quản lý thị trường đang theo dõi chặt về vấn đề này và ghi nhận, lập biên bản; đồng thời sẽ làm việc với các đơn vị cung cấp xăng dầu để có báo cáo chính thức cho Bộ Công Thương xử lý”, ông Phương cho biết thêm.
Theo ông Phương, trong thời gian tới Sở Công Thương tiếp tục tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ về tình hình kinh doanh xăng dầu. Bất cứ các cửa hàng kinh doanh xăng dầu nào có dấu hiệu găm hàng, tạm ngưng kinh doanh, hoặc kinh doanh không đúng quy định sẽ tiến hành điều tra, xử lý kịp thời.
Hiện TP cũng đã có đề xuất với Bộ Công Thương để kiến nghị với Chính phủ về việc điều chỉnh giá xăng dầu linh động hơn, thay vì quy định 1 tháng 3 kỳ. Trong trường hợp đặc biệt giá có sự biến động thì có sự điều chỉnh kịp thời để hỗ trợ cho các doanh nghiệp hoạt động hiệu quả.
“Nếu chúng ta không điều chỉnh kịp thời trong tình huống có sự biến động về giá cả thì sẽ rất khó cho các doanh nghiệp”, ông Phương nói.
Về tác động của việc giảm giá thuế VAT từ 10% xuống 8%, ông Phương cho biết, sau khi Quốc hội ban hành Nghị quyết 43 điều chỉnh giảm thuế VAT xuống còn 8%, Chính phủ ban hành Nghị quyết 15 hướng dẫn thực hiện từ ngày 1.2.2022, nên còn rất sớm để thể đánh giá việc ảnh hưởng giảm giá thế VAT này như thế nào.