Ocean Vuong: 'Tôi viết để hiểu thân phận con người'
Văn hóa - Ngày đăng : 13:01, 24/02/2022
Ocean Vuong (tên khai sinh - năm 1988 - là Vương Quốc Vinh), là nhà thơ, nhà viết luận văn và tiểu thuyết người Mỹ gốc Việt. Anh là tên tuổi nổi bật trong văn chương tiếng Anh thời gian gần đây với hai giải thưởng lớn: Giải T.S Eliot (giải dành cho một tác phẩm đầu tay viết bằng tiếng Anh của bất kỳ quốc gia nào) năm 2017 cho tập thơ Night Sky with Exit Wounds và Giải của Chương trình MacArthur Fellows (giải mang tính đầu tư cho một số công dân hoặc thường trú nhân Hoa Kỳ vì sự cống hiến độc đáo trên con đường sáng tạo, thường được gọi là “Giải Thiên tài”) năm 2019 cho cuốn tiểu thuyết đầu tay On Earth We’re Briefly Gorgeous.
Hai tác phẩm này đã được dịch ra tiếng Việt và xuất bản ở Nhà xuất bản Hội Nhà văn Việt Nam, mang tên Trời đêm những vết thương xuyên thấu (Hoàng Hưng dịch, Phanbook liên kết xuất bản năm 2018) và Một thoáng ta rực rỡ ở nhân gian (Khánh Nguyên dịch, Nhã Nam liên kết xuất bản năm 2021).
Sau đây là bài phỏng vấn mà tác giả Ocean Vuong dành riêng cho Người Đô Thị, do Hoàng Hưng, cộng tác viên của Người Đô Thị, cũng là dịch giả của tập thơ Night Sky with Exit Wounds (Trời đêm những vết thương xuyên thấu) thực hiện.
Độc giả sẽ đọc được những câu trả lời súc tích, thẳng thắn của một tác giả Mỹ tầm quốc tế cho những câu hỏi chứa đựng sự quan tâm của người đọc và cũng là của giới văn chương Việt Nam trong nước.
- Bạn đọc Việt Nam được biết đến anh chủ yếu qua tin tức trên báo chí về những thành công khác thường của một tác giả gốc Việt trên trường văn học quốc tế tiếng Anh. Những người yêu thơ thì biết anh qua bản dịch tiếng Việt tập Night Sky with Exit Wounds do NXB Hội Nhà Văn và Công ty Phanbook xuất bản năm 2018. Anh có thể cho biết cảm nghĩ của mình khi nhận được cuốn sách mang tên tiếng Việt: Trời đêm những vết thương xuyên thấu?
Trước hết, tôi xin cảm ơn ông vì đã làm việc chu đáo cho bản dịch này. Tôi cảm thấy thực sự biết ơn và tự hào vì lần đầu tiên chữ nghĩa của mình được dịch sang tiếng mẹ đẻ - và được dịch về một thể loại - thơ - mà tôi cảm thấy ruột rà nhất, đó là thêm một thắng lợi. Cầm trong tay tập thơ tiếng Việt, tôi đã cảm thấy tràn trề xúc động. Nó được gửi cho tôi ngay trước khi má tôi đau bệnh và sau đó qua đời, và bà đã có thể mở từng trang và lướt tay qua các dòng chữ, chầm chậm đọc thành tiếng, một thói quen mà bà giữ từ lớp tiểu học trong một trại mồ côi Công giáo ở ngoại thành Sài Gòn, nơi bà đã sống vài năm thời con gái. Tôi quan sát thấy má mình đọc cuốn sách của mình theo cái cách một cô học trò đọc sách giáo khoa và tôi đã phải quay người đi.
Quá nhiều thứ tình cảm - tự hào, khuây khỏa, và đau đớn mênh mang và hổ thẹn dâng lên trong ngực tôi cùng một lúc.
- Đọc thơ, nhất là thơ từ một ngôn ngữ rất khác biệt với tiếng Việt, với lối diễn đạt khá phức tạp của thơ “hậu hiện đại”, thật không dễ dàng để người đọc Việt Nam nắm bắt được những gì ẩn sâu trong đó. Đây là những cảm nghĩ của người chuyển ngữ tiếng Việt về những bài thơ trong Night Sky with Exit Wounds: “Vuong có nói mình trèo từ vực sâu của đời sống lên thế giới của Thơ. Vực sâu ấy là cõi phức cảm của một số phận kỳ lạ. Số phận một đứa con của chiến tranh. Cuộc chiến mà đứa bé không hề biết nhưng mãi hiện thân trong con người của người mẹ “con lai” và những câu chuyện hằng ngày không thể dứt từ những người đàn bà trong gia đình. Số phận của đứa con mất cha từ tấm bé mà không sao biết lý do. Số phận của một di dân mang nặng quá khứ một đất nước lịch sử mang nhiều vết thương, một văn hóa xa lạ. Số phận của một người trẻ mang giới tính khác thường”. Tác giả có nhận xét gì về những cảm nghĩ ấy, và nhân đó xin anh vui lòng trực tiếp nói với bạn đọc Việt Nam những điều anh gửi gắm trong tập thơ.
Một điều tôi muốn nói và muốn nói cho rõ, nhân danh những người LGBTQ (1) ở khắp mọi nơi, trong đó có Việt Nam, rằng giới tính của chúng tôi không “khác thường”. Còn về mối liên quan của tôi với thơ, điều quan trọng phải nhớ là thơ, đặc biệt các anh hùng ca Illiad, Gilgamesh, Odyssey, Thần khúc(2), kể cả Truyện Kiều, và tất nhiên Dickinson(3) người viết những bài thơ hay nhất của mình trong thời gian cuộc nội chiến Hoa Kỳ, tất cả đều tập trung vào các đề tài chiến tranh và sự thiên di địa chính trị. Đó là môn nghệ thuật ngôn ngữ lâu đời nhất của chúng ta vốn hiển nhiên được thúc đẩy bởi khiếm khuyết lâu đời nhất của giống người chúng ta: sự hiếu chiến.
Vì vậy với những ai ngạc nhiên vì tôi đã chọn làm nhà thơ bất kể lịch sử gieo neo của gia đình mình, tôi sẽ cãi rằng, chừng nào còn những người lính trên thế giới này, thì còn các nhà thơ thiện lành, và cái nghề mà tôi đã chọn, mà tôi cảm thấy thực sự may mắn được dự vào, có lẽ là điều “bình thường” nhất có thể xảy ra.
Hơn nữa, tôi không thấy người đọc Việt Nam có gì khác về mặt trí óc so với người đọc khác trên khắp thế giới. Và tôi không bao giờ cho rằng thơ của tôi có gì khó đọc hơn cho một nhóm người đọc so với nhóm khác. Nhiệm vụ quan trọng nhất của nhà thơ, trước tiên là tôn trọng người đọc, chủ yếu vì họ quá đông không thể quy giản thành bất kỳ một loại nào.
Tôi nghĩ rằng cuộc sống thì phức tạp, do đó một thi pháp nên tiến hóa theo những sự phức tạp ấy, và tôi tin người đọc sẽ tìm ra con đường của mình, ngay cả nếu như việc ấy có nghĩa là họ bị mất phương hướng. Mất phương hướng cũng có nghĩa, một cái nghĩa tương tự như sống. Bài thơ, không giống bài luận văn, nó giống thời tiết hơn, ta không phải “hiểu” nó - đúng như ta không cần phải hiểu mưa mới cảm thấy mưa.
Tôi không viết để được đón nhận bởi bất kỳ quốc gia nào. Tôi viết để hiểu thân phận con người, để đi đến gần hơn những bí mật sâu xa trói buộc chúng ta một cách bản thể như một giống loài, bao gồm cả những khiếm khuyết của chúng ta.
Ocean Vuong
Trong nhiều bài thơ ở tập thơ nói trên, đặc biệt trong toàn bộ cuốn tiểu thuyết đầu tay rất thành công On Earth We’re Briefly Gorgeous, nổi bật lên chủ đề: ảnh hưởng sâu nặng của người mẹ nông dân Việt Nam truyền thống và mù chữ, trong sự hình thành nhân cách của người con lớn lên và thành công ở Mỹ như một người Mỹ ưu tú. Đó có phải là nội dung mới lạ được đón chào trong nền văn học đương đại của Hoa Kỳ? Và cùng với nội dung ấy, là một giọng điệu, và những đặc trưng văn hóa khác lạ mang tính Việt đã được đón chào?
Xin nói rất thực là tôi không hề quan tâm đến việc não trạng chủ lưu của Mỹ “đón nhận” hay không “đón nhận” các đặc điểm của văn hóa Việt Nam. Tôi không viết hay sáng tạo để cho người Mỹ đón nhận vì bản thân tôi là một người Mỹ. Tôi không thấy bản thân mình ở bên ngoài trí tưởng tượng Mỹ ngay cả nếu như có những lúc trí tường tượng Mỹ không nhìn thấy được tôi, không nhìn thấy được chúng ta. Nhưng nếu chúng ta phải sáng tạo nghệ thuật chỉ để được người Mỹ đón nhận (hay được bất kỳ ai đón nhận), và giả sử tôi cho rằng ông nói người Mỹ với ý nói người da trắng hay người Mỹ không có gốc Việt, thì điều ấy không có ý nghĩa gì hết.
Tôi không viết để được đón nhận bởi bất kỳ quốc gia nào. Tôi viết để hiểu thân phận con người, để đi đến gần hơn những bí mật sâu xa trói buộc chúng ta một cách bản thể như một giống loài, bao gồm cả những khiếm khuyết của chúng ta. Xin trả lời câu hỏi của ông là tôi không bận tâm đến việc những người Mỹ khác nghĩ gì. Nếu họ không hiểu văn hóa Việt Nam - hoặc bị nó đẩy ra, thì họ phải chịu thua thiệt.
Từng có một nhận xét trên báo Mỹ: Thơ của Ocean Vuong đã “sửa đổi” tiếng Mỹ. Thật thú vị là việc “sửa tiếng Mỹ” lại được thực hiện bởi một người xuất thân trong một gia đình nhập cư mắc chứng “khó đọc” và bản thân tác giả cũng từng học tiếng Mỹ một cách vất vả, chậm muộn! Có thể nói: đóng góp về ngôn ngữ là đỉnh cao cuối cùng của một tác phẩm văn học. Giải T.S Eliot là sự ghi nhận có thẩm quyền về đóng góp của Ocean Vuong, một người gốc Việt, vào ngôn ngữ Anh. Có phải đó cũng là dấu ấn khẳng định sự lên ngôi của bộ phận văn học Hoa Kỳ, và văn học tiếng Anh nói chung, của người gốc Việt với những đặc trưng rõ rệt của nó? Nó có vị trí thế nào khi so sánh với bộ phận văn học Hoa Kỳ gốc China?
Một lần nữa, tôi thực sự không quan tâm đến việc so sánh bất kỳ nhóm người nào với nhóm người nào trong sự liên quan đến Mỹ. Tôi nghĩ rằng nghệ thuật châu Á và nghệ thuật Mỹ gốc Á sẽ tiến lên trôi chảy và mạnh mẽ hơn nhiều nếu chúng ta có thể loại bỏ cái tư duy lâu đời luôn đo giá trị bản thân thông qua sự so sánh với những nhóm người khác hay nước khác, và nhất là so sánh với nước Mỹ.
Việc đối chiếu những cái ta làm với tiêu chí đánh giá của người khác sẽ bảo đảm rằng nghệ thuật của ta luôn luôn thấp kém hơn tiêu chí đánh giá ấy, và do đó ta đánh mất sức mạnh tác động của mình. Và nếu như ta đánh mất sức mạnh tác động của mình, thì ta làm nghệ sĩ làm gì nhỉ? Hơn nữa, không thể so sánh văn học Mỹ gốc Việt với văn học Mỹ gốc China, vì mỗi tác giả là riêng biệt, với những thành tựu và những mối quan tâm, những ám ảnh cá nhân. So sánh chúng một cách thô thiển là giảm bớt giá trị của chúng theo những cách sẽ thay đổi và làm hại sự toàn vẹn của tác phẩm.
Trong nhiều bài thơ ở tập thơ nói trên, đặc biệt trong toàn bộ cuốn tiểu thuyết đầu tay rất thành công On Earth We’re Briefly Gorgeous, nổi bật lên chủ đề: ảnh hưởng sâu nặng của người mẹ nông dân Việt Nam truyền thống và mù chữ, trong sự hình thành nhân cách của người con lớn lên và thành công ở Mỹ như một người Mỹ ưu tú. Đó có phải là nội dung mới lạ được đón chào trong nền văn học đương đại của Hoa Kỳ? Và cùng với nội dung ấy, là một giọng điệu, và những đặc trưng văn hóa khác lạ mang tính Việt đã được đón chào?
Xin nói rất thực là tôi không hề quan tâm đến việc não trạng chủ lưu của Mỹ “đón nhận” hay không “đón nhận” các đặc điểm của văn hóa Việt Nam. Tôi không viết hay sáng tạo để cho người Mỹ đón nhận vì bản thân tôi là một người Mỹ. Tôi không thấy bản thân mình ở bên ngoài trí tưởng tượng Mỹ ngay cả nếu như có những lúc trí tường tượng Mỹ không nhìn thấy được tôi, không nhìn thấy được chúng ta. Nhưng nếu chúng ta phải sáng tạo nghệ thuật chỉ để được người Mỹ đón nhận (hay được bất kỳ ai đón nhận), và giả sử tôi cho rằng ông nói người Mỹ với ý nói người da trắng hay người Mỹ không có gốc Việt, thì điều ấy không có ý nghĩa gì hết.
Tôi không viết để được đón nhận bởi bất kỳ quốc gia nào. Tôi viết để hiểu thân phận con người, để đi đến gần hơn những bí mật sâu xa trói buộc chúng ta một cách bản thể như một giống loài, bao gồm cả những khiếm khuyết của chúng ta. Xin trả lời câu hỏi của ông là tôi không bận tâm đến việc những người Mỹ khác nghĩ gì. Nếu họ không hiểu văn hóa Việt Nam - hoặc bị nó đẩy ra, thì họ phải chịu thua thiệt.
Anh có dự tính một cuộc ra mắt bạn đọc Việt Nam, đọc thơ - văn của mình tại quê mẹ? Nếu có, anh hình dung sự kiện ấy sẽ diễn ra thế nào?
Tôi hy vọng như thế. Tôi có gia đình ở Gò Công, ở đó nấm mồ bà tôi nằm trong mảnh ruộng lúa của gia đình. Thật yêu thích nếu được trở lại kính lễ bà tôi, Lê Thị Bảy.
Tập thơ mới tiếp theo của Ocean Vuong có tên Time is a Mother dự kiến sẽ phát hành quốc tế ngày 5.4.2022, do Penguin Random House xuất bản. Theo thông tin từ nhà xuất bản, Time is a Mother là cuộc tìm kiếm sự sống giữa những dư chấn sau cái chết của mẹ nhà thơ, thể hiện những nghịch lý của đau buồn và sự quyết tâm vượt qua nỗi đau ấy. Mẹ của Ocean Vuong qua đời cuối năm 2020 ở tuổi 51, do ung thư. Tập thơ này chính là sự tưởng nhớ người mẹ đã mất của anh.
Trước đó, hãng phim độc lập A24 của Mỹ cũng đã tiết lộ đang thực hiện dự án điện ảnh chuyển thể từ cuốn tiểu thuyết On Earth We’re Briefly Gorgeous của Ocean Vuong. Đây là tiểu thuyết đầu tay, ra mắt sau một số tập thơ rất thành công của Ocean Vuong. Tiểu thuyết đã được dịch ra nhiều thứ tiếng của hơn 24 quốc gia. Cuối năm 2021 bản dịch Một thoáng ta rực rỡ ở nhân gian đã phát hành tại Việt Nam.
(1) LGBTQ là các chữ cái viết tắt của Lesbian (đồng tính luyến ái nữ), Gay (đồng tính luyến ái nam), Bisexual (song tính luyến ái), Transgender (chuyển giới) và Queer (có xu hướng tính dục và bản dạng giới khác biệt, hoặc không nhận định mình theo bất kỳ nhãn nào) hoặc Questioning (đang trong giai đoạn tìm hiểu bản thân)
(2) Các tác phẩm, lần lượt, của Homer (cổ Hy Lạp), Dante (trung đại Ý)
(3) Nhà thơ Mỹ (1830-1886)