Hà Nội: Nhiều phụ huynh không cho con đi học vì sợ lây bệnh và 'hậu COVID'

Giáo dục - Ngày đăng : 12:25, 21/02/2022

Theo báo cáo của Bộ GD-ĐT, 7 địa phương trên cả nước tạm dừng việc cho học sinh đến trường, chuyển từ dạy học trực tiếp sang trực tuyến.

UBND TP. Hà Nội quyết định hoãn cho học sinh từ lớp 1 đến lớp 6 nội thành trở lại trường từ ngày 21.2. Tuy nhiên, các chuyên gia y tế lại cho rằng hiện nay tâm lý bất an của phụ huynh là điều dễ hiểu khi các ca lây nhiễm cộng đồng tăng cao. Tuy nhiên, sợ lây bệnh đã là một lý do, điều quan trọng nhất là nhiều phụ huynh cho rằng nếu lây bệnh thì các con dễ bị "hậu COVID" rất nặng nề.

Trao đổi với phóng viên, chị Quách Hiệu cho biết nhà chị có 2 cháu, một cháu học cấp 2 và một cháu đang học tiểu học tại các trường trên địa bàn quận Cầu Giấy. "Tôi quyết định không cho cả 2 con đi học dù cháu đầu đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin nhưng do cháu có bệnh nền nên rất dễ lây bệnh. Còn cháu thứ 2 lại chưa tiêm, mà nếu lây bệnh thì dù có chữa khỏi thì cũng bị "hậu COVID, rất khó điều trị và gây ảnh hưởng tới sức khỏe của cháu sau này" - chị Hiệu chia sẻ.

hoc-online-6.jpg
Nhiều phụ huynh cho con ngừng đến trường vì sợ lây bệnh và sợ cả 'hậu COVID'

Các chuyên gia y tế cho biết, tuy số ca nhiễm cao nhưng tỷ lệ tử vong thì lại rất thấp. Mặt khác trẻ em có hệ miễn dịch tốt, tỷ lệ nhiễm bệnh ở trẻ thấp hơn người lớn rất nhiều, khi nhiễm triệu chứng thường nhẹ, nhanh khỏi và không để lại các biến chứng hậu COVID-19 như người lớn. 

Liên quan việc trẻ trở lại trường, PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) từng nhận định, việc này là vô cùng cần thiết vì nếu cho trẻ nghỉ quá lâu, các em không những khiếm khuyết về kiến thức mà còn bị khiếm khuyết về cả thể chất lẫn tinh thần. Trẻ có thể bị trầm cảm, mắc các bệnh không lây nhiễm hay nghiện game. “Học sinh trở lại trường ở thời điểm này là hợp lý. Phụ huynh và học sinh không nên lo lắng. Trong bối cảnh nới lỏng các hoạt động, việc lây nhiễm trong cộng đồng là không thể tránh khỏi, việc đi lại nhiều, tiếp xúc nhiều sẽ dẫn đến nguy cơ lây nhiễm cao, có thể lây theo yếu tố gia đình, lây theo khu vực. Do đó, trẻ em đi học có thể bị nhiễm bệnh hoặc ở nhà cũng có thể bị nhiễm bệnh" - ông Phu cho hay.

Bác sĩ Đào Trường Giang - Bệnh viện đa khoa Xanh Pôn cho rằng, việc người lớn lo sợ khi trẻ em bị nhiễm COVID-19 dễ bị hậu COVID-19 là điều không thực tế. Bởi người bệnh sau khi xét nghiệm âm tính mà vẫn còn các triệu chứng của bệnh thì đó không phải là hậu COVID mà chỉ là cơ thể vẫn còn những tổn thương do vi rút gây ra. Để được chẩn đoán là hậu COVID thì cần rất nhiều kỹ thuật chẩn đoán phức tạp chứ không phải thông qua đồn đoán.

Theo CDC Hoa Kỳ và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) thì hậu COVID-19 là tình trạng bao gồm một loạt các triệu chứng (cả về thể chất và tinh thần) xảy ra trong hoặc sau khi nhiễm COVID-19 (thường trong vòng 3 tháng), tồn tại kéo dài ít nhất 2 tháng và không giải thích được bằng các chẩn đoán thay thế.

Hiện cũng có nhiều thuật ngữ khác nhau chỉ tình trạng này như "COVID-19 kéo dài", "Di chứng sau giai đoạn COVID-19 cấp tính", "COVID-19 mạn tính"… Nhưng thuật ngữ "hậu COVID-19" là phổ biến nhất.

"Hậu COVID-19 có thể xảy ra ở bất kỳ trẻ nào, kể cả những trẻ trước đó mắc COVID-19 mà không có triệu chứng. Thời gian theo dõi trước khi chẩn đoán mắc tình trạng hậu COVID-19 thường là 3 tháng sau khi trẻ mắc các triệu chứng đầu tiên. Hiện tại, tình trạng hậu COVID-19 vẫn còn là vấn đề mới và cần nghiên cứu thêm. Do đó có thể còn nhiều thay đổi về các triệu chứng, cách theo dõi, phương pháp điều trị tình trạng này trong thời gian tới" - bác sĩ Giang khẳng định.

Còn theo PGS, TS, BS Hoàng Thị Phượng Giảng viên cao cấp, Phó chủ nhiệm bộ môn Nội, Trường Đại học Y dược, Đại học Quốc gia Hà Nội, nguyên nhân gây ra tình trạng hậu COVID là do vi rút SARS-CoV-2 gây phản ứng viêm - cytokines - xơ hóa - rối loạn đông máu. Do tổn thương di chứng sau thời gian dài điều trị hồi sức trong bệnh viện, tổn thương di chứng của bệnh nền kèm theo. Đặc biệt tổn thương đa cơ quan, xơ hóa phổi, tắc mạch phổi là 2 tình trạng di chứng phổi rõ ràng và nặng nhất ở hội chứng hậu COVID-19.

“Những F0 phải nhập viện điều trị, đặc biệt là điều trị Hồi sức tích cực (ICU) hay gặp hội chứng hậu COVID-19, còn bệnh nhân nhẹ, không triệu chứng hầu như ít gặp. Những bệnh nhân có nguy cơ cao bị xơ phổi hậu COVID là người tuổi cao, nam giới, thời gian nằm viện dài và có bệnh phổi kẽ từ trước, mức độ nặng phải thở oxy, thở máy. Còn trẻ em phần lớn khi bị F0 chỉ sốt vài ngày là hết, tỉ lệ trẻ chuyển nặng rất thấp".

Có khoảng 200 triệu chứng liên quan đến hội chứng hậu COVID-19, đặc biệt ở những bệnh nhân đã trải qua điều trị hồi sức tích cực. Người nhiễm COVID-19 nhiều tuần đến nhiều tháng, sau khi khỏi bệnh vẫn còn đối mặt với hàng loạt triệu chứng và di chứng kéo dài như sốt nhẹ, khó thở, ho kéo dài, mệt mỏi, đau cơ, khớp, rụng tóc, xơ phổi, tim đập nhanh hoặc đánh trống ngực, rối loạn nội tiết, huyết học bị huyết khối… Có trường hợp xuất hiện rối loạn tiêu hóa (ăn không ngon miệng, chán ăn, đau dạ dày, tiêu chảy…), rối loạn vị giác hoặc khứu giác, phát ban… Còn đối với trẻ em, tỷ lệ chuyển biến nặng rất ít nên việc các phụ huynh lo sợ các trẻ em lây nhiễm bệnh rồi bị hậu COVID là điều không cần thiết.

Theo PGS, TS, BS Hoàng Thị Phượng, tuy nhiều người gặp phải hội chứng hậu COVID-19, nhưng không có nghĩa là tất cả những người mắc COVID-19 đều đi khám hậu COVID-19, như vậy sẽ rất lãng phí. “Những người phải có triệu chứng của hậu COVID-19 thì mới đi khám. Nhóm F0 nằm viện, có viêm phổi, điều trị ICU thì sau khi ra viện, bác sĩ sẽ hẹn tái khám định kỳ 4 tuần, 8 tuần. Còn nhóm F0 nhẹ, không phải nhập viện thì chỉ đi tái khám khi có triệu chứng hậu COVID-19”, PGS, TS, BS Hoàng Thị Phượng khuyến cáo.

Dạ Thảo - Ảnh: Thành Chung