Quảng Bình: Thúc đẩy mục tiêu xây dựng nông thôn mới
Sự kiện - Ngày đăng : 09:01, 20/02/2022
Ngày 19.2, UBND tỉnh Quảng Bình cho biết Ban Chỉ đạo các Chương trình mục tiêu Quốc gia tỉnh đã tổ chức cuộc họp triển khai nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới năm 2022.
Năm 2021, triển khai Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới trong điều kiện còn nhiều khó khăn nhưng số tiêu chí đạt được bình quân/xã là 17,2 tiêu chí, tăng 0,4 tiêu chí so với năm 2020. Các xã phấn đấu hoàn thành xã nông thôn mới đã đảm bảo đúng tiến độ. 02 đơn vị cấp huyện (thành phố Đồng Hới và thị xã Ba Đồn) có 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới. Đến nay, toàn tỉnh có 26 khu dân cư đạt chuẩn nông thôn mới, 43 vườn mẫu. Số xã dưới 10 tiêu chí chỉ còn 07%. Nhiều địa phương chủ động ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ, góp phần thúc đẩy nông thôn mới đi vào thực chất, nâng cao chất lượng và khẳng định vai trò chủ thể của người dân, cộng đồng; tiến độ xây dựng nông thôn mới tại các thôn, bản thuộc xã đặc biệt khó khăn được đẩy mạnh...
Năm 2022, toàn tỉnh phấn đấu có thêm 06 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 19 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 03 xã nông thôn mới kiểu mẫu, 35 khu dân cư kiểu mẫu, 137 vườn mẫu, tăng bình quân 0,5 tiêu chí/xã và 100% số xã đều tăng tiêu chí, tiếp tục giữ vững, nâng cao chất lượng các tiêu chí; quan tâm chỉ đạo các xã đã đạt chuẩn nông thôn mới nhưng chưa đáp ứng yêu cầu Bộ tiêu chí mới, tỷ lệ hộ nghèo bình quân giảm 1,5 - 1,8%/năm so với chuẩn nghèo giai đoạn 2022 - 2025.
Tại cuộc họp, các đại biểu đã nêu rõ một số tồn tại, hạn chế và phân tích nguyên nhân dẫn đến giảm hoặc không đạt các tiêu chí; tiến độ thực hiện còn chậm, nhiều tiêu chí chưa đạt theo yêu cầu Bộ tiêu chí; thu nhập bình quân đầu người vẫn đang thấp so với các tỉnh trong khu vực; Chương trình OCOP chưa phát huy tính sáng tạo của cộng đồng...
Ông Trần Thắng - Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban Chỉ đạo các Chương trình mục tiêu Quốc gia tỉnh Quảng Bình cho hay, ông đánh giá cao sự nỗ lực của các cấp, các ngành trong thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới năm 2021.
“Năm 2022 là năm bản lề của giai đoạn 2021-2025 thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới nên các thành viên Ban Chỉ đạo cần bám sát chủ trương, đường lối của Trung ương để kịp thời tham mưu Ban Chỉ đạo, UBND tỉnh cụ thể hóa vào điều kiện cụ thể của địa phương; xây dựng nông thôn mới trên cơ sở phát huy lợi thế, tiềm năng, phù hợp với từng vùng miền, gắn kết chặt chẽ với quá trình đô thị hóa, đảm bảo thực chất, đi vào chiều sâu, hiệu quả và bền vững; tập trung xây dựng nông thôn mới những xã chưa đạt chuẩn; xây dựng nông thôn mới cấp thôn, bản ở những nơi đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; từng bước xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu, tạo lập môi trường, cảnh quan nông thôn xanh, sạch, đẹp, an toàn, giàu bản sắc văn hóa truyền thống, đưa nông thôn trở thành “nơi đáng sống” trên tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ là phải tự lực, tự cường, vươn lên từ bàn tay, khối óc, khung trời, cửa biển, trên mảnh đất của mình”, ông Thắng nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình yêu cầu các cấp, các ngành và địa phương tập trung tuyên truyền, giáo dục đổi mới tư duy, thống nhất nhận thức và hành động, nâng cao nhận thức về chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước về vai trò của nông nghiệp, nông dân và nông thôn trong giai đoạn phát triển mới; rà soát, đánh giá lại thực trạng các tiêu chí, xây dựng kế hoạch cụ thể để duy trì, củng cố, khôi phục, hoàn thiện các tiêu chí theo từng nhóm; tập trung chỉ đạo phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn để tăng thu nhập cho cư dân nông thôn, đặc biệt là người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số; chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp, sản xuất sản phẩm có giá trị cao, đa dạng chuỗi giá trị phù hợp với yêu cầu thị trường; huy động nguồn lực và quản lý sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn.
Đặc biệt, ông Thắng yêu cầu tăng cường hơn nữa sự lãnh đạo, chỉ đạo và quyết tâm chính trị của các cấp ủy, chính quyền địa phương và thủ trưởng các cơ quan, đơn vị trong việc tổ chức thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia nông thôn mới để đạt mục tiêu theo kế hoạch đề ra.