Tín hiệu tích cực trong bức tranh du lịch Việt Nam hậu COVID-19

Du lịch - Ngày đăng : 17:43, 25/02/2022

Trải qua khoảng thời gian đầy khó khăn bởi đại dịch COVID-19, ngành du lịch Việt Nam đang từng bước hồi phục với nhiều thách thức và đổi mới. Cùng với sự nỗ lực của chính phủ, sự thích nghi an toàn, nhanh chóng của ngành du lịch, và sự ủng hộ của du khách trong nước đã mang lại những tín hiệu tích cực hơn cho 2022.

Mất bao lâu để ngành du lịch trở lại trạng thái “bình thường”?

Từ nửa cuối tháng 11.2021, có 978 khách du lịch quốc tế đến Việt Nam theo chương trình "hộ chiếu vắc xin" tại tỉnh Quảng Nam, Khánh Hòa và Kiên Giang (Phú Quốc). Sự kiện này được xem là bước khởi động quan trọng cho thấy sự phục hồi của ngành du lịch Việt Nam. Riêng tháng 12.2021, "thành phố đáng sống" Đà Nẵng đã đón 500 du khách quốc tế tham dự sự kiện doanh nghiệp. Điều này cho thấy sức hấp dẫn của du lịch Đà Nẵng chưa hề thuyên giảm. Bên cạnh đó, chuyến ghé thăm của đoàn khách doanh nghiệp quốc tế này cũng cho thấy tính an toàn của thành phố biển xinh đẹp – nơi giao thoa của 3 di sản văn hóa thế giới: Huế, Hội An, Mỹ Sơn.

Bước sang 2022, du lịch Việt Nam đã có những chuyển biến tích cực hơn. Theo như số liệu phân tích từ công cụ Google Destination Insights, lượt tìm kiếm quốc tế về du lịch Việt Nam đang tăng nhanh. Từ đầu tháng 1.2022 cho đến nay, lượt tìm kiếm quốc tế về hàng không Việt Nam đang duy trì ở mức rất cao, có thời điểm tăng 425% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, lượt tìm kiếm về các cơ sở lưu trú cũng bắt đầu tăng rõ rệt từ khoảng cuối 2021, tiếp tục duy trì ở mức cao và tăng 86% so với cùng kỳ 2021 vào đầu tháng 2.2022. Nhìn chung mức tìm kiếm về cả hàng không và địa điểm lưu trú đều tăng mạnh. Đây là tín hiệu khả quan về sự phục hồi mạnh mẽ của ngành du lịch Việt Nam trong năm 2022, tạo đà thuận lợi cho kế hoạch mở cửa du lịch quốc tế trong thời gian sắp tới.

Với đề xuất mở cửa hoạt động du lịch Việt Nam trong điều kiện bình thường mới được áp dụng từ 15.3.2022, chắc chắn sẽ giúp thúc đẩy hoạt động kinh doanh của ngành lữ hành và nhà hàng – khách sạn, cũng như đáp ứng nhu cầu vui chơi, nghỉ dưỡng của khách trong nước và quốc tế.

khachdulich.jpg
Khách du lịch ưu tiên các điểm đến kết nối với thiên nhiên - Ảnh - Kiril Dobrev

Xu hướng du lịch thay đổi sau đại dịch

Là một người đam mê dịch chuyển, một travel blogger du lịch nổi tiếng với hành trình khám phá hơn 39 quốc gia và đã cho ra mắt 3 cuốn sách viết về những chuyến đi đầy thú vị, Lý Thành Cơ chia sẻ: “Ba từ khóa đầu tiên hiện lên trong đầu tôi sau khi du lịch Việt Nam đang dần quay lại trạng thái bình thường, đó là phấn khích, dè chừng và thích nghi. Trong điều kiện du lịch mới nhiều thủ tục, nhiều công đoạn hơn so với trước kia, tôi thấy rằng mọi người sẽ cần rất nhiều thời gian để tập quen dần với hình thức du lịch mới này. Đồng thời mỗi chúng ta cũng cần thời gian để vượt qua nỗi sợ của chính mình khi bắt đầu các chuyến đi xa - các chuyến du lịch ở nước ngoài”.

Có thể thấy, COVID-19 đã ảnh hưởng không nhỏ đến thói quen du lịch của du khách. Giờ đây, khách du lịch ưu tiên những điểm đến an toàn, du lịch vùng xanh hơn là những địa chỉ “hot”. Đặc biệt, khách du lịch cũng có xu hướng tìm đến những khu nghỉ dưỡng, những khách sạn gần gũi với thiên nhiên, tập trung vào sức khỏe, an toàn và đánh giá cao nhưng trải nghiệm dịch vụ cao cấp.

Sau khi trở lại với nhịp sống bình thường, du khách cũng bắt đầu hình thành thói quen du lịch mới: đa dạng hoá các điểm đến, không tập trung ồ ạt và chung tay bảo vệ môi trường. Nếu như ở thế hệ Gen Z, các bạn trẻ ưu tiên chọn các kỳ nghỉ cắm trại trong rừng, tìm đến với các homestay, các điểm đến ngay cạnh thành phố họ sinh sống thì nhóm nhân viên văn phòng sẽ ưu tiên các địa điểm lưu trú với nhiều dịch vụ vui chơi giải trí - chăm sóc sức khỏe.

hotel.jpg
Các khách sạn tại Việt Nam đang từng bước kích hoạt lại thị trường du lịch trong nước 

Riêng với nhóm doanh nhân, họ lại có xu hướng chọn các khách sạn, resort với đầy đủ tiện ích đến từ các thương hiệu tập đoàn quốc tế như: Marriott International, InterContinental Hotels Group, Accor, Hyatt, hay Radisson Hotel Group – nơi thích hợp cho các chuyến công tác, kết hợp nghỉ dưỡng. Lý do khiến cho các thương hiệu này luôn được giới doanh nhân đánh giá cao chính vì sự tiện lợi đến từ vị trí nằm ngay tại trung tâm các thành phố lớn thuận tiện cho các chuyến công tác, gặp gỡ đối tác, thậm chí các khách sạn – resort này còn sở hữu những vị trí tuyệt đẹp kết nối trực tiếp với biển, núi rừng và thiên nhiên xanh mát.

Ngoài ra, các khách sạn – resort mang thương hiệu quốc tế đặc biệt dành một phần diện tích cho khu vực hội họp, không gian làm việc, nơi tổ chức các buổi hội thảo quy mô...

Bên cạnh đó, các hình thức du lịch tại chỗ/ staycation, du lịch xanh, du lịch chữa lành cũng đang dần phổ biến hơn đối với thị trường du lịch nội địa. Sự đa dạng này cho phép những người đam mê dịch chuyển vẫn có thể thỏa sức khám phá sau thời gian dài ngành du lịch bị đóng băng. Với tinh thần lạc quan, cởi mở và ý thức bảo vệ sức khoẻ của du khách, ngành du lịch Việt Nam sẽ sớm ổn định theo chiều hướng tích cực và bền vững.

Các khách sạn lạc quan, thận trọng và đổi mới

Ngành khách sạn và du lịch đã phải đối mặt với cuộc khủng hoảng kéo dài suốt 2 năm. Do đó, đây là thời điểm thích hợp để ngành này bắt đầu khôi phục và vận hành lại các hoạt động kinh doanh. Với khả năng thích ứng cao trong các khâu bảo vệ sức khoẻ và an toàn của khách lưu trú, khách sạn tại Việt Nam đang từng bước kích hoạt lại thị trường du lịch trong nước.

Một số khách sạn đã ứng biến linh hoạt bằng cách đưa ứng dụng công nghệ vào hệ thống quản lý khách sạn bao gồm các dịch vụ không chạm, thanh toán trực tuyến, nhận - trả phòng qua ứng dụng nhằm hạn chế tiếp xúc một cách tối đa. Ngoài ra, các khách sạn cũng duy trì việc kiểm tra thân nhiệt, yêu cầu khách khai báo y tế trước khi nhận phòng, cung cấp dung dịch khử khuẩn, giới hạn khách trong những không gian chung như nhà hàng, hồ bơi, quầy bar. Một số các thương hiệu khách sạn quốc tế còn tăng thêm các dịch vụ ăn uống tại phòng cho khách lưu trú, nhằm đảm bảo an toàn cho suốt chuyến đi.

Thiên Di