Mỹ đưa Wechat, Aliexpress vào danh sách thị trường bán hàng giả hàng nhái khét tiếng

Quốc tế - Ngày đăng : 10:53, 20/02/2022

Trong Đánh giá về Các thị trường khét tiếng về hàng giả và hàng nhái năm 2021 mà Văn phòng Đại diện thương mại Mỹ (USTR) vừa công bố có 6 nền tảng trực tuyến và 9 địa điểm buôn bán truyền thống của Trung Quốc.

2 nền tảng trực tuyến Wechat, Aliexpress lần đầu tiên bị đưa vào danh sách, bên cạnh nền tảng bị điểm tên nhiều lần như Baidu Wangpan, DHGate, Pinduoduo và Taobao. Bản đánh giá xác định nạn hàng giả trên toàn cầu khiến Mỹ thiệt hại khoảng 29,2 tỉ USD mỗi năm, Trung Quốc là quốc gia sản xuất hàng giả lớn nhất thế giới.

“Buôn bán hàng giả và hàng nhái toàn cầu làm suy yếu sự đổi mới - sáng tạo quan trọng của Mỹ và gây hại cho người lao động Mỹ. Hoạt động buôn bán bất hợp pháp này cũng làm tăng rủi ro ở những lao động tham gia sản xuất hàng giả”, theo Đại diện Thương mại Mỹ Katherine Tai.

USTR cho biết những đơn vị tham gia buôn bán hàng giả hàng nhái biết đây là hoạt động bất hợp pháp nên luôn tìm cách che đậy. Bản đánh giá lấy ví dụ là khẩu trang cùng một số trang bị chống dịch COVID-19 do Trung Quốc sản xuất trong điều kiện kém vệ sinh, thậm chí là ở các xí nghiệp bóc lột lao động trước đây sản xuất hàng giả.

Dựa trên nghiên cứu do Tổ chức Hải quan Thế giới và Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế thực hiện, bản đánh giá cho biết thế giới ngầm của hàng giả có liên hệ chặt chẽ với nạn bóc lột trẻ em cùng tình trạng ép buộc lao động.

usadds.jpg
Hàng giả bị hải quan Mỹ thu giữ - Ảnh: Getty Images

Theo USTR, hàng may mặc, đồ điện tử, giày dép, phụ kiện thời trang đứng đầu danh sách hàng giả bị hải quan Mỹ thu giữ khi nhập khẩu. Trung Quốc là quốc gia sản xuất hàng giả lớn nhất đồng thời cũng là quốc gia có số lượng sản phẩm được làm bởi lao động bị ép buộc nhiều nhất. Hàng hóa trực tiếp từ Trung Quốc hay vận chuyển thông qua đơn vị Hồng Kông chiếm 79% tổng số hàng giả bị thu giữ tại biên giới Mỹ.

Bản đánh giá xác định Wechat - có 1,2 tỉ người dùng toàn cầu năm 2021 - dần trở thành kênh mua hàng nhái thuận tiện thông qua liên kết liền mạch giữa mạng xã hội với các trang thương mại điện tử bán hàng giả. Hình phạt thường chỉ là đình chỉ ngắn hạn.

Còn Aliexpress cùng Taobao có công cụ chống hàng giả hàng đầu nhưng lại tiếp thị cho nhiều hàng giả hơn. Baidu Wangpan thì chia sẻ rộng rãi phim vi phạm bản quyền, DHGate bán sỉ hàng giả cho công ty bên ngoài Trung Quốc. Nhiều công nghệ giúp che giấu hành vi phạm pháp được sử dụng thành thạo hơn.

Ngoài nền tảng trực tuyến, USTR cũng điểm tên vài địa điểm bán hàng giả trực tiếp như chợ quần áo và quà tặng Tân Dương Châu Á - Thái Bình Dương ở Thượng Hải, chợ điện tử Hoa Cường Bắc ở Phúc Kiến,một số chợ bán buôn hàng may mặc gần đường Trạm Tây ở Quảng Châu, chợ đường Tú Thủy (bán tơ lụa) tại Bắc Kinh,…

Dù đặc biệt nhắm vào Trung Quốc, bản đánh giá của USTR cũng nhắc đến vi phạm ở nhiều quốc gia khác như Canada, Campuchia, Ấn Độ, Indonesia, Brazil, Bulgaria.

Đánh giá về Các thị trường khét tiếng về hàng giả và hàng nhái là phần phụ của Báo cáo điều tra đặc biệt 301 về tình hình thực thi và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ trên khắp thế giới, nhằm mục đích điểm mặt những tổ chức xấu.

Cẩm Bình