Trẻ mắc COVID-19 tăng cao, TP.HCM lập tức mở chiến dịch bảo vệ trẻ em

Sự kiện - Ngày đăng : 19:44, 24/02/2022

Trước tình trạng các ca mắc COVID-19 ở học sinh gia tăng khiến các bậc phụ huynh lo lắng, ngành y tế TP đã xây dựng chiến dịch bảo vệ trẻ em, trong đó ưu tiên bảo vệ trẻ có nguy cơ như bệnh béo phì, huyết áp, tim mạch…

Bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai – Chánh Văn phòng Sở Y tế TP.HCM cho biết như thế tại cuộc họp báo thông tin về tình hình phòng chống dịch COVID-19 trên địa bàn TP vào chiều nay (24.2).

Số ca mắc tăng cao, nhưng số ca nhập viện, tử vong giảm sâu

Theo Sở Y tế TP.HCM số ca trẻ em nhiễm COVID-19 tăng cao, từ 14.2 đến 21.2 tăng cao gấp 3 lần so với tuần trước (7.2 đến 13.2). Cụ thể, trong tuần qua ghi nhận 7.505 ca trong trường học; bao gồm 706 giáo viên và 6.799 học sinh, trong đó cấp mầm non là 394 em, cấp tiểu học là 2.786 em, THCS là 1.875 em, THPT – giáo dục thường xuyên là 1.744. Số trường học phát sinh ca nhiễm tuần qua cũng tăng với 201 trường.

tre-mac-covid-19-tang-cao-tphcm-lap-tuc-mo-chien-dich-bao-ve-tre-em-hinh-anh(1).png
Bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai – Chánh Văn phòng Sở Y tế TP.HCM chia sẻ tại cuộc họp báo thông tin về tình hình dịch bệnh COVID-19 vào chiều 24.2 - Ảnh: PV 

Theo bà Mai, qua hệ thống giám sát của ngành y tế, số ca mắc mới sau Tết liên tục tăng, đặc biệt là trẻ em, học sinh. Dự báo trong những ngày tới số ca mắc COVID-19 ở trẻ sẽ tiếp tục gia tăng. “Điều này là do chúng ta có kỳ nghỉ Tết dài ngày, cùng với đó là các học sinh trở lại trường học trực tiếp và số ca dương tính nhiễm biến chủng mới Omicron chiếm ưu thế mà biến thể này tốc độ lây lan nhanh”, bà Mai giải thích.

Tuy nhiên, bà Mai khuyến cáo các bậc phụ huynh không quá hoang mang, lo lắng. Thực tế theo dõi cho thấy, các ca nhập viện, thở máy không tăng mà có xu hướng giảm xuống mức thấp nhất. Trong ngày hôm nay (24.2), TP không có ca mắc COVID-19 tử vong. Riêng học sinh có số ca mắc COVID-19 tăng cao nhưng gần 90% học sinh chỉ điều trị ở nhà.

“Điều này là do độ bao phủ phủ tiêm chủng tốt, TP đang phấn đấu mũi 3 đạt 80%. Thành phố cũng thực hiện tốt chiến dịch người có nguy cơ, mở rộng đối tượng từ 50 tuổi trở lên, có bệnh lý nền. Khi phát hiện những trường hợp này mắc bệnh, TP đã khoanh vùng, truy vết bảo vệ được nhóm người nguy cơ này”, bà Mai giải thích thêm.

Chia sẻ về tình hình dịch COVID-19 gia tăng ở học sinh, ông Trịnh Duy Trọng - Trưởng phòng chính trị tư tưởng (Sở giáo dục và đào tạo) cho rằng đây là điều mà ngành giáo dục đã dự báo từ trước.

Hiện nay tình hình dịch bệnh tại các cơ sở giáo dục có những diễn biến khó lường, số ca mắc gia tăng, ngành giáo dục đang quán triệt các chỉ đạo của UBND TP, Bộ Y tế và hướng dẫn các cơ sở giáo dục tăng cường công tác phòng chống dịch khi tổ chức học trực tiếp.

Ngay khi có các văn bản 762 của Bộ Y tế về cách ly các ca bệnh COVID-19 và những trường hợp tiếp xúc gần; văn bản hướng dẫn 796 của Bộ Y tế về công tác phòng chống dịch COVID-19 khi tổ chức học trực tiếp; văn bản 548 của UBND TP hướng dẫn kiểm soát dịch COVID-19 tại các cơ sở giáo dục, ngành giáo dục TP đã quán triệt đến các cơ sở giáo dục thực hiện. “Trong buổi giao ban COVID-19 vào ngày mai (25.2), chúng tôi sẽ tiếp tục triển khai kỹ lưỡng công tác phòng chống dịch ở các trường trong thời gian sắp tới để đảm bảo các em học sinh khi tham gia học trực tiếp tại trường”, ông Trọng cho hay.

Hiện nay ngành giáo dục đang tổ chức học trực tiếp song song với học trực tuyến. Điều này là trong quá trình học trực tiếp có những học sinh bị F0, cách ly y tế do có yếu tố dịch tế, hoặc chưa có sự đồng thuận của phụ huynh. Đối với các học sinh được xác định là F1, nếu đã tiêm đủ liều vắc xin thì phải nghỉ học để theo dõi sức khỏe tại nhà 5 ngày. Như vậy, số lượng học sinh phải chuyển qua học trực tuyến sẽ có sự biến động thường xuyên. “Việc chuyển đổi học sinh đang học trực tiếp sang học trực tuyến sẽ phát sinh nhiều khó khăn cho cả học sinh và nhà trường. Chất lượng học trực tuyến bị ảnh hưởng, ngành giáo dục đã có hướng dẫn các cơ sở giáo dục có sự quan tâm đối với học sinh học trực tuyến. Khi những học sinh này quay trở lại học trực tiếp, nhà trường phải có kế hoạch rà soát lại kiến thức, nội dung mà các em còn thiếu, còn yếu để tập trung bồi dưỡng thêm cho các em theo kịp các học sinh học trực tiếp”, ông Trọng chia sẻ.

Xây dựng chiến dịch bảo vệ trẻ em

Trước tình trạng các ca mắc COVID-19 ở học sinh gia tăng khiến các bậc phụ huynh lo lắng, Sở Y tế TP cho biết đang có các chương trình hành động để bảo vệ trẻ em trước sự tấn công của dịch bệnh COVID-19.

Thành phố đã xây dựng kế hoạch sẵn sàng thu dung, điều trị trẻ mắc COVID-19. Hiện TP đang có 3 bệnh viện nhi có số giường điều trị COVID-19 là 450 giường, trong đó có 150 giường hồi sức .

Các bệnh viện nhi cũng xây dựng kịch bản khi trẻ mắc COVID-19 nặng gia tăng. Trước mắt, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố với quy mô 1.000 giường sẽ ưu tiên điều trị bệnh nhi mắc COVID-19 nặng. “Nếu số ca mắc COVID-19 nặng ở trẻ tiếp tục gia tăng, TP sẽ huy động các bệnh viện khác, trong đó có các bệnh viện quận, huyện. Hiện ngành y tế và ngành giáo dục đang phối hợp theo dõi sát diễn biến từng ngày tình trạng mắc COVID-19 ở trẻ”, bà Mai nói.

Đặc biệt, TP đã xây dựng chiến dịch bảo vệ trẻ em, trong đó ưu tiên bảo vệ trẻ có nguy cơ như: bệnh béo phì, huyết áp, tim mạch… Theo ông Phạm Đức Hải - Phó trưởng Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 và phục hồi kinh tế TP chiến dịch này có 7 nội dung chính.

Theo đó, TP sẽ cung cấp số điện thoại để tư vấn từ xa, giải đáp thắc mắc cho phụ huynh, thân nhân người chăm sóc bệnh nhi; tập huấn cho giáo viên biết dấu hiệu để xử lý; tập huấn cho hệ thống y tế (gồm trung tâm y tế, trạm y tế, trung tâm y tế lưu động, các bệnh viện nhi) ; phân tầng điều trị, hướng dẫn chăm sóc tại nhà và các trường hợp cần nhập viện điều trị; xây dựng kịch bản khi số trẻ mắc gia tăng; tăng cường truyền thông để mọi người hiểu biết và sẵn sàng triển khai kế hoạch tiêm vắc xin cho trẻ dưới 12 tuổi.

Đối với việc đi học ở trẻ em, ông Hải cho biết, Bộ Y tế đã có công văn 796 ngày 21.2.2022, sau đó UBND TP có công văn 548 ngày 22.2.2022 đã hướng dẫn cụ thể công tác phòng chống dịch COVID-19 khi tổ chức dạy và học trực tiếp.

“Sự chủ động, tự giác thực hiện các quy định phòng bệnh của trẻ em chắc chắn còn hạn chế, nên phụ huynh cần hỗ trợ, hướng dẫn, chăm sóc tốt hơn cho trẻ trong phòng chống dịch; thường xuyên trao đổi với nhà trường cùng nhau quyết định chăm sóc sức khỏe cho trẻ, và quyết định hình thức học cho trẻ tốt nhất. Do phải thường xuyên thay đổi hình thức học, phụ huynh nên tạo mọi điều kiện, quan tâm đến con em để cùng nhà trường vượt khó đạt hiệu quả việc dạy và học tốt nhất”, ông Hải khuyến cáo.

Hồ Quang