Trung Quốc chuẩn bị từ bỏ ‘Zero COVID’?
Quốc tế - Ngày đăng : 12:35, 16/02/2022
Paxlovid là dược phẩm nước ngoài đầu tiên được Trung Quốc cấp phép sử dụng điều trị COVID-19. Nước này đến nay vẫn luôn kiên định sử dụng vắc xin cùng phương pháp điều trị tự sản xuất trong nước, thậm chí cả vắc xin dùng công nghệ RNA thông tin (mRNA) của Pfizer hợp tác BioNTech cũng chưa được phê duyệt.
Phát biểu trong một cuộc họp nhanh do công ty Sealand Securities tổ chức ngày 12.2 (vài giờ sau khi có thông tin Paxlovid được cấp phép), cựu quan chức Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Trung Quốc Tăng Quang - cố vấn chống dịch của Trung Quốc - nhận định động thái cấp phép sử dụng phục vụ cho một mục đích chiến lược: tạo cơ sở chuyển dần từ ngăn chặn COVID-19 sang cách tiếp cận linh hoạt hơn.
“Trung Quốc sẽ không tự cô lập với phần còn lại của thế giới và có nhiều biện pháp để thay đổi chiến lược. Trước khi hành động phải lập chiến lược”, chuyên gia Tăng phát biểu. Quan điểm này được các chuyên gia và nhà phân tích ủng hộ nhắc lại.
Trung Quốc là nền kinh tế lớn cuối cùng còn duy trì chính sách “Zero COVID” – một nhiệm vụ ngày càng trở nên khó khăn trong bối cảnh biến thể Delta và Omicron lây lan mạnh mẽ. Vắc xin tự sản xuất đạt hiệu quả bảo vệ thấp được xem là lý do chính khiến Trung Quốc phải giữ “Zero COVID”.
Pfizer ngày 14.2 bình luận về động thái của Trung Quốc: “Việc phê duyệt có điều kiện là một cột mốc quan trọng trong cuộc chiến chống COVID-19, phản ánh nỗ lực của chính phủ trong tăng cường khả năng tiếp cận dược phẩm tiên tiến”. Động thái cũng xoa dịu lo ngại Trung Quốc - thị trường dược phẩm lớn thứ hai thế giới - đang cố ý tránh dùng đến phương pháp điều trị COVID-19 nước ngoài.
Vắc xin Pfizer đến nay vẫn chưa được phê duyệt. Hiện 90% dân số Trung Quốc đã được tiêm chủng đầy đủ và nhiều người được tiêm tăng cường – bằng vắc xin tự sản xuất.
Nhà phân tích Michael Shoebridge thuộc Viện nghiên cứu Chính sách chiến lược Úc nhận định: “Thuốc trị COVID-19 nước ngoài ít nhạy cảm hơn nhiều so với vắc xin nước ngoài, vì vắc xin COVID-19 là trọng tâm trong cuộc cạnh tranh quyền lực mềm, gắn với niềm tự hào quốc gia”.
Giống như vắc xin, Trung Quốc cũng có vài loại thuốc kháng vi rút nội địa đang được phát triển. Ứng viên tiềm năng nhất là thuốc của công ty dược Kintor ở Tô Châu, phải thực hiện thử nghiệm giai đoạn cuối thứ hai tại nhiều quốc gia sau khi thử nghiệm đầu tiên ở Mỹ không cho kết quả như kỳ vọng, trong bối cảnh tỷ lệ nhập viện rất thấp.
Theo ông Brad Loncar thuộc công ty nghiên cứu thị trường dược Loncar Investments: “Cấp phép sử dụng Paxlovid có khả năng là Trung Quốc tính toán rằng dựa vào thuốc kháng vi rút nội địa để từ bỏ chính sách “Zero COVID” sẽ khiến kế hoạch chậm trễ, so với thế giới đang mở cửa”.