PGS-TS Nguyễn Thanh Hùng: Tiêm vắc xin COVID-19 cho trẻ 5-11 tuổi là cần thiết
Theo dòng thời sự - Ngày đăng : 18:20, 18/02/2022
Ngày 18.2, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức tọa đàm “Tiêm vắc xin COVID-19 cho trẻ em - Những lưu ý quan trọng”.
PGS.TS Trần Minh Điển cho biết theo số liệu của Bộ Y tế trong thời gian vừa qua, trẻ em dưới 18 tuổi mắc với tỷ lệ không nhỏ hơn so với người lớn, chiếm đến 19,3%. Tuy nhiên, nổi cộm lên là lứa tuổi từ 5 đến 11 tuổi chiếm tỷ lên đến 8%. Trong 19,3%, đây là nhóm mà cần phải hết sức lưu ý.
“Chúng tôi triển khai pháp đồ điều trị của Bộ Y tế ban hành dành cho trẻ em, sau đó chúng tôi đưa vào triển khai trong thực tế tại khu vực Hà Nội. Ở Hà Nội, do phủ được vắc xin tốt ở tất cả các nhóm trên 12 tuổi, tình trạng bệnh nhẹ là chủ yếu. Nhưng với nhóm tuổi chưa được tiêm chủng, nhóm trẻ bị bệnh nền, chúng ta cần có những quan tâm đặc biệt”, ông Điển nói.
Ông Điển dẫn chứng việc tiếp nhận 200 em bé đến khám tại Bệnh viện Nhi Trung ương. Sau khi sàng lọc có hàng trăm em bị COVID-19, các em chủ yếu ở các nhóm tuổi chưa được tiêm chủng dưới 12 tuổi, và đặc biệt là những hậu quả của hậu COVID-19 ở trẻ em. Trong TP.HCM, rất nhiều trường hợp mắc chứng viêm đa hệ thống các cơ quan. Với tình trạng này sẽ gây ra các tổn thương đối với hệ thống tuần hoàn, gây ra suy đa cơ quan.
PGS.TS Dương Thị Hồng, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cũng chia sẻ việc triển khai tiêm chủng cho trẻ em từ 12 cho đến 17 tuổi ở Việt Nam, hiện nay đây là chiến dịch rất thành công. Số mũi tiêm đã đạt tới 17 triệu, trong đó mũi tiêm thứ nhất cho trẻ từ 12 đến 17 tuổi đã đạt trên 97% và mũi tiêm thứ hai đạt được 94,6%.
Cũng theo bà Hồng, Việt Nam ghi nhận chỉ có từ 0,5 cho đến 10% các cháu được ghi nhận tiêm chủng có phản ứng thông thường, tùy từng địa phương. Nếu so sánh với các khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới cũng như nhà sản xuất, thì phản ứng thông thường của trẻ em Việt Nam chúng ta nhẹ nhàng hơn so với số liệu đã từng ghi nhận. Có những nơi, đến 50% hay 80% các cháu có biểu hiện đau và mệt mỏi. Nhưng ở Việt Nam thì con số trung bình ghi nhận chỉ xấp xỉ gần 10% là phản ứng thông thường. Còn phản ứng nặng chúng ta cũng có ghi nhận, đó là những phản ứng phản vệ độ 2 và các cháu đã được xử trí kịp thời và qua khỏi.
Bà Hồng cũng cho hay, thế giới hiện nay đang tiêm vắc xin cho trẻ em từ 5 đến 11 tuổi. Theo thông tin của nhà sản xuất và Tổ chức Y tế Thế giới, có tới hơn 60 quốc gia triển khai tiêm vắc xin cho trẻ từ 5 đến 11 tuổi. Hầu hết các quốc gia đã chấp thuận vắc xin này từ tháng 11.2021 và nhiều quốc gia cho đến tận tháng 2.2022 mới đây, chấp thuận vắc xin để tiêm cho trẻ từ 5 đến 11 tuổi.
Hiện nay, đã có 80 triệu liều của hãng Pfizer/BioNTech được phân bổ cho các quốc gia. Chúng tôi cũng xin lưu ý đây là những vắc xin sử dụng tại các quốc gia ở châu Mỹ như Mỹ; châu Âu với tổng số là 64 quốc gia đã cho phép sử dụng vắc xin cho trẻ từ 5 đến 11 tuổi. Đối với các quốc gia châu Á như Nhật Bản, Philippines, Singapore, Malaysia cũng đã chấp thuận sử dụng vắc xin cho trẻ từ 5 đến 11 tuổi.
PGS.TS Trần Minh Điển cũng nêu: “Đứng trước một mũi tiêm dành cho trẻ em, chúng ta đều lo lắng, không chỉ ở các bậc phụ huynh mà cả chúng ta. Thời gian qua, chúng ta tiêm cho người lớn và rồi tiêm cho trẻ em từ 12-17 tuổi, đều an toàn.
Với nhóm trẻ ít tuổi hơn, có sự đặc biệt hơn về thể chất, về tinh thần, sự lo ngại của cha mẹ cũng nhiều hơn. Chúng ta cần phải quan tâm. Nhưng với loại vắc xin như vậy, chúng tôi đều phải đọc tài liệu để tiếp cận, để tư vấn được tốt cho các ông bố, bà mẹ và cũng chỉ định được vắc xin này cho trẻ em”.
Theo ông Điển, sự an toàn của loại vắc xin này cũng đã được nghiên cứu bởi nhà sản xuất. Sau khi bảo đảm được an toàn và hiệu quả, Mỹ dù rất khắt khe trong việc cấp phép vắc xin cũng đã cấp phép khẩn cấp vắc xin cho nhóm tuổi này. Đã có 60 nước chỉ định vắc xin này cho trẻ em.
“Các ông bố, bà mẹ lo ngại là có phản ứng gì lâu dài hay không? Có cả những câu hỏi về sinh sản, di truyền. Đây là vấn đề chúng ta cần hiểu rằng bản chất của vắc xin này là các thành phần RNA thông tin – khi đi vào trong tế bào, tạo ra các protein, phối hợp với một số tế bào miễn dịch để tạo ra kháng thể chống vi rút. Các RNA thông tin không xâm nhập vào nơi chứa tế bào di truyền của cơ thể con người. Đây là một cơ chế khoa học rất rõ ràng. Những ảnh hưởng ngay lập tức 5-7-10 ngày sau tiêm, chúng ta cũng không nên lo ngại vì cũng giống như các loại vắc xin tiêm chủng cho trẻ lớn hơn và cho người lớn”, ông Điển nêu.
PGS.TS.BS Nguyễn Thanh Hùng, Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM) cho rằng tiêm vắc xin ngừa COVID-19 cho trẻ từ 5-11 tuổi là việc hết sức cần thiết, mang lại nhiều lợi ích để bảo vệ các cháu hơn là tác hại. Theo đó, cần tư vấn cho các bố mẹ còn băn khoăn hiểu về lợi ích, lợi ích nhiều hơn nguy cơ. Nguy cơ chúng ta sẽ giảm thiểu hết mức nếu chúng ta tổ chức chu đáo, theo dõi và xử lý kịp thời những tác dụng phụ có thể xảy ra.
“Việc chích ngừa vắc xin cho trẻ là xu hướng toàn cầu. Các quốc gia khác còn đang nghiên cứu tiêm vắc xin cho trẻ dưới 5 tuổi, từ 6 tháng trở lại. Vì vậy, để bảo vệ trẻ, phụ huynh nên sớm đồng ý cho các cháu tiêm. Nếu không các cháu sẽ là đối tượng yếu nhất, dễ nhiễm nhất. Nếu các cháu được tiêm thì cộng đồng trong trường học, trong xã hội sẽ an toàn hơn nhiều”, ông Hùng nói.