Châu Âu phụ thuộc vào nguồn khí đốt Nga đến mức nào?
Hồ sơ - Ngày đăng : 15:15, 23/02/2022
Phương Tây đáp trả bằng loạt trừng phạt nhắm vào một số ngân hàng, nghị sĩ Nga, doanh nhân có quan hệ mật thiết với Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng như những người ủng hộ công nhận Luhansk và Donetsk độc lập. Riêng Đức bắt đầu thực hiện lộ trình tạm ngưng cấp phép cho đường ống dẫn khí đốt Nord Stream 2.
Nord Stream 2 từ Nga sang Đức hoàn thành vào tháng 9.2021 nhưng vẫn còn chờ phía Đức phê duyệt mới có thể đi vào hoạt động. Đường ống chạy dưới biển Baltic đi qua Phần Lan, Thụy Điển và Ba Lan trước khi vào Đức, bỏ qua các tuyến vận chuyển khác đi qua Ukraine. Chặng đầu tiên của đường ống lúc đi vào hoạt động vào năm 2011 đã khiến Ukraine thiệt hại đáng kể vì mất đi khoản phí vận chuyển khổng lổ (ước tính 720 triệu USD/năm).
Tổng thống Mỹ Joe Biden từng tuyên bố “sẽ không còn Nord Stream 2” nếu Nga tấn công Ukraine. Washington cũng rất cố gắng thúc đẩy châu Âu giảm nhập khí đốt từ Nga.
Ra tay với Nord Stream 2 là sự trừng phạt khiến cả hai bên đều thiệt hại. Châu Âu phụ thuộc nhiều năng lượng Nga, chủ yếu là khí đốt để phục vụ hoạt động công nghiệp và sưởi ấm, còn nguồn thu khí đốt rất quan trọng với Nga. Giới chuyên gia đánh giá tác động của các biện pháp trừng phạt kinh tế sẽ suy giảm khi Nga vẫn còn nguồn thu khí đốt.
Châu Âu phụ thuộc đến mức nào?
Nga là nhà cung cấp khí đốt lớn nhất của châu Âu, đáp ứng gần 40% nhu cầu của lục địa già. Đứng sau Nga lần lượt là Na Uy với khoảng 22%, Algeria gần 20%, Azerbaijan 10%.
Tình trạng phụ thuộc được chú ý hơn kể từ cuối năm 2021, khi Nga cắt giảm nguồn cung khí đốt cho châu Âu trong bối cảnh khủng hoảng Ukraine ngày càng trầm trọng. Moscow không làm điều này công khai, họ vẫn cung cấp đúng hợp đồng đã ký nhưng ngừng bán khí đốt giao ngay. Cơ quan Năng lượng quốc tế (IAEA) cáo buộc Nga phá hoại an ninh năng lượng châu Âu.
Không thể mua bổ sung khí đốt, dự trữ khí đốt ở mức thấp, giá than cao hơn đẩy giá điện tăng lên gần 5 lần: từ 19 euro mỗi megawatt/giờ lên 95 euro. Hóa đơn điện và khí đốt tăng cao khiến chính phủ các nước châu Âu phải giảm thuế hoặc trợ cấp.
Theo cơ quan thống kê Liên minh châu Âu (Eurostat), khoảng 1/5 nhu cầu năng lượng của khối được đáp ứng bằng khí đốt, biến khí đốt thành nguồn năng lượng quan trọng thứ 2 tại lục địa già. Khí đốt chiếm 20% sản lượng điện châu Âu, mục tiêu giảm khí thải carbon có thể khiến nhu cầu khí đốt tăng cao hơn nữa.
65% nhu cầu khí đốt của Đức - nền kinh tế lớn nhất châu Âu - phụ thuộc vào Nga. Nguồn cung từ Nga cũng đáp ứng 43% nhu cầu của Ý và hơn 16% nhu cầu của Pháp. Những nước nhỏ như Czech, Hungary, Slovakia gần như phụ thuộc hoàn toàn.
Gazprom - nhà sản xuất khí đốt lớn nhất nước Nga - chịu trách nhiệm cung cấp khí đốt cho châu Âu theo các hợp đồng ký kết dài hạn, đồng thời cũng có bán giao ngay trên Nền tảng bán hàng điện tử (ESP). Lúc tình hình Ukraine biến động, ESP đã không còn thông tin giao dịch giao ngay mà chỉ có lượng khí đốt theo hợp đồng.
Thậm chí Gazprom dường như còn không giao đủ lượng hàng theo hợp đồng trong năm 2021. Số liệu chính thức cho thấy tập đoàn này xuất 185,1 tỉ mét khối/năm, bao gồm cả 10 tỉ mét khối xuất sang Trung Quốc, mặc dù kế hoạch xuất cho châu Âu là 183 tỉ mét khối. Nguồn cung cho châu Âu giảm mặc dù Gazprom tuyên bố tăng cung cấp khí đốt bằng đường ống cho Đức thêm 10,5% và cho Ý thêm 20,3%.
Tình trạng phụ thuộc sẽ tăng nếu toàn bộ Nord Stream 2 đi vào hoạt động. Gazprom từng cho biết đường ống có thể dẫn 110 tỉ mét khối/năm.
Cuối tháng 1 vừa rồi, tờ The New York Times cho biết Mỹ đang làm việc với các nhà cung cấp dầu mỏ và khí đốt từ Trung Đông, Bắc Phi, châu Á để duy trì nguồn cung cho châu Âu. Mỹ là nhà cung cấp khí đốt hóa lỏng (LNG) lớn nhất của EU, vài tháng qua gửi đến 400 triệu mét khối/ngày.
Nhưng tờ The Guardian cảnh báo toàn bộ thị trường toàn cầu LNG không đủ để bù đắp thiếu hụt nguồn cung từ Nga của châu Âu. Hãng tin Reuters cũng nhận định rất khó bù đắp nguồn cung bị mất vì các nhà sản xuất LNG lớn nhất trên thế giới đều đã đạt mức sản lượng trần, và vận chuyển khí đốt hóa lỏng đòi hỏi điều chỉnh cả lộ trình tàu hàng. Hơn nữa hạ tầng cần thiết để vận chuyển, chuyển đổi LNG trở về dạng khí sử dụng rất tốn kém và cần nhiều thời gian xây dựng.
Tác động đến Nga
Trong khi phụ thuộc Nga về năng lượng, châu Âu cũng là bên mua lớn nhất của Nga (tiêu thụ 3/4 lượng khí đốt Nga sản xuất). Lục địa già còn mua dầu mỏ Nga. Xuất khẩu dầu mỏ và khí đốt chiếm một phần lớn trong ngân sách liên bang Nga.
Vài năm gần đây Nga cố gắng tăng dự trữ ngoại hối để khi xảy ra trường hợp doanh thu từ khí đốt bị ảnh hưởng trong thời gian ngắn, họ vẫn có thể ứng phó. Tuy nhiên, cắt đứt giao dịch dài hạn với châu Âu sẽ gây thiệt hại nặng, vì phía châu Âu sẽ tìm kiếm nguồn cung khác.