Ông Biden chê Tổng thống Ukraine rời đất nước khi sắp có chiến tranh

Quốc tế - Ngày đăng : 17:31, 19/02/2022

Tổng thống Volodymyr Zelensky sẽ tới Đức vào hôm nay để gặp các nhà lãnh đạo phương Tây. Nhưng Tổng thống Biden đã đặt câu hỏi: đó có phải là quyết định khôn ngoan?

Nhà lãnh đạo Nga Vladimier Putin sẽ giám sát các cuộc tập trận quân sự lớn vào hôm nay. Động thái này khiến căng thẳng leo thang hơn nữa sau khi Washington tuyên bố Moscow sẽ xâm lược trong vòng vài ngày tới đây trong Tổng thống Ukraine tới châu Âu để ủng hộ.

Tổng thống Mỹ Joe Biden nói rằng cuộc xâm lược sẽ diễn ra trong tuần hoặc vài ngày tới. Đồng thời, ông khẳng định người đồng cấp Nga, Tổng thống Vladimir Putin đã "đưa ra quyết định" về kịch bản xâm lược. Nhưng Biden vẫn để ngỏ cánh cửa cho một giải pháp ngoại giao.

Hôm 18.2, ông Biden tuyên bố: "Nga có sự lựa chọn giữa chiến tranh và tất cả những đau khổ mà nó sẽ mang lại hoặc ngoại giao sẽ tạo ra tương lai cho tất cả mọi người".

Trong khi đó, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky sẽ tới Đức vào hôm nay để gặp các nhà lãnh đạo phương Tây, mà nổi bật là cuộc hội đàm giữa ông và Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris.

Ông Biden đặt câu hỏi liệu việc rời bỏ đất nước của nhà lãnh đạo Ukraine có phải là "lựa chọn khôn ngoan" hay không khi lo ngại chiến tranh lên cao trào.

Mỹ nói rằng với khoảng 149.000 quân Nga ở biên giới Ukraine - có thể lên tới 190.000, gồm cả lực lượng ly khai do Nga hậu thuẫn - một cuộc tấn công là không thể tránh khỏi.

Người Nga chưa bao giờ đưa ra con số binh lính triển khai dọc biên giới với Ukraine cũng như bao nhiêu người đang tham gia cuộc tập trận đang diễn ra với nước láng giềng Belarus.

Lo ngại gia tăng, Bộ Quốc phòng Nga thông báo rằng ông Putin sẽ đích thân giám sát các cuộc tập trận đã được lên lịch trước đó liên quan đến các vụ phóng tên lửa vào hôm nay.

Biden bình luận: "Ông ta tập trung vào việc cố gắng thuyết phục thế giới rằng ông ta có khả năng thay đổi động lực ở châu Âu theo cách mà ông ta không thể".

Ngày càng có nhiều lo ngại rằng một tia lửa, mà Washington cảnh báo có thể là một vụ "dàn dựng" có chủ ý của Moscow, có thể gây ra cuộc đối đầu quân sự lớn nhất ở châu Âu kể từ Thế chiến thứ hai.

Người đứng đầu NATO Jens Stoltenberg, tham dự Hội nghị An ninh Munich, cảnh báo quy mô lực lượng Nga tập hợp vượt xa mức cần thiết cho các cuộc tập trận và rằng Nga có khả năng xâm lược mà không cần cảnh báo trước.

Pháp và Đức đã thúc giục Nga sử dụng ảnh hưởng của mình đối với lực lượng nổi dậy ở miền đông tranh chấp của Ukraine để "khuyến khích kiềm chế và góp phần giảm leo thang".

Nhưng trên thực địa ở miền đông Ukraine, các cuộc đụng độ gia tăng đột biến đã gây ra cảm giác sợ hãi ngày càng lớn.

Một phóng viên AFP đến gần mặt trận giữa lực lượng chính phủ Ukraine và lực lượng ly khai thân Nga ở vùng Luhansk, đã nghe thấy tiếng nổ và nhìn thấy các tòa nhà dân sự bị hư hại ở phía chiến tuyến của Kiev.

Các giám sát viên của Tổ chức An ninh và Hợp tác ở châu Âu cho biết hôm nay họ đã chứng kiến ​​sự gia tăng đáng kể về số lượng các cuộc tấn công dọc theo chiến tuyến, đặc biệt là ở các khu vực ly khai ở Donetsk và Luhansk.

Các quan chức nói rằng 25.000 người đã rời Luhansk và hơn 6.000 người đã rời Donetsk để đến Nga. Đã có báo cáo về dòng ô tô xếp hàng dài tại các trạm kiểm soát ở Donetsk.

Phản pháo lại, các nhà lãnh đạo phe ly khai đã cáo buộc Kiev đang lên kế hoạch tấn công để chiếm lại các vùng lãnh thổ phía đông. Việc sơ tán dân thường ở đó được cho là để đối phó với những lo lắng về một cuộc tấn công của chính phủ.

Các hãng thông tấn Nga dẫn lời các quan chức ở Luhansk cho biết đã có hai vụ nổ xảy ra trong vòng một giờ trên một đường ống dẫn khí đốt nhưng đám cháy đã được kiểm soát.

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken dự kiến vào 24.2 sẽ gặp người đồng cấp Nga để hội đàm tháo gỡ khủng hoảng. Còn lúc này, ông Blinken đã cáo buộc Điện Kremlin đang tổ chức một chiến dịch tuyên truyền để tạo cớ gây chiến.

Biden một lần nữa loại trừ việc cử quân đội Mỹ vào Ukraine, nhưng chính quyền của ông nhắc lại rằng sẽ giáng đòn vào Moscow bằng các biện pháp trừng phạt nặng nề và có thể biến Nga thành "vai xấu trong mắt cộng đồng quốc tế".

Anh Tú