Mỹ tụt hậu trong việc tiêm mũi vắc xin thứ 3 so với các nước lớn dù ca tử vong do COVID-19 cao nhất
Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 21:55, 16/02/2022
Dữ liệu từ trang Our World in Data cho thấy, tính đến ngày 13.2, tỷ lệ tiêm mũi vắc xin COVID-19 thứ 3 ở Anh là 55,4%, Đức 55%, Pháp 51,1% và Canada 44%, trong khi Mỹ chỉ 27,6%.
Theo CNN, dù số ca mắc COVID-19 tăng đột biến do biến thể Omicron gây ra, Mỹ vẫn phải vật lộn để thuyết phục người dân tiêm mũi vắc xin thứ 3.
Đến nay, Mỹ ghi nhận tổng cộng 79.639.934 ca mắc COVID-19 với 949.269 người chết, cao nhất thế giới. Ngày 10.1, Mỹ lập kỷ lục về số ca mắc COVID-19 trên toàn cầu với 1,35 triệu. Khi làn sóng dịch Omicron giảm dần ở Mỹ, số ca mắc COVID-19 trung bình trong 7 ngày qua tính đến hôm 15.2 là 141.412.
Theo phân tích của CNN về dữ liệu của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC), tốc độ tiêm mũi vắc xin tăng cường tại nước này đang ở mức thấp nhất nhiều tháng qua.
Các chuyên gia cho rằng sự mệt mỏi vì đại dịch COVID-19 và chia rẽ đảng phái, vốn đã cản trở chiến dịch tiêm vắc xin của Mỹ, chịu trách nhiệm một phần cho những con số này.
Theo cuộc khảo sát của tổ chức phi lợi nhuận Kaiser Family Foundation được công bố vào tháng trước, 58% đảng viên Dân chủ đã tiêm vắc xin COVID-19 đầy đủ (1 liều Johnson & Johnson hoặc 2 liều Moderna/Pfizer) bày tỏ quan tâm đến liều thứ 3, so với chỉ 18% đảng viên Cộng hòa được tiêm vắc xin đầy đủ.
Khả năng miễn dịch suy yếu đang làm phức tạp thêm tình hình. Israel đã bắt đầu tiêm liều vắc xin thứ 4 cho các nhóm dân số có nguy cơ cao và những người từ 60 tuổi vào ngày 2.1. Một nghiên cứu từ nước này cho thấy mũi vắc xin Pfizer-BioNTech thứ 4 cung cấp khả năng bảo vệ khỏi nhiễm SARS-CoV-2 và bệnh nặng tốt hơn.
Các nghiên cứu của CDC được công bố vào tuần trước cho thấy số người đến khoa cấp cứu và nhập viện sau khi tiêm liều vắc xin COVID-19 thứ 3 ít hơn so với sau liều thứ 2, nhưng hiệu quả của nó giảm dần theo thời gian.
"Trong bối cảnh khả năng bảo vệ đang suy yếu, mũi vắc xin tăng cường là chìa khóa giúp biến COVID-19 thành một căn bệnh đặc hữu thay vì gây ra đại dịch lây nhiễm", theo Andy Pekosz, giáo sư tại Trường Y tế Công cộng Johns Hopkins Bloomberg ở thành phố Baltimore, bang Maryland, Mỹ.
Khả năng bảo vệ của mũi vắc xin mRNA tăng cường suy giảm sau vài tháng
Sự bảo vệ được cung cấp bởi mũi vắc xin mRNA tăng cường của Moderna hoặc Pfizer-BioNTech suy giảm sau vài tháng, theo dữ liệu trong Báo cáo hàng tuần về Bệnh tật và Tử vong của CDC.
Các nhà nghiên cứu báo cáo rằng trong vòng 2 tháng sau khi tiêm liều vắc xin mRNA thứ 2 ở đợt dịch Delta, hiệu quả ngăn nhập viện là 94% và tránh các lần khám tại khoa cấp cứu hoặc chăm sóc khẩn cấp là 92%.
Hiệu quả giảm dần sau đó, nhưng tăng lên lần lượt 96% và 97% sau 2 tháng tiêm mũi vắc xin tăng cường. Tuy nhiên, sau 4 tháng tiêm mũi vắc xin mRNA tăng cường, mức bảo vệ đó đã giảm xuống còn 76% và 89%.
Khi Omicron thay thế Delta trở thành biến thể thống trị ở Mỹ, hiệu quả của vắc xin ngăn nhập viện và các lần khám tại khoa cấp cứu hoặc chăm sóc khẩn cấp lần lượt là 71% và 69% trong vòng 2 tháng sau khi tiêm liều thứ hai.
Hai tháng sau khi tiêm mũi vắc xin tăng cường, hiệu quả ngăn nhập viện và các lần khám tại khoa cấp cứu hoặc chăm sóc khẩn cấp lần lượt 91% và 87%, nhưng giảm xuống 78% và 66% trong 4 tháng sau tiêm.
Các ước tính được rút ra từ phân tích 241.204 lượt khám tại khoa cấp cứu hoặc chăm sóc khẩn cấp liên quan đến COVID-19 và 93.408 trường hợp nhập viện từ tháng 8.2021 đến tháng 1.2022.
Brian Dixon thuộc Viện Regenstrief và Đại học Indiana (Mỹ) cho biết: “Những phát hiện của chúng tôi cho thấy rằng mũi vắc xin tăng cường có thể cần thiết. Chúng tôi cũng phát hiện ra rằng những người gốc Tây Ban Nha hoặc da đen tiêm liều vắc xin thứ ba ít hơn một nửa so với những người da trắng, khiến họ dễ bị COVID-19 nghiêm trọng hơn".