Báo Mỹ liên tưởng việc Nga đánh Ukraine với cuộc chiến của Iraq
Quốc tế - Ngày đăng : 11:19, 25/02/2022
Theo CNN, việc hạ lệnh thực hiện chiến dịch quân sự tại Ukraine của Tổng thống Nga Vladimir Putin vào rạng sáng 24.2 là hành vi vi phạm luật pháp quốc tế. Đồng thời so sánh việc này với vụ Iraq xâm lược Kuwait vào năm 1990.
Việc cấm sử dụng vũ lực được hệ thống hóa trong Điều 2 (4) của Hiến chương Liên hợp quốc. Điều lệ chỉ quy định hai trường hợp ngoại lệ: Động binh nếu được Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc cho phép và động binh tự vệ nếu xảy ra một cuộc tấn công vũ trang.
Nga chưa có lời biện minh thỏa đáng nào dựa theo một trong hai trường hợp ngoại lệ này để giải thích việc sử dụng vũ lực chống lại quốc gia khác; Việc nước này công nhận hai khu vực của Ukraine - Donetsk và Luhansk - là các quốc gia độc lập không làm thay đổi thực tế này. Vào năm 2014, Nga đã thử nhiều lý do tương tự. Moscow đã công nhận độc lập với Crimea ngay trước khi có ý định "sáp nhập".
Ukraine có quyền chiến đấu và các quốc gia khác có thể tham gia cùng nước này để tự vệ tập thể. Cho đến nay, Mỹ đã loại trừ sự hỗ trợ quân sự kiểu như vậy. Mỹ chỉ có nghĩa vụ chiến đấu để bảo vệ các thành viên của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương theo Điều 5 của hiệp ước NATO. Nếu Putin tiến xa hơn thì một cuộc tấn công vào một thành viên NATO sẽ được coi là một cuộc tấn công vào cả khối.
Thật không may cho Ukraine, hiệp ước NATO không áp dụng cho Ukraine, vì Kiev không phải là một quốc gia thành viên. Về lý thuyết, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc có thể ủy quyền chiến đấu bảo vệ Ukraine, điều đó sẽ không thể xảy ra. Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc gồm 15 thành viên được thành lập để thực thi Điều 2 (4). Hội đồng này đã hoạt động như tôn chỉ khi Iraq xâm lược Kuwait.
Hội đồng đã ra lệnh trừng phạt cấm vận toàn cầu. Khi những điều đó không hiệu quả, Hội đồng cho phép một liên minh chống xâm lược dưới sự lãnh đạo của Mỹ đã nhanh chóng đánh bại quân đội Iraq. Liên Xô khi ấy đã tham gia vào một loạt các nghị quyết nhất trí của Hội đồng Bảo an nhằm duy trì nền độc lập của Kuwait và sự vi phạm nghiêm trọng Hiến chương do một cuộc xâm lược xuyên biên giới nhằm mục đích chinh phục.
Giờ đây, Hội đồng liệu có thể làm điều tương tự đối với Ukraine? Không thể vì Nga đã thay thế Liên Xô làm thành viên thường trực của Hội đồng. Nga có quyền phủ quyết các nghị quyết yêu cầu chấm dứt hành động gây hấn với Ukraine. Nếu Nga làm điều này, Đại hội đồng LHQ - cơ quan bao gồm tất cả 193 quốc gia thành viên - có thể kích hoạt Nghị quyết Thống nhất vì Hòa bình và nhóm họp trong một Phiên họp đặc biệt khẩn cấp để điều phối các biện pháp trừng phạt trên toàn thế giới và các biện pháp khác để thực thi Hiến chương.
Đại hội đồng lần đầu tiên hoạt động trong khuôn khổ Thống nhất vì Hòa bình vào năm 1956, cử một lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc đến Trung Đông để chấm dứt Khủng hoảng Kênh đào Suez. Cuộc khủng hoảng bùng nổ khi Anh, Pháp và Israel can thiệp thô bạo chống lại Ai Cập.
Ngay cả khi LHQ không hành động, các quốc gia vẫn có thể hành động theo cách riêng để phản ứng với Nga. Chẳng hạn như cắt đứt quan hệ tài chính, thương mại và thương mại với Nga; hay cắt giảm mua dầu và khí đốt. Trong khi Đức đã đẩy mạnh trừng phạt bằng cách hoãn thông qua hoạt động của đường ống dẫn khí đốt Nord Stream 2, các quốc gia khác vẫn ngần ngại.
Tờ New York Times hôm 23.2 đưa tin rằng "không có quan chức phương Tây nào đề xuất làm nghẹt mạch máu của nền kinh tế Nga bằng cách cắt bỏ nguồn xuất khẩu năng lượng béo bở của nước này. Các chuyên gia cho rằng một động thái chống lại nguồn thu từ năng lượng của Nga sẽ có tác động lớn nhất, nhưng nó cũng sẽ dẫn đến một tình hình chính trị bấp bênh đối với ông Biden và các nhà lãnh đạo thế giới khác... "
Liệu đây có là lúc để các nhà lãnh đạo phương Tây chịu ra mặt. Họ có dám giải thích cho công dân của mình rằng việc trả thêm tiền mua nhiên liệu hoặc thậm chí từ bỏ việc mua nhiên liệu giá rẻ của Nga là một cái giá nhỏ phải trả để ủng hộ Ukraine và luật pháp - chưa kể đến vấn đề khí hậu. Điều này cho thấy mặc dù các lãnh dạo phương Tây dù rất mạnh miệng chống Nga nhưng họ vẫn chưa có hành động cụ thể vì vẫn phải nghĩ đến quyền lợi nước mình trước và xa hơn nữa là vị thế chính trị trong nước của mình.
Theo CNN, hiện tại và cho đến khi cuộc khủng hoảng kết thúc, các nhà đàm phán quốc tế cần tạo ra mặt trận thống nhất để áp đặt khó khăn tài chính cho Nga. Từ đó thúc ép Nga tuân thủ một giải quyết hòa bình lâu dài trong thỏa thuận Minsk II năm 2015, gồm các điều khoản về ngừng bắn, giải trừ quân bị và cuối cùng là quyền tự trị cho Luhansk và Donetsk thuộc chủ quyền của Ukraine. Pháp, Đức và Trung Quốc đã thúc ép đổi mới quy trình dẫn đến Minsk.
Theo CNN, mặc dù Nga có những lo ngại chính đáng về an ninh của mình, nhưng nước này phải tôn trọng toàn bộ lãnh thổ và nền độc lập của Ukraine. Quân đội Nga nên rời khỏi Ukraine. Lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc có thể thay thế quân đội Nga ở miền Đông Ukraine để hỗ trợ ngừng bắn và giải trừ quân bị với sự hỗ trợ của các quan sát viên từ Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu. Từ đó, có thể tìm thấy biện pháp khắc phục đối với các hiệp ước bị phá vỡ liên quan đến an ninh của Nga.