Bài phát biểu đầy giận dữ của Putin viết lại lịch sử Ukraine và phản ứng

Hồ sơ - Ngày đăng : 17:07, 24/02/2022

Trước khi phát động chiến dịch quân sự tại Ukraine, Tổng thống Vladimir Putin đã đưa ra một bài phát biểu chứa đầy sự giận dữ mang tính lịch sử, thách thức phương Tây. Dưới đây là trích đoạn bài phát biểu và phản ứng quốc tế.

Dưới đây là trích đoạn về bài phát biểu kéo dài gần 1 giờ của nhà lãnh đạo Nga Putin từ điện Kremlin được công bố hôm 22.2.

"Thưa các công dân nước Nga, thưa các bạn. Bài phát biểu của tôi hôm nay sẽ liên quan đến các sự kiện ở Ukraine và vì sao điều này lại quan trọng đối với chúng ta, và hơn hết là đối với Nga. Tôi cũng muốn lưu ý rằng thông điệp này cũng được gửi đến đồng bào của chúng ta ở Ukraine.

Như các bạn đã biết, tình hình ở Donbass đã đến giai đoạn nguy cấp. Tôi nói chuyện trực tiếp hôm nay không chỉ để giải thích những gì đang xảy ra mà còn để thông báo về các quyết định đang được thực hiện cũng như các bước tiếp theo có thể xảy ra.

Tôi muốn nhấn mạnh một lần nữa rằng Ukraine không chỉ là một quốc gia láng giềng đối với chúng ta mà còn là một phần không thể tách rời của lịch sử, văn hóa và không gian tâm linh (Nga). Ukraine là những người đồng đội, những người thân yêu nhất của chúng ta - không chỉ là đồng nghiệp, bạn bè và những người đã từng phục vụ cùng nhau, mà còn là những người thân, những người gắn bó máu thịt.

Từ xa xưa, những người sống ở phía tây nam của vùng đất Nga (ám chỉ khu vực Ukraine) trong lịch sử đã tự gọi họ là người Nga. Đây là sự thật trước thế kỷ 17, khi một phần lãnh thổ này tái nhập vào nhà nước Nga, và cả sau này. Đối với chúng ta, có vẻ như, nói chung, tất cả chúng ta đều biết những sự kiện này, rằng đây là kiến ​​thức phổ biến.

Tất nhiên, chúng ta không thể thay đổi các sự kiện trong quá khứ, nhưng ít nhất phải công nhận chúng một cách trung thực và công khai, không có bất kỳ sự dè dặt hay tính toán chính trị nào. Tôi có thể nói thêm rằng không có yếu tố chính trị nào, dù ấn tượng hoặc có lợi đến đâu hay ở bất kỳ thời điểm nào, có thể được sử dụng làm nguyên tắc cơ bản của chế độ nhà nước.

Tôi không cố gắng đổ lỗi cho bất kỳ ai. Điều duy nhất tôi muốn nói ngày hôm nay là sự thật và là một sự thật lịch sử. Trên thực tế, như tôi đã nói, Ukraine thuộc Liên Xô là kết quả của chính sách của những người Bolshevik và có thể được gọi một cách chính xác là "Ukraine của Vladimir Lenin". Ông ấy là người tạo ra nó và là kiến ​​trúc sư. Điều này được chứng thực đầy đủ và toàn diện bởi các tài liệu lưu trữ về Donbass - vùng thực tế đã bị sáp nhập vào Ukraine.

Giờ đây, những người theo chủ nghĩa dân tộc, bao gồm và chủ yếu những người ở Ukraine là những người đang ghi nhận công lao vì đã giành được độc lập. Điều này là hoàn toàn sai lầm. Sự tan rã của đất nước thống nhất của chúng ta (ám chỉ Liên Xô) là do những sai lầm lịch sử, chiến lược của các nhà lãnh đạo. Sự sụp đổ của nước Nga lịch sử, hay còn được gọi là Liên Xô, là gánh nặng lương tâm của họ.

Bất chấp tất cả những bất công, dối trá đối với nước Nga, nhân dân của chúng ta đã chấp nhận thực tế địa chính trị mới hình thành sau khi Liên Xô tan rã, và công nhận các quốc gia độc lập mới. Nga không chỉ công nhận các nước này mà còn giúp đỡ các đối tác SNG (Cộng đồng các Quốc gia Độc lập - các quốc gia thành viên cũ của Liên Xô, đã lần lượt tách ra để trở thành các nước độc lập sau khi Liên Xô tan rã vào năm 1990). Chúng tôi đã giúp đỡ những người anh em Ukraine - những người đã quay sang xin hỗ trợ tài chính cho chúng tôi nhiều lần ngay từ khi họ tuyên bố độc lập. Nga đã cung cấp hỗ trợ này đồng thời tôn trọng phẩm giá và chủ quyền của Ukraine.

Theo đánh giá của các chuyên gia, các khoản vay trợ cấp mà Nga cung cấp cho Ukraine cùng với các ưu đãi về kinh tế và thương mại, giúp cho tổng lợi ích cho ngân sách Ukraine trong giai đoạn từ 1991 đến 2013 lên tới 250 tỉ USD.

Nga luôn làm việc với Ukraine một cách cởi mở và trung thực, tôn trọng lợi ích của nước này. Chúng ta đã phát triển mối quan hệ của mình trong nhiều lĩnh vực. Năm 2011, thương mại song phương đã vượt 50 tỷ USD. Trước khi đại dịch COVID-19 xảy ra, thương mại của Ukraine với tất cả các nước EU cộng lại đều thấp hơn chỉ số này.

tong-thong-nga-putin.jpeg
Tổng thống Nga Vladimir Putin - Ảnh: Reuters

Song, có một nghịch lý là các nhà chức trách Ukraine luôn ưu tiên đối phó với Nga theo cách đảm bảo rằng họ được hưởng tất cả các quyền và đặc quyền trong khi vẫn không phải chịu bất kỳ nghĩa vụ nào. Giới chức chính quyền Kiev đã thay thế quan hệ đối tác bằng một thái độ ký sinh.

Ukraine đã cố gắng sử dụng Nga như một con bài mặc cả trong quan hệ với phương Tây, đe dọa có quan hệ chặt chẽ hơn với Nga để khiến phương Tây đảm bảo các ưu đãi lợi ích cho họ.

Các chức trách Ukraine thậm chí đã bắt đầu bằng việc xây dựng nhà nước của họ với tâm thế phủ định mọi thứ đã gắn kết với Nga, cố gắng bóp méo ký ức lịch sử của hàng triệu người, thuộc toàn bộ thế hệ sống ở Ukraine.

Chính sách phá hủy tận gốc ngôn ngữ và văn hóa Nga và thúc đẩy quá trình đồng hóa được thực hiện. Nghị viện Ukraine đã tạo ra một loạt các dự luật phân biệt đối xử và luật về cái gọi là người bản địa đã có hiệu lực. Những người xác định là người Nga và muốn bảo tồn bản sắc, ngôn ngữ và văn hóa của họ đang nhận được tín hiệu rằng họ không được chào đón ở Ukraine. Theo luật giáo dục Ukraine, tiếng Nga không có chỗ trong trường học hoặc không gian công cộng, ngay cả trong các cửa hàng bình thường.

Vài lời về Crimea. Người dân trên bán đảo này đã đưa ra lựa chọn tự do ở bên Nga. Chính quyền Kiev không thể thách thức ý nguyện đã nêu rõ ràng của người dân.

Theo tôi được biết, vào tháng 3 năm ngoái, một chiến sách quân sự mới đã được thông qua ở Ukraine. Tài liệu này gần như hoàn toàn dành riêng cho cuộc đối đầu với Moscow và đặt mục tiêu lôi kéo các nước ngoài vào một cuộc xung đột với Nga. Chiến lược đó quy định việc tổ chức của những gì có thể được mô tả là một phong trào ngầm khủng bố ở Crimea của Nga và ở Donbass. Theo các chiến lược gia của Kiev, điều này cũng mở ra kịch bản về một cuộc chiến tranh tiềm tàng dưới sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế và quân đội nước ngoài trong cuộc đối đầu địa chính trị với Nga. Trên thực tế, đây không gì khác hơn là sự chuẩn bị cho những hành động thù địch chống lại Nga.

Đã có tuyên bố rằng Ukraine có ý định tạo ra vũ khí hạt nhân của riêng mình, và tôi nghĩ đây không chỉ là sự khoe khoang. Họ có các công nghệ hạt nhân được tạo ra từ thời Liên Xô và các phương tiện vận chuyển vũ khí như vậy, bao gồm máy bay, cũng như tên lửa chiến thuật chính xác do Liên Xô thiết kế với tầm bắn hơn 100km. Và họ có thể làm được nhiều hơn thế. Theo tôi, đó chỉ là một vấn đề thời gian. Họ đã có cơ sở cho việc này từ thời Liên Xô.

Nếu Ukraine sở hữu vũ khí hủy diệt hàng loạt, tình hình thế giới, ở châu Âu, đặc biệt là đối với Nga, sẽ thay đổi đáng kể. Trước thực tế là những người bảo trợ phương Tây có thể tạo điều kiện cho sự xuất hiện của những loại vũ khí như vậy ở Ukraine để tạo ra một mối đe dọa khác đối với Nga, chúng ta không thể không phản ứng trước mối nguy hiểm thực sự này.

Chúng ta đã chứng kiến Kiev đã được bơm đầy vũ khí như thế nào. Chỉ riêng Mỹ đã cung cấp hàng tỷ USD kể từ năm 2014 cho mục đích này, bao gồm vũ khí, thiết bị và đào tạo chuyên ngành. Trong thời gian gần đây, khí tài của phương Tây đã được đưa đều đặn vào Ukraine một cách phô trương.

Bên cạnh đó, lực lượng quân sự từ các nước thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã liên tục hiện diện trên lãnh thổ Ukraine với lý do tập trận vài năm trở lại đây. Hệ thống chỉ huy và kiểm soát của quân đội Ukraine thậm chí đã được tích hợp vào các lực lượng NATO, đồng nghĩa với việc quyền chỉ huy các lực lượng Ukraine, bao gồm các đơn vị riêng lẻ và các đơn vị con, có thể được thực thi trực tiếp từ trụ sở NATO.

Rõ ràng là những sự kiện như vậy được coi là vỏ bọc cho việc xây dựng nhanh chóng lực lượng quân sự NATO ở Ukraine. Điều này càng đúng vì mạng lưới sân bay được phát triển với sự giúp đỡ của Mỹ ở Boryspil, Ivano-Frankivsk, Chuguev, Odessa… có thể đảm bảo việc chuyển giao các đơn vị quân đội trong thời gian ngắn nhất.

Ukraine từ lâu đã tuyên bố một lộ trình chiến lược hướng tới việc tham gia liên minh quân sự NATO. Theo tôi, mọi quốc gia đều có quyền lựa chọn hệ thống an ninh của riêng mình và tham gia vào các liên minh quân sự. Tuy nhiên, lựa chọn an ninh không nên là mối đe dọa đối với các quốc gia khác và việc Ukraine gia nhập NATO là mối đe dọa trực tiếp đối với an ninh của Nga.

Tôi xin nhắc lại một sự kiện vào tháng 4 năm 2008, tại Hội nghị thượng đỉnh Bucharest của Liên minh Bắc Đại Tây Dương, Mỹ đã đưa ra quyết định rằng Ukraine và Gruzia sẽ trở thành thành viên của NATO. Nhiều đồng minh châu Âu của Mỹ khi ấy đã nhận thức được tất cả các rủi ro của viễn cảnh như vậy, nhưng đã phải cúi đầu trước ý chí của đối tác cấp cao của họ. Người Mỹ chỉ đơn giản sử dụng nó để theo đuổi một chính sách rõ ràng chống lại Nga.

Một số quốc gia thành viên NATO đã rất nghi ngờ về việc Ukraine gia nhập NATO. Đồng thời, chúng tôi nhận được tín hiệu từ một quốc gia châu Âu nói rằng, Nga không phải lo lắng vì chuyện Ukraine gia nhập NATO không phải “ngày một ngày hai”.

Hơn thế nữa, bây giờ tôi sẽ nói điều mà tôi chưa bao giờ nói công khai trước đây, tôi sẽ nói điều đó lần đầu tiên. Vào 2000, khi Tổng thống Mỹ sắp mãn nhiệm Bill Clinton đến thăm Moscow, tôi đã hỏi ông ấy, rằng Mỹ sẽ nghĩ gì về việc Nga được kết nạp vào NATO?

Tôi sẽ không tiết lộ tất cả các chi tiết của cuộc trò chuyện đó. Tôi chỉ muốn nói rằng ông Clinton đã giải đáp cho câu hỏi trên của tôi rất thận trọng. Có thể nhìn thấy cách người Mỹ phản ứng với khả năng đó trong các động thái thực tế của họ đối với Nga. Đó là sự ủng hộ công khai dành cho những kẻ khủng bố ở Bắc Kavkaz, thái độ bác bỏ các yêu cầu và lo ngại an ninh của chúng ta trong khu vực NATO mở rộng, rút khỏi Hiệp ước ABM về cấm phòng thủ tên lửa… Chính điều này khiến chúng ta tự hỏi: Tại sao? Những thứ này có nghĩa gì? Các bạn không muốn coi chúng tôi là bạn và đồng minh, nhưng tại sao lại phải coi chúng tôi như kẻ thù?

Theo tôi, câu trả lời chỉ có thể là do đó không phải là do chế độ chính trị của chúng ta hay bất cứ điều gì khác, họ chỉ đơn giản là không cần một quốc gia độc lập lớn như Nga. Đó là nguồn gốc của chính sách truyền thống của Mỹ đối với Nga. Là thái độ đối với tất cả các đề xuất an ninh của chúng ta.

Ngày nay, khi nhìn vào bản đồ cũng rõ ràng nhận ra các nước phương Tây đã giữ lời hứa không mở rộng NATO về phía Đông như thế nào. Họ đã lừa dối chúng ta. Nga đã chứng kiến năm làn sóng mở rộng NATO, hết đợt này đến đợt khác. Năm 1999, Ba Lan, Cộng hòa Czech và Hungary được kết nạp vào Liên minh. Năm 2004, Bulgaria, Estonia, Latvia, Litva, Romania, Slovakia và Slovenia. 2009 là Albania và Croatia. 2017 là Montenegro và gần đây nhất vào năm 2020 là Bắc Macedonia.

Kết quả là, NATO dường như đã đi đúng vào biên giới của Nga bằng cơ sở hạ tầng quân sự của mình. Đây là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến cuộc khủng hoảng an ninh châu Âu và có tác động tiêu cực đến toàn bộ hệ thống quan hệ quốc tế cũng như làm mất lòng tin lẫn nhau.

Vời đầy đủ thông tin, Nga tin rằng việc Ukraine gia nhập NATO và việc tiếp theo đặt các tài sản NATO tại quốc gia đó là sẽ xảy ra và nó chỉ là vấn đề thời gian. Cần thấy rõ rằng trong kịch bản như vậy, mối nguy cơ Nga bị tấn công bất ngờ sẽ tăng lên gấp nhiều lần.

Các tài liệu hoạch định chiến lược chính thức của Mỹ đã cung cấp khả năng xảy ra cái gọi là tấn công phủ đầu chống lại các hệ thống tên lửa của đối phương. Và chúng ta đều biết ai là đối thủ chính của Mỹ và NATO. Đó không ai khác ngoài là Nga. Các tài liệu của NATO chính thức tuyên bố Nga trực tiếp là mối đe dọa chính đối với an ninh khu vực châu Âu và Đại Tây Dương. Do đó, Ukraine chính là làm bàn đạp cho chiến lược của NATO và Mỹ đối với Nga. Nếu tổ tiên của chúng ta nghe được điều này, có lẽ họ sẽ không tin. Bản thân chúng tôi cũng không muốn tin nhưng đó là sự thật. Tôi muốn điều này được thấu hiểu ở Nga và cả ở Ukraine.

Nhiều sân bay của Ukraine nằm sát biên giới của chúng ta. Các máy bay chiến thuật của NATO đóng tại đây, bao gồm cả các tàu sân bay mang vũ khí chính xác cao, sẽ có thể đánh vào lãnh thổ Nga. Việc triển khai các thiết bị trinh sát bằng radar trên lãnh thổ Ukraine sẽ cho phép NATO kiểm soát chặt chẽ không phận Nga.

Sau khi Mỹ phá bỏ hiệp ước về tên lửa tầm ngắn và tầm trung, Lầu Năm Góc đã công khai phát triển một loạt vũ khí tấn công mặt đất, bao gồm tên lửa đạn đạo có khả năng tiếp cận mục tiêu cách xa 5.500 km. Nếu hệ thống tên lửa này được triển khai ở Ukraine, chúng có thể tấn công các mục tiêu trên khắp lãnh thổ của Nga. Đây được ví như là con dao kề vào cổ họng của chúng ta. Và tôi không nghi ngờ gì về việc họ sẽ thực hiện những kế hoạch này giống như họ đã nhiều lần thực hiện trong những năm gần đây khi mở rộng NATO về phía đông và chuyển cơ sở hạ tầng và thiết bị quân sự gần biên giới của Nga, cũng như hoàn toàn phớt lờ những lo ngại, phản đối và cảnh báo của chúng tôi.

Và, tất nhiên, chúng ta bị cho là sẽ tiếp tục hành xử theo câu nói nổi tiếng: "Chó cứ sủa, đoàn người cứ đi". Tôi muốn nhấn mạnh rằng chúng tôi chưa đồng ý điều này và sẽ không bao giờ. Moscow luôn và vẫn ủng hộ giải quyết những vấn đề phức tạp nhất bằng các biện pháp chính trị và ngoại giao trên bàn đàm phán.

Và một cái cớ cho một nỗ lực trừng phạt Nga luôn được tìm thấy hoặc đơn giản là tự nghĩ ra, bất kể tình hình ở Ukraine như thế nào. Mục tiêu của chúng là giống nhau - để kìm hãm sự phát triển của Nga. Và họ sẽ làm điều đó như những gì họ đã làm trước đây, ngay cả khi không có bất kỳ lý do chính thức nào.

Đối với tình hình hiện nay, khi các đề xuất của chúng ta về một cuộc đối thoại bình đẳng về các vấn đề cơ bản hầu như không được Mỹ và NATO hồi đáp, dẫn đến quy mô của các mối đe dọa đối Nga đang gia tăng đáng kể, chúng ta có mọi quyền để thực hiện các biện pháp đối phó để đảm bảo an ninh. Đó chính xác là những gì Nga sẽ làm.

Đối với tình hình ở Donbass, chúng ta thấy rằng ban lãnh đạo ở Kiev đã liên tục tuyên bố công khai rằng họ không sẵn sàng thực hiện gói biện pháp Minsk để giải quyết xung đột và rằng họ không quan tâm đến một giải pháp hòa bình. Họ đang cố gắng tổ chức một trò chơi chiến tranh chớp nhoáng ở Donbass, như họ đã từng làm làm vào năm 2014 và 2015. Chúng ta vẫn nhớ những cuộc phiêu lưu này đã kết thúc như thế nào sau đó.

Trên thực tế, không một ngày nào trôi qua mà không có các cuộc pháo kích vào các thị trấn và làng mạc ở Donbass. Máy bay không người lái, thiết bị hạng nặng, tên lửa, pháo và nhiều bệ phóng tên lửa luôn được sử dụng. Việc giết hại dân thường, phong tỏa, ngược đãi người dân, bao gồm cả trẻ em, phụ nữ và người già, vẫn tiếp tục không suy giảm và điều này chưa có dấu hiệu kết thúc.

Thảm kịch này có thể tiếp diễn trong bao lâu? Chúng ta có thể chịu đựng nó bao lâu nữa? Nga đã làm mọi thứ để bảo tồn sự toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine và đã chiến đấu kiên trì và bền bỉ suốt những năm qua để thực hiện Nghị quyết 2202 năm 2015 của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, trong đó có Thỏa thuận Minsk năm 2015 để giải quyết tình hình ở Donbass.

Tất cả điều đó biến mất trong hư không. Dù cho các đời tổng thống và đại biểu của Ukraine thay đổi, nhưng bản chất và tính cách hiếu chiến, dân tộc chủ nghĩa của chế độ nắm quyền ở Kiev vốn không thay đổi. Đây hoàn toàn là sản phẩm của cuộc đảo chính năm 2014 và những người đi theo con đường bạo lực, đổ máu và vô luật pháp đã không nhận ra bất kỳ giải pháp nào cho vấn đề Donbass ngoài giải pháp quân sự và sẽ không làm gì khác trong tương lai.

Trong bối cảnh này, tôi tin rằng cần phải đưa ra quyết định có thời hạn lâu dài: công nhận độc lập và chủ quyền của Cộng hòa Nhân dân Donetsk và Cộng hòa Nhân dân Lugansk ngay lập tức. Tôi yêu cầu Quốc hội Liên bang Nga ủng hộ quyết định và sau đó sẽ phê chuẩn các hiệp ước hữu nghị và tương trợ với cả hai nước cộng hòa. Hai văn bản này sẽ được soạn thảo và ký kết trong thời gian tới.

Xin gửi tới với những người đang nắm quyền ở Kiev, Nga yêu cầu chấm dứt ngay các hành động thù địch. Nếu không, trách nhiệm về khả năng tiếp tục đổ máu sẽ hoàn toàn thuộc về lương tâm của chính các vị.

Khi công bố các quyết định được thực hiện ngày hôm nay, tôi tin tưởng vào sự ủng hộ của người dân Nga và tất cả các lực lượng yêu nước của chúng ta

Tôi xin cảm ơn sự quan tâm của các bạn!".

Phản ứng về bài phát biểu của Tổng thống Putin

Theo Time, bài phát biểu của Putin là một bước ngoặt mới trong cuộc khủng hoảng tại Ukraine. Trong đó, Putin khẳng định niềm tin của mình mạnh mẽ hơn bao giờ hết rằng người Ukraine về bản chất là người Nga.

Nhưng các nhà phân tích phương Tây nói rằng những nhận xét của Tổng thống Putin là một sự hiểu sai về lịch sử nhằm biện minh cho những tuyên bố của Nga đối với Ukraine.

Mặc dù hai nước có lịch sử gắn bó với nhau, nhưng người Ukraine đã nhanh chóng chỉ ra rằng Kiev được thành lập sớm hơn Moscow hàng trăm năm và Ukraine có ngôn ngữ và phong tục tập quán riêng biệt.

David Patrikarakos, tác giả của hai cuốn sách về các vấn đề đối ngoại, cho biết: “Một phần lý do khiến Ukraine chưa bao giờ có được tình trạng quốc gia ổn định là vì Nga".

Ông nói rằng Putin đã cố tình phớt lờ lịch sử lâu dài của chủ nghĩa dân tộc Ukraine, bao gồm cuộc chiến giành độc lập của đất nước chống lại Liên Xô bắt đầu vào năm 1917 và cuộc kháng chiến chống lại sự thống trị của Liên Xô sau Thế chiến thứ hai. 

“Đã có một sự thúc đẩy mạnh mẽ của chủ nghĩa dân tộc Ukraine trong ít nhất thế kỷ trước. Và điều đó vẫn tiếp tục cho đến ngày hôm nay", Patrikarakos nói.

Con đường giành độc lập của Ukraine

Ukraine chỉ trở thành một quốc gia độc lập vào năm 1991, sau một cuộc trưng cầu dân ý, trong đó 92,3% cử tri cho biết họ muốn đất nước độc lập hơn là bị ràng buộc bởi Liên Xô đang sụp đổ. Nhưng Ukraine với tư cách là một quốc gia nên trông như thế nào luôn là một vấn đề gây tranh cãi. Mặc dù sự ủng hộ dành cho nền độc lập vào năm 1991 là áp đảo nhưng nó vẫn ẩn chứa sự chia rẽ đáng kể giữa phía tây và phía đông của Ukraine, quốc gia có chung biên giới với Nga. Về mặt lịch sử, ảnh hưởng văn hóa và ngôn ngữ của Nga ở khu vực này ngày càng mạnh mẽ.

Năm 2013, những người theo chủ nghĩa dân tộc Ukraine đã đoàn kết để phản đối Tổng thống thân Nga Viktor Yanukovych, cuối cùng buộc ông này phải rời khỏi đất nước. Cách mạng Maidan, như các cuộc biểu tình được gọi, đã đưa ra một phiên bản cập nhật của chủ nghĩa dân tộc Ukraine — một phiên bản hướng tới châu Âu và các giá trị dân chủ, thay vì hệ thống chính trị của Nga, mặc dù chúng phủ nhận lịch sử chống bài trừ của phong trào dân tộc chủ nghĩa của Ukraine. Những người biểu tình không đồng ý với việc Điện Kremlin đọc lịch sử Ukraine, coi thời kỳ Xô Viết là một sự chiếm đóng thù địch hơn là một liên minh gắn kết giữa các quốc gia anh em.

Nhưng khi Ukraine đã trở thành một điểm nóng về địa chính trị trong những năm gần đây thì sự phân cực gia tăng. Vào đỉnh điểm của các cuộc biểu tình Euromaidan vào năm 2014, chỉ có khoảng một nửa số người Ukraine được thăm dò ý kiến ​​cho biết họ đồng ý với các cuộc biểu tình. Trong khi đó, khoảng 58% người Ukraine muốn gia nhập EU. Ngày nay, một thiểu số đáng kể (21%) ủng hộ việc tham gia liên minh kinh tế với Nga. Các cuộc thăm dò cho thấy sự ủng hộ của người Ukraine đối với việc gia nhập liên minh NATO thường thấp hơn 50% từ năm 2014 đến năm 2016, nhưng đã tăng lên - cùng với sự hung hăng của Nga - với 64% người Ukraine bày tỏ sự ủng hộ đối với ý tưởng này trong một cuộc thăm dò tháng 1 năm 2022.

Trong bối cảnh đó, chuyên gia Patrikarakos cho rằng bài phát biểu của Putin không nên được coi là nỗ lực thuyết phục người Ukraine về lợi ích của sự bảo trợ của Moscow, mà thay vào đó là sự khẳng định về thế giới quan ngày càng lạc quan của Putin.

“Những gì ông ấy đang nói là một điều gì đó rộng lớn hơn nhiều: Ukraine không phải là một quốc gia hợp pháp. Ukraine là Nga. Nó cũng có thể là một hồi chuông đáng ngại cho các hành động quân sự xảy ra", Patrikarakos nhận định.

Hoàng Vũ