Berlin tuyên bố NATO không có kế hoạch kết nạp Ukraine và sự khôn ngoan của người Đức
Góc nhìn - Ngày đăng : 07:26, 15/02/2022
Vào 13.2, với thủ tướng Đức, Olaf Scholz đã có mặt tại Kiev để thực hiện nỗ lực ngoại giao giảm căng thẳng. Hai nhà lãnh đạo đã nói chuyện trong gần hai giờ đồng hồ, lâu hơn so với kế hoạch.
Sau cuộc họp song phương, ông Scholz nói với với tổng thống Ukraine, Volodymyr Zelenskiy: “Chủ quyền và độc lập lãnh thổ của Ukraine là không thể thương lượng”.
Nhưng Thủ tướng Đức Olaf Scholz cho biết hiện không có kế hoạch kết nạp Ukraine vào các liên minh phương Tây như NATO. Tại một cuộc họp báo chung sau cuộc hội đàm với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky ở Kiev, Scholz giải thích thêm: "Đó là lý do tại sao hơi kỳ lạ khi quan sát thấy rằng chính phủ Nga đang biến một điều gì đó thực tế không có trong chương trình nghị sự trở thành chủ đề của các vấn đề chính trị lớn. Xét cho cùng, đó chính là thách thức mà chúng tôi đang thực sự đối mặt”.
Phát biểu của Scholz thể hiện sự khôn ngoan khi một mặt vừa trấn an Nga về việc không kết nạp Ukraine nhưng mặt khác cũng khiến các đồng minh phương Tây ấm lòng khi thừa nhận Nga đang tập trung quân vô cớ.
Thực ra Ukraine cũng biết tình hình khó được kết nạp vào NATO. Vào sáng 14.2, đại sứ Ukraine tại Anh, Vadym Prystaiko, cho biết Kiev có thể xem xét từ bỏ tham vọng trở thành thành viên NATO nếu điều đó có thể giúp giảm leo thang tình hình. Bộ Ngoại giao nhanh chóng nói rằng những lời của Prystaiko không phản ánh quan điểm của Ukraine.
Tuy nhiên, động thái sửa sai của Bộ Ngoại giao Ukraine cũng không thay đổi được thực tế là hầu hết các quan chức phương Tây tin rằng Ukraine có rất ít cơ hội sớm gia nhập NATO. Chỉ có điều, họ thường lảng tránh công khai loại trừ khả năng này nên phát biểu của Thủ tướng Đức có thể coi là lời nói thực lòng nhưng chưa ai chịu nói trước đây.
Và để Ukraine khỏi ấm ức, Scholz trong chuyến đi đến Kiev đã đề nghị gói hỗ trợ tài chính 150 triệu euro bên cạnh một khoản vay trị giá 150 triệu euro khác vẫn chưa được trả hết. Ông Scholz nói: “Đây là những thời điểm rất nghiêm trọng khi tôi đang thăm Ukraine và nhắc lại rằng Đức luôn đứng về phía Kiev trong bối cảnh lo ngại chiến tranh với Nga”, đồng thời khẳng định: “Không quốc gia nào trên thế giới viện trợ tài chính cho Ukraine trong 8 năm qua nhiều hơn Đức”.
Vào hôm nay, Scholz sẽ gặp Putin ở Moscow, một tuần sau khi Tổng thống Emmanuel Macron của Pháp cũng đến thăm cả hai nước theo trình tự ngược lại (đến Moscow rồi mới đến Kiev) trong nỗ lực tìm kiếm các con đường để giảm leo thang. Trong 5 giờ hội đàm đối thoại trong bữa tối ở Điện Kremlin, Putin được cho là đã dành nhiều thời gian để giảng cho Macron về những bất bình có tính lịch sử của Nga. Putin đã tuyên bố rằng việc Ukraine gia nhập NATO chắc chắn sẽ dẫn đến chiến tranh giữa Nga và liên minh quân sự này.
Mỹ đã yêu cầu Nga rút khoảng 130.000 quân mà Moscow cho rằng đã tập trung quân gần biên giới với Ukraine. Moscow đã kêu gọi Mỹ và các đồng minh đưa ra các đảm bảo an ninh sâu rộng, bao gồm cả lệnh cấm NATO mở rộng hơn nữa.
Tại cuộc họp báo với Thủ tướng Đức, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky có vẻ vẫn chưa hết chạnh lòng khi nói rằng Nga đang sử dụng đường ống dẫn khí Nord Stream 2 của mình như một "vũ khí địa chính trị".
Mối liên kết năng lượng bỏ qua lợi ích của Ukraine đã là nguyên nhân ngày càng gây khó chịu trong quan hệ của Đức với Mỹ và Ukraine. Đường ống trước chảy từ Nga qua Ukraine đến các nước châu Âu giúp Kiev kiếm tiền và có "con tin" kinh tế với Nga.
Zelensky nói: “Chúng tôi có những bất đồng nhất định trong các đánh giá của mình” về mối liên kết năng lượng Nga-Đức. Chúng tôi hiểu rõ rằng đó là một vũ khí địa chính trị”.
Nga đã hoàn thành việc xây dựng đường ống chạy dưới biển Baltic, nhưng các cơ quan quản lý của Đức vẫn đang trong quy trình phê duyệt sử dụng nó. Tuy nhiên, vấn đề phê duyệt chỉ là thời gian khi Đức chưa muốn chính thức bày tỏ thái độ vào thời điểm nhạy cảm này.
Trong cuộc gặp với Thủ tướng Đức hồi tuần trước, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã cảnh báo rằng ông sẽ tìm cách "chấm dứt" dự án nếu “Nga xâm lược Ukraine” nhưng không nói là làm bằng cách nào.
Trong cả cuộc gặp Tổng thống Mỹ và Ukraine, Thủ tướng Đức đều thoát pressing khi không đề cập đến Nord Stream 2 mà chỉ cho biết chung chung "không ai nên nghi ngờ quyết tâm và sự chuẩn bị sẵn sàng" của Berlin để trừng phạt Nga trong trường hợp nước này tấn công nước láng giềng.
Ông Scholz nói: “Chúng tôi sẽ hành động sau đó và chúng sẽ là những biện pháp sâu rộng có tác động đáng kể đến các cơ hội phát triển kinh tế của Nga".
Trong khi đó, Thủ tướng Anh Boris Johnson hôm 14.2 cũng kêu gọi các đồng minh phương Tây “sát cánh cùng nhau và thể hiện một mặt trận thống nhất”. Đồng thời, Thủ tướng Anh nhắc các nhà lãnh đạo châu Âu cần nhớ bài học từ việc Moscow sáp nhập Crimea vào năm 2014 và giảm sự phụ thuộc của họ vào khí đốt của Nga.
Ông Johnson nói: “Tất cả các quốc gia châu Âu cần phải đưa Nord Stream ra khỏi dòng máu, loại bỏ nguồn cung cấp hydrocacbon của Nga đang kìm kẹp nhiều nền kinh tế châu Âu khó phát triển”.
Nhưng ngay cả khi Mỹ gây áp lực thì Đức vẫn không chịu dứt khoát với Nord Stream nên việc Anh kêu gọi khó có tác dụng nhất là khi Anh đã Brexit gây khó khăn cho Đức trong việc phải gánh EU.