WHO: Omicron 'tàng hình' chiếm 1/5 ca COVID-19 mới toàn cầu, nhiều nhất ở Đông Nam Á
Nhịp đập khoa học - Ngày đăng : 13:03, 17/02/2022
Biến thể Omicron ban đầu (BA.1) có khả năng lây truyền cực nhanh và hiện chiếm đa số ca mắc COVID-19 trên toàn cầu.
Nhiều nhà khoa học đang theo dõi sự gia tăng các ca COVID-19 được gây ra bởi biến thể phụ của Omicron là BA.2 (còn gọi là Omicron “tàng hình”), bắt đầu cạnh tranh với BA.1 ở các khu vực của châu Âu và châu Á.
Ngoài BA.1 và BA.2, WHO liệt kê hai biến phụ khác của Omicron là BA.1.1.529 và BA.3. Tất cả đều có liên quan chặt chẽ về mặt di truyền, nhưng mỗi loại đều sở hữu các đột biến có thể thay đổi cách chúng hoạt động.
Omicron chiếm 98,3% ca mắc COVID-19 được xác định trên toàn cầu trong các mẫu được giải trình tự gen được gửi đến trung tâm chia sẻ dữ liệu GISAID trong 30 ngày qua.
Tính đến ngày 14.2, BA.2 chiếm phần lớn các mắc COVID-19 mới được xác định ở 10 quốc gia: Đan Mạch, Ấn Độ, Trung Quốc, Bangladesh, Brunei Darussalam, Guam, Montenegro, Nepal, Pakistan và Philippines. Tuy nhiên, WHO lưu ý rằng có sự khác biệt lớn trong phạm vi rộng khắp toàn cầu "với khu vực Đông Nam Á báo cáo tỷ lệ lưu hành BA.2 cao nhất trong số các trình tự Omicron (44,7%) và châu Mỹ ghi nhận tỷ lệ thấp nhất (1%)".
Ở Mỹ, mức độ phổ biến của BA.2 đã tăng gấp 3 lần từ 1,2% trong tuần kết thúc vào ngày 29.1.2022 lên 3,6% trong tuần kết thúc hôm 5.2.2022, nhưng vẫn chiếm một tỷ lệ rất nhỏ trong số các ca mắc COVID-19 mới.
Ngược lại, tỷ lệ lưu hành của BA.2 ở Nam Phi đã tăng từ 27% vào ngày 4.2 lên 86% vào ngày 11.2.
Ở Anh, tỷ lệ nhiễm BA.2 tăng gấp 6 lần trong khoảng thời gian 17 đến 31.1.2022, từ 2,2% lên 12%.
Đan Mạch chứng kiến tỷ lệ nhiễm BA.2 tăng gấp đôi từ tuần cuối cùng năm 2021 đến giữa tháng 1.2022, từ 20% lên 45%. Sau đó, BA.2 trở thành biến thể thống trị ở quốc gia Bắc Âu vào tuần thứ ba của tháng 1.2022, với 66% các mẫu được giải trình tự.
Một báo cáo vào cuối tháng 1.2022 từ Viện Huyết thanh Statens, hoạt động dưới sự bảo trợ của Bộ Y tế Đan Mạch, cho thấy BA.2 có thể sẽ chiếm gần 100% ca mắc COVID-19 vào giữa tháng 2.2022 ở nước này. Báo cáo cũng chỉ ra: “BA.2 có thể lây truyền mạnh hơn hơn 30% so với BA.1. Do đó, sự gia tăng nhanh chóng này của BA.2 có thể dẫn đến một đường cong dịch bệnh dốc hơn với đỉnh cao hơn và có thể trì hoãn thời gian mà tỷ lệ nhiễm SARS-CoV-2 giảm cho đến tháng 2".
WHO đã tạo ra một biểu đồ phác thảo suy nghĩ hiện tại về BA.2, cho thấy sự khác biệt thực sự của nó so với các biến thể khác ở khả năng lây truyền.
Báo cáo của WHO cho biết: “Sự khác biệt về tiềm năng BA.2 tăng trưởng giữa các quốc gia có thể liên quan đến sự khác biệt về tỷ lệ bao phủ vắc xin COVID-19 và mô hình tiếp xúc do các hạn chế, mật độ dân số…”. Thế nhưng, phân tích về những yếu tố đó không mang lại sự rõ ràng.
Đan Mạch gần đây đã bỏ gần như tất cả các hạn chế liên quan COVID-19, nhưng tỷ lệ tiêm vắc xin đầy đủ của người dân rất cao (đến 81,3%). Trong đó, 61,9% người Đan Mạch đã nhận mũi vắc xin thứ ba.
Để so sánh, 64,7% công dân Mỹ được tiêm vắc xin COVID-19 đầy đủ và chỉ 27,9% người nhận mũi tăng cường. Tuy nhiên, Mỹ đã không chứng kiến đợt bùng phát dịch BA.2 như Đan Mạch, dù đang dỡ bỏ rộng rãi quy định đeo khẩu trang.
Trong khi Nam Phi, nơi Omicron lần đầu tiên được xác định và BA.2 đang chiếm ưu thế, chỉ có 29% dân số được tiêm vắc xin COVID-19 đầy đủ, nhưng người dân vẫn phải đeo khẩu trang ở nơi công cộng trong nhà.
Về mật độ dân số, Đan Mạch nói chung là tập trung hơn nhiều so với Nam Phi hoặc Mỹ - nơi cũng có các trung tâm đô thị dày đặc.
Một điều rõ ràng là số ca mắc COVID-19 đều giảm ở cả ba quốc gia này, bất chấp BA.2 phát triển. Tuy nhiên việc đang giảm dần số lượng xét nghiệm gây ảnh hưởng đến kết quả phân tích. Mức độ xét nghiệm dương tính ở cả ba quốc gia cũng là một xu hướng hỗn hợp, với Đan Mạch tăng lên 35% vào tuần cuối tháng 1.2022, Mỹ giảm xuống 8,7% vào hôm nay và Nam Phi có xu hướng giảm xuống 11,3% trong tuần đầu tiên tháng 2.2022.
Hôm 9.2, WHO cho rằng BA.2 sẽ lưu hành mạnh hơn trên khắp thế giới, dù vẫn chưa rõ liệu biến thể này có thể gây tái nhiễm ở những người mắc BA.1 không.
Maria Van Kerkhove, trưởng nhóm kỹ thuật về COVID-19 của WHO, nói cơ quan y tế thế giới đang theo dõi bốn phiên bản khác nhau của Omicron. Maria Van Kerkhove cho biết BA.2 dễ lây lan nhanh hơn BA.1 và có thể sẽ chiếm ưu thế hơn.
“BA.2 dễ lây truyền hơn BA.1, vì vậy chúng tôi cho rằng BA.2 sẽ tăng trưởng trên khắp thế giới”, bà cho biết trong một phiên hỏi đáp được phát trực tiếp trên các nền tảng truyền thông xã hội của WHO.
WHO đang theo dõi để xem liệu BA.2 có gây gia tăng nhanh chóng số ca COVID-19 ở các quốc gia và sau đó là sự sụt giảm mạnh số ca nhiễm BA.1 không.
Maria Van Kerkhove nhấn mạnh không có dấu hiệu cho thấy sự khác biệt về mức độ nghiêm trọng của bệnh do một trong hai biến thể Omicron này gây ra, dù lưu ý rằng nghiên cứu đang được tiến hành.
Biến thể Omicron thường không làm cho bệnh nhân trở nặng hơn Alpha và Delta nhưng lây lan nhanh hơn.
Các nhà nghiên cứu ở Đan Mạch đã phát hiện ra rằng BA.2 có khả năng lây truyền cao hơn BA.1 khoảng 1,5 lần, lây nhiễm mạnh hơn ở cả những người đã tiêm 2 hay 3 mũi vắc xin.
Theo Troels Lillebaek - Chủ tịch Ủy ban giám sát của Đan Mạch về các biến thể SARS-CoV-2, BA.2 có 5 đột biến độc nhất nằm trên một phần đặc biệt của protein gai liên quan đến khả năng truyền nhiễm cao hơn. Tuy nhiên, những người đã tiêm 2 hay 3 mũi vắc xin ít nguy cơ lây truyền BA.2 so với những ai chưa được tiêm phòng COVID-19.
Maria Van Kerkhove cho biết vắc xin vẫn có hiệu quả cao trong việc ngăn ngừa bệnh nặng và tử vong do COVID-19 nhưng không ngăn ngừa tất cả khỏi nhiễm vi rút. Bà kêu gọi mọi người đi tiêm vắc xin và đeo khẩu trang trong nhà ở nơi công cộng.
Tiến sĩ Abdi Mahamud, Giám đốc quản lý sự cố của WHO, nói không rõ liệu BA.2 có thể gây tái nhiễm cho những người trước đó đã mắc BA.1 không. Điều này có thể tác động đáng kể đến mức độ lây lan của BA.2.
BA.2 lây truyền mạnh hơn BA.1 ở người đã tiêm 2 hay 3 mũi vắc xin
Một nghiên cứu của Đan Mạch phát hiện ra BA.2 có khả năng lây truyền cao hơn so với BA.1 và lây nhiễm mạnh hơn những người đã tiêm vắc xin.
Nghiên cứu phân tích các ca mắc COVID-19 trong hơn 8.500 hộ gia đình Đan Mạch từ tháng 12.2021 đến tháng 1.2022, cho thấy những người nhiễm BA.2 có nguy cơ lây truyền vi rút cho người khác cao hơn khoảng 33% so với những ai nhiễm BA.1.
Các nhà nghiên cứu cho biết: “Chúng tôi kết luận rằng Omicron BA.2 về cơ bản có khả năng lây truyền cao hơn BA.1 và nó cũng sở hữu các đặc tính tránh miễn dịch, làm giảm thêm tác dụng bảo vệ từ việc tiêm vắc xin”.
Nghiên cứu vẫn chưa được đánh giá bởi các nhà nghiên cứu tại Viện Huyết thanh Statens, Đại học Copenhagen, Thống kê Đan Mạch và Đại học Kỹ thuật Đan Mạch.
"Nếu tiếp xúc với ca nhiễm BA.2 trong gia đình, bạn có 39% xác suất lây vi rút trong vòng 7 ngày. Thay vào đó, nếu tiếp xúc với ca nhiễm BA.1, xác suất là 29%", Frederik Plesner, tác giả chính của nghiên cứu nói với Reuters.
Điều đó cho thấy BA.2 có khả năng lây nhiễm cao hơn BA.1 khoảng 33%, ông Frederik Plesner nói thêm.