Việt Nam tăng hạng, xếp thứ 6 trong ASEAN về chỉ số sẵn sàng AI
Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 17:09, 17/02/2022
Theo Báo cáo “Chỉ số sẵn sàng AI của Chính phủ” (Government AI Readiness Index) do Oxford Insights (Vương quốc Anh) kết hợp với Trung tâm nghiên cứu phát triển quốc tế của Canada (IDRC) thực hiện, Việt Nam đứng thứ 62 trên thế giới và đứng thứ 6 trong ASEAN, (so với năm 2020, tăng 14 bậc so với xếp hạng thế giới và tăng 1 bậc (thứ 6/10) so với ASEAN).
Được biết, năm 2021, Việt Nam đã ban hành chiến lược quốc gia về nghiên cứu phát triển và ứng dụng AI đến năm 2030. Để thực hiện chiến lược quốc gia này, nhiều hoạt động đã được triển khai; trong đó có hoạt động quảng bá Chiến lược được Bộ KH-CN thực hiện hiệu quả trong năm 2021 với sự hỗ trợ của Chương trình Aus4Innovation, Australia.
Báo cáo đánh giá sự sẵn sàng AI của Chính phủ từ 160 quốc gia trong việc khai thác những ứng dụng của AI để vận hành và cung cấp dịch vụ của mình. Chỉ số được sử dụng như một công cụ để so sánh tình trạng hiện tại về mức độ sẵn sàng cho AI của Chính phủ ở các quốc gia, so sánh với các nước trong khu vực trên toàn cầu để học tập kinh nghiệm hữu ích phát triển.
Năm 2021, phương pháp đánh giá sử dụng 42 chỉ số trên 3 trụ cột (Chính phủ, Cơ sở hạ tầng và Ngành công nghệ) với 10 khía cạnh thuộc nhóm nhân lực, dữ liệu và cơ sở hạ tầng, năng lực đổi mới, tầm nhìn, khả năng thích ứng, quản trị và đạo đức, năng lực kỹ thuật số, quy mô, tính sẵn có của dữ liệu.
Báo cáo lần này chia thế giới thành 9 khu vực, gồm Bắc Mỹ, Mỹ Latinh, Caribe, Tây Âu, Đông Âu, Châu Phi cận Sahara, Trung Đông và Bắc Phi, Nam và Trung Á, Đông Á và Thái Bình Dương. Báo cáo phân tích các ý kiến chuyên gia cho từng khu vực trên thế giới, mỗi khu vực chọn ra một quốc gia tiêu điểm, được xác định trở thành nhà lãnh đạo khu vực hoặc quốc gia có những sáng kiến điển hình, nổi bật về sự sẵn sàng AI.
Theo đó, Mỹ đứng đầu bảng xếp hạng toàn cầu với điểm số 88.16 nhờ vào quy mô và tốc độ phát triển trong lĩnh vực công nghệ. Singapore xếp thứ hai với 88.46 với chỉ số quản trị nhân lực và năng lực đổi mới được đánh giá cao. Các quốc gia khác trong top 5 là nhóm nước Tây Âu gồm Anh (hạng 3); Phần Lan (hạng 4) và Hà Lan (hạng 5).
Ngoài ra, Báo cáo nhấn mạnh tầm quan trọng của chiến lược AI quốc gia, trong đó chỉ rõ Indonesia và Việt Nam đều đã phát hành các chiến lược quốc gia về AI trong thời gian kể từ khi chỉ số năm 2020. Cả hai nước đều đạt điểm tối đa trong khía cạnh tầm nhìn trong năm nay.
Đặc biệt, Việt Nam đặt ra tham vọng trở thành một trong những quốc gia hàng đầu trong khu vực về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng AI.
Báo cáo cũng gợi ý việc thành lập các trung tâm AI trong các trường đại học, với sự hỗ trợ của các công ty công nghệ. Việc tạo ra các liên kết giữa các trung tâm nghiên cứu và các công ty trên phạm vi rộng hơn sẽ nuôi dưỡng tài năng AI trong khu vực…