Quan hệ giữa Nga với hai khu vực ly khai ở Ukraine như thế nào?

Quốc tế - Ngày đăng : 12:08, 24/02/2022

Căng thẳng leo thang sau khi Nga công nhận hai khu vực ly khai Luhansk và Donetsk độc lập. Phương Tây cáo buộc Moscow đang tạo cớ hòng can thiệp vào giao tranh, nhằm bảo vệ những vùng lãnh thổ ly khai.

Luhansk và Donetsk do lực lượng ly khai kiểm soát, tự xưng lập nên hai nhà nước cộng hòa nhân dân được xem như “quốc gia ủy nhiệm” của Nga ngay trên lãnh thổ Ukraine, trong khi phía Kiev gọi đây là “lãnh thổ bị chiếm đóng tạm thời”.

Kể từ năm 2014 đến nay, lực lượng ly khai luôn giao tranh với quân đội Ukraine. Họ nhận được hỗ trợ về quân sự lẫn tài chính từ Moscow.

Hai khu vực ly khai rộng gần 17.000 km2, trước lúc xung đột nổ ra, nền công nghiệp nặng và khai thác than phát triển tại đây. Giao tranh đã phá hủy sân bay ở thành phố Donetsk, chia cắt hai khu vực với phần còn lại của Ukraine về kinh tế, nhưng biên giới với Nga tại đây vẫn mở.

Theo một số tài liệu, số dân ở Luhansk và Donetsk vào khoảng 3 triệu người với 38% là hưu trí – chỉ bằng một nửa so với trước lúc xung đột nổ ra. Người dân tại đây phần lớn là người phản đối việc phế truất Tổng thống Ukraine thân Nga Viktor Yanukovych năm 2014, hoặc là người nghèo không thể rời đi.

60874086_303.jpg
Kinh tế tại hai khu vực ly khai bị thiệt hại nặng nề vì xung đột - Ảnh: DW

Không rõ có bao nhiêu quân tại hai khu vực ly khai. Ukraine từng xác định có 35.000 lính, 481 xe tăng chiến đấu, 914 xe chiến đấu bọc thép, 720 hệ thống pháo, 202 hệ thống tên lửa phóng loạt, nhưng công ty quốc phòng Rochan Consulting xác định những con số này là phóng đại.

Quan hệ giữa Nga với hai khu vực ly khai

Trước đây Nga vẫn xem Luhansk và Donetsk là một phần lãnh thổ Ukraine, không công nhận hai khu vực độc lập. Nhưng đằng sau, Moscow không ngừng tăng cường kiểm soát hai khu vực này bằng cách đưa nhân sự sang, hỗ trợ quân sự và tài chính mạnh mẽ.

Nga từng để ngỏ khả năng công nhận Luhansk và Donetsk độc lập (và đã thực hiện vào đầu tuần qua). Tuy nhiên Moscow có thể không muốn sáp nhập hai khu vực vì một vài lý do.

Thứ nhất, Luhansk và Donetsk là đòn bẩy quan trọng của Nga tại Ukraine. Nếu hai khu vực được trở về Ukraine với quyền phủ quyết các chính sách đối ngoại lớn chẳng hạn như gia nhập NATO thì Moscow sẽ hưởng lợi.

Thứ hai, không như Crimea được xem như vùng lãnh thổ có ý nghĩa về lịch sử - văn hóa và quan trọng với hạm đội Biển Đen của Nga, nhiều người Nga không cảm thấy có mối liên kết mạnh mẽ với Luhansk và Donetsk.

Cẩm Bình