Ukraine đòi LHQ xử lý gấp việc Quốc hội Nga trình luật công nhận độc lập cho Donbass

Quốc tế - Ngày đăng : 06:39, 17/02/2022

Việc Hạ viện Nga bỏ phiếu để yêu cầu Tổng thống Vladimir Putin công nhận độc lập với Donetsk và Luhansk đã khiến Ukraine rất lo lắng.

Ukraine đã yêu cầu Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc thảo luận vào hôm nay về nỗ lực của Quốc hội Nga trong việc công nhận lực lượng ly khai tự xưng ở miền đông Ukraine.

Hội đồng gồm 15 quốc gia thành viên đã phải nhóm họp về cuộc khủng hoảng của Ukraine và thảo luận về các thỏa thuận Minsk được thông qua vào năm 2015 để chấm dứt chiến tranh ly khai. Cuộc gặp diễn ra trong bối cảnh căng thẳng tăng cao sau khi Nga điều động hơn 100.000 quân đến gần biên giới Ukraine trong những tuần gần đây, mặc dù Nga phủ nhận việc lên kế hoạch tấn công.

ukraine.jpg
Lực lượng vũ trang Ukraine trong cuộc tập trận ở khu vực Dnipropetrovsk, Ukraine. Ảnh: Reuters

Theo Reuters, trong bức thư gửi các thành viên Hội đồng Bảo an, Đại sứ Ukraine Sergiy Kyslytsya cho biết động thái của Quốc hội Nga hôm 15.2 "càng làm trầm trọng thêm các mối đe dọa đối với toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine và kiến ​​trúc an ninh toàn cầu sau khi Liên bang Nga liên tục xây dựng quân đội trong vùng phụ cận giáp biên giới với Ukraine".

Lực lượng ly khai do Nga hậu thuẫn ở các khu vực Donetsk và Luhansk - được gọi chung là Donbass - đã tách khỏi sự kiểm soát của chính phủ Ukraine vào năm 2014 và tuyên bố độc lập. Động thái này đã làm dấy lên xung đột với quân đội Ukraine.

Hôm 15.2, Hạ viện Nga đã bỏ phiếu để yêu cầu Tổng thống Vladimir Putin công nhận độc lập với Donetsk và Luhansk. Tổng thống Putin từ chối tiết lộ về cách ông dự định phản ứng.

Kyslytsya cho biết quyết định này làm suy yếu các thỏa thuận Minsk và yêu cầu Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc xem xét động thái này trong cuộc họp hôm nay tại New York.

Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã họp hàng chục lần để thảo luận về cuộc khủng hoảng Ukraine kể từ khi Nga sáp nhập khu vực Crimea vào năm 2014. Họ không thể thực hiện bất kỳ hành động nào vì Nga là thành viên thường trực, nắm phủ quyết cùng với Pháp, Anh, Trung Quốc và Mỹ.