Việc Nga công nhận Luhansk và Donetsk độc lập có ý nghĩa như thế nào?
Quốc tế - Ngày đăng : 09:43, 22/02/2022
Luhansk và Donetsk đã li khai khỏi Ukraine từ năm 2014, tự xưng là các nước cộng hòa nhân dân. Từ đó đến nay, giao tranh giữa lực lượng li khai với quân đội Ukraine khiến khoảng 15.000 người thiệt mạng. Nga phủ nhận tham gia xung đột nhưng lại hậu thuẫn cho lực lượng li khai bằng nhiều cách như bí mật hỗ trợ quân sự, viện trợ tài chính, cung cấp vắc xin COVID-19 và cấp ít nhất 800.000 hộ chiếu Nga cho người dân tại địa phương. Moscow luôn phủ nhận có kế hoạch tấn công Ukraine.
Ý nghĩa của việc công nhận
Đây là lần đầu tiên Nga tuyên bố không xem Luhansk và Donetsk là một phần lãnh thổ Ukraine – có thể mở đường cho Moscow đưa quân vào khu vực li khai lấy lý do bảo vệ đồng minh chống lại Ukraine.
Nghị sĩ Nga Alexander Borodai tháng trước cho biết lực lượng li khai có thể tìm đến Nga giúp họ giành quyền kiểm soát một số khu vực ở Luhansk và Donetsk vẫn còn bị quân đội Ukraine chiếm giữ. Điều này nếu xảy ra sẽ dẫn đến xung đột quân sự giữa Nga với Ukraine.
Việc công nhận cũng đã giết chết tiến trình hòa bình Minsk. Hai thỏa thuận Minsk ký kết các năm 2014 và 2015 - có điều khoản yêu cầu trao quyền tự trị lớn cho Luhansk và Donetsk trước khi được trao trả về cho Ukraine - vốn được xem là cơ chế tốt nhất cho các bên đạt giải pháp chấm dứt khủng hoảng.
Trước đây Nga từng công nhận độc lập hai khu vực li khai Abkhazia và Nam Ossetia của Gruzia sau một cuộc chiến ngắn giữa hai nước. Sau đó Abkhazia và Nam Ossetia được hỗ trợ tài chính, người dân được cấp hộ chiếu Nga, hàng nghìn quân Nga đến đây đồn trú.
Phương Tây sẽ phản ứng ra sao?
Hàng tháng qua, phương Tây không ngừng cảnh báo sẽ áp đặt trừng phạt nghiêm khắc nếu Nga có bất cứ hành động đưa quân vượt qua biên giới Ukraine nào, gồm cả trừng phạt tài chính mạnh mẽ lẫn hạn chế xuất khẩu.
Ngay khi Tổng thống Putin tuyên bố công nhận Luhansk và Donetsk độc lập, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã lên án kịch liệt. Nhà lãnh đạo này đã làm việc với Thủ tướng Đức Olaf Scholz và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nhằm phối hợp phản ứng. Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cũng khẳng định phải có phản ứng nhanh chóng và chắc chắn.
Lợi và hại của việc công nhận
Trong trường hợp Gruzia, Nga sử dụng việc công nhận khu vực ly khai để hợp thức hóa hiện diện quân sự tại một quốc gia láng giềng từng thuộc Liên Xô cũ, qua đó ngăn cản nỗ lực gia nhập NATO của Gruzia. Dường như Nga đang dùng cách tiếp cận tương tự với Ukraine.
Chiều ngược lại, công nhận khu vực li khai khiến Nga đối mặt với trừng phạt cùng sự lên án từ nhiều quốc gia vì đã từ bỏ tiến trình hòa bình Minsk sau thời gian dài cam kết thực hiện. Ngoài ra hiện tại Moscow còn phải chịu trách nhiệm hỗ trợ kinh tế cho Luhansk và Donetsk bị tàn phá nặng nề qua 8 năm xung đột.