Cố chấp với cá tính của bản thân sẽ trở nên đơn độc, khó sống hòa hợp cùng người khác
Văn hóa - Ngày đăng : 10:40, 25/02/2022
Cá tính có cả điểm cộng lẫn điểm trừ
Chúng ta cũng cần phải nghĩ cho người đang cùng làm với mình, xem xét để kết hợp tối ưu cách làm thông thường và phương pháp mới một cách linh hoạt để đạt được kết quả. Tuy nhiên, đối với nhiều người, rất khó để họ thay đổi cách làm của bản thân. Họ sẽ luôn cho rằng “Không thể làm khác với điều mình nghĩ là đúng”, “Không có cách làm nào khác tốt hơn” hoặc đơn giản là “Không đồng tình”. Có lẽ họ cảm thấy như lòng tự trọng bị tổn thương khi cách làm của mình bị phủ nhận.
Ngoài ra, trong trường hợp họ từng thành công với cách làm đó thì họ càng tin rằng đó là cách làm tốt nhất. Nếu ai đó cố chấp đến từng chi tiết không phải vì mục đích đạt kết quả tốt mà vì mong muốn mọi thứ phải hoàn hảo đến từng chi tiết thì rất khó để thuyết phục họ thay đổi. Họ đặt tính cá nhân là giá trị cao nhất thay vì kết quả toàn cục.
Có nhiều người mẹ đang nuôi dạy con nhỏ tìm đến tôi để nhờ tư vấn về việc con của họ có cá tính quá mạnh khiến họ bối rối không biết nên làm thế nào. Tuy nhiên, sau khi tôi trò chuyện để giúp họ nhìn nhận bản chất của vấn đề một cách khách quan, họ đã hiểu hơn và cảm thấy an tâm.
Điểm cộng của người có tính chi tiết và cá tính là luôn có chủ kiến, không bị ảnh hưởng bởi người khác, độc lập trong suy nghĩ, phán đoán và tuân thủ những gì cần tuân thủ (như truyền thống, quy định…). Ngược lại, điểm trừ của những người này là không dễ dàng thay đổi cách làm của bản thân và có thể thiếu linh hoạt, cố chấp, không sẵn sàng hợp tác.
Các bậc cha mẹ cần hiểu rằng “cá tính mạnh” hoàn toàn không có vấn đề gì nếu được nhìn nhận khách quan ở cả điểm cộng và điểm trừ. Thật ra, nếu trẻ em đang trong giai đoạn hình thành “cái tôi” mà hoàn toàn không có chút cá tính thì mới là điều trái với tự nhiên.
Có cá tính là một xu hướng
Tức là chúng ta nên xem việc “có phong cách riêng và có cá tính” như là một xu hướng của thời đại ngày nay. Khi đó, chúng ta sẽ hiểu rằng những điểm trừ của việc “có cá tính” như “cố chấp”, “khó thay đổi”, “không linh hoạt” cũng sẽ thay đổi theo thời gian. Con của bạn sẽ thay đổi dần theo năm tháng khi chúng trưởng thành. Nghĩ như vậy, cha mẹ sẽ cảm thấy yên lòng và thoải mái hơn. Trong thực tế, tôi cũng đã nhận được nhiều chia sẻ từ các bậc cha mẹ rằng các con của họ đã thay đổi.
Trong quá trình trưởng thành, có những đứa trẻ có thể thể hiện cá tính và sự cố chấp mạnh hơn nhiều so với những bạn cùng trang lứa. Tuy nhiên, cá tính hay biểu hiện cố chấp không phải là tính cách. Có nhiều cha mẹ khẳng định rằng “con tôi vốn có cá tính mạnh và rất cố chấp”. Chính suy nghĩ như vậy sẽ khiến cá tính đó của con phát triển mạnh hơn và có thể con sẽ dùng điều đó để biện minh cho những việc làm hay lời nói của mình.
Tôi tin rằng trong một xã hội với rất nhiều người làm việc hay sinh sống cùng nhau như hiện nay thì việc có cá tính hay có chủ kiến là cần thiết. Nhưng đồng thời, vì mỗi người đều có cá tính riêng nên chúng ta cần dạy trẻ biết tôn trọng điều đó. Nếu khi lớn lên, trẻ vẫn quá cố chấp với cá tính của bản thân mà trở nên đơn độc thì chúng ta đã đi sai hướng rồi. Cha mẹ hãy giúp con hiểu rằng việc luôn là chính mình chỉ mang lại giá trị khi chúng ta có thể sống hòa hợp cùng người khác.
Điều chỉnh cá tính cũng không sao cả. Hãy giữ cá tính ở mức “vừa đủ” để phù hợp với người xung quanh và hoàn cảnh, theo thời gian và mức độ trưởng thành của bản thân. Hãy chi tiết ở mức “vừa đủ” với mọi người xung quanh (để không trở nên tiểu tiết một cách cố chấp).
Theo “36 thói quen cần tránh để trẻ thực sự trưởng thành”