Nhà văn Xuân Đài qua đời tại quê nhà
Văn hóa - Ngày đăng : 16:28, 19/02/2022
Chiều 19.2.2022, bà Bích Ngân – Chủ tịch Hội Nhà văn TP.HCM thông tin, nhà báo – nhà văn Xuân Đài đã đột ngột qua đời tại quê nhà Hà Tĩnh ở tuổi 87.
“Nhà văn Nguyễn Khắc Phê vừa cho tôi biết, nhà thơ Xuân Đài đã mất lặng lẽ ờ quê nhà Hương Sơn (Hà Tĩnh) trong một hoàn cảnh cô đơn, rất buồn", bà Bích Ngân cho biết.
Thông qua người cháu gọi nhà văn Xuân Đài bằng cậu, P.V Một Thế Giới được biết, ông qua đời đột ngột vào sáng 17.2.2022, trước đó vài ngày nhà văn Xuân Đài vẫn còn khỏe mạnh, nói chuyện với người thân bạn bè khi được điện đến thăm hỏi.
Nhà báo, nhà văn Xuân Đài tên đầy đủ là Lê Xuân Đài, ông sinh năm 1936 tại Vinh. Quê quán làng Xa Lang, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh.
Ở tuổi 15, Xuân Đài nghỉ học đi làm đủ nghề để mưu sinh. Sau đó ông tham gia Thanh niên xung phong và hoạt động ở các Việt Bắc, Tây Bắc, Lào Cai.
Từ năm 1961, ông theo học lớp báo chí sau đó trở về làm phóng viên cho tờ Việt Nam Độc lập có tòa soạn ở khu Tự trị Việt Bắc và phóng viên cho Tạp chí Dân tộc của Ủy ban dân tộc Trung ương.
Những năm tiếp theo ông về Hà Nội làm việc cho Đài Tiếng nói Việt Nam sau ông chuyển vào sống tại TP.HCM cho đến khi nghỉ hưu.
Trong lĩnh văn học nghệ thuật nhà văn Xuân Đài đã có một loạt tác phẩm như Tuổi nhỏ Hoàng Văn Thụ, Tuổi thơ kiếm sống, Hai người đàn ông và người đàn bà ở phố Hàng Đào. Tập truyện ngắn Ba người trong hẻm đuôi voi, Phùng Quán và tôi…
“Xuân Đài bước vào con đường văn chương là từ thơ. Ông làm thơ không nhiều nhưng đầy tâm trạng. Từ những năm 1960 – 1970 ông đã có thơ in chung tập với các nhà thơ như Tố Hữu, Chế Lan Viên, Huy Cận… Ông có tập thơ riêng mang tên Tạ tội từ nhà xuất bản Hội nhà văn năm 1991, nhiều bài ấn tượng, tôi ám ảnh đến những câu thơ in nơi trang bìa”, nhà văn Hữu Thắng chia sẻ.
Nhà văn Bích Ngân cho biết: “Trước đại dịch COVID-19 bùng nổ lần 4, tác giả Xuân Đài có đến văn phòng Hội, trực tiếp nhận khoản tiền hỗ trợ cho việc tái bản quyển sách Phùng Quán và tôi. Trong các tác phẩm xuất bản, Xuân Đài được người đọc chú ý nhiều hơn cả là tập cà kê kể chuyện Phùng Quán và tôi, người đọc và đồng nghiệp còn thấy được cả một không khí văn chương và chấm phá về gian văn hóa từ những kỷ niệm buồn vui của hai người bạn cố tri...".