Trung Quốc không thể sản xuất được các chip tiên tiến mà quân đội Nga cần

Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 22:03, 25/02/2022

Các nhà phân tích cho biết, các hạn chế sâu rộng áp đặt với Nga nhằm ngăn chặn khả năng tiếp cận hàng hóa xuất khẩu toàn cầu từ chip đến máy tính và thiết bị điện tử có thể thúc đẩy Trung Quốc tự lực trong ngành bán dẫn.

Sau khi Nga tấn công Ukraine hôm 24.2, Mỹ đã công bố các hạn chế xuất khẩu sẽ buộc các công ty sản xuất các mặt hàng công nghệ cao và thấp ở nước ngoài bằng các dụng cụ của Mỹ phải xin giấy phép từ chính quyền Biden trước khi vận chuyển sang Nga.

Mỹ cũng hạn chế xuất khẩu sang Nga một loạt các sản phẩm do nước này sản xuất.

Giống như Nga, Trung Quốc thiếu năng lực sản xuất chip tiên tiến nhưng một trong những mục tiêu chính sách dài hạn hàng đầu của nước đông dân nhất thế giới là thiết lập sự độc lập và tự chủ trong ngành công nghiệp bán dẫn.

Tầm quan trọng của việc tự cung tự cấp như vậy trở nên rõ ràng khi mảng kinh doanh smartphone của Huawei sụp đổ sau các lệnh trừng phạt do Mỹ áp đặt vào năm 2019, cắt phần lớn nguồn cung chip ở nước ngoài và ngăn công ty Trung Quốc xây dựng chip của riêng mình.

Một nhà tư vấn chip ở Trung Quốc, người yêu cầu giấu tên do tính nhạy cảm của chủ đề, cho biết nước này có thể sẽ "theo dõi và học hỏi" từ các lệnh trừng phạt cũng như tác động của chúng với Nga.

"Người Nga có một ngành công nghiệp chip thất bại và phụ thuộc vào chất bán dẫn toàn cầu. Vì vậy, nếu có vấn đề công nghệ xuất hiện trong quá trình 'phi xâm lược' từ các lệnh trừng phạt, điều đó càng củng cố mong muốn sở hữu công nghệ cho riêng mình của Trung Quốc", người này nói.

Mỹ tiếp tục cản trở kế hoạch giành ưu thế công nghệ của Trung Quốc bằng cách mở rộng các biện pháp trừng phạt nhắm vào nhà sản xuất chip hàng đầu nước này là SMIC (Semiconductor Manufacturing International Corp) hồi năm 2020.

SMIC đã buộc phải từ bỏ kế hoạch sản xuất một số loại chip tiên tiến khi Mỹ thu hồi giấy phép xuất khẩu cho ASML Holding NV (nhà sản xuất máy in thạch bản lớn nhất thế giới có trụ sở ở Hà Lan).

SMIC cũng phụ thuộc nhiều vào thiết bị từ các nhà cung cấp của Mỹ.

trung-quoc-khong-the-san-xuat-duoc-mot-so-chip-tien-tien-ma-quan-doi-nga-can1.jpg
SMIC từng lao đao vì dính đòn trừng phạt của Mỹ

Trong hơn 10 năm qua, Trung Quốc, nước nhập khẩu chip lớn nhất thế giới, đã rót vốn vào các dự án bán dẫn như một phần của sáng kiến ​​"Sản xuất tại Trung Quốc 2025", nhằm kêu gọi 70% khả năng tự cung cấp các thành phần cốt lõi cho các công nghệ quan trọng của thập kỷ.

Ngành công nghiệp chip của Trung Quốc đang phát triển nhanh chóng, nhờ vào nguồn vốn đầu tư mạo hiểm và các khuyến khích chính trị. Thế nhưng, thị phần xuất khẩu chip toàn cầu của Trung Quốc vẫn ở mức thấp. Các nhà sản xuất chip uy tín của nước này chiếm khoảng 16% thị phần toàn cầu, theo Hiệp hội Công nghiệp Bán dẫn.

Điều đó cũng hạn chế mức độ mà Trung Quốc có thể làm để hỗ trợ một nước Nga bị trừng phạt nặng nề.

Một quan chức cấp cao của chính quyền Mỹ cho biết: “Một mình Trung Quốc không thể cung cấp tất cả các nhu cầu thiết yếu cho quân đội Nga. Trung Quốc không có bất kỳ sản xuất nào của các nút công nghệ tiên tiến nhất. Cả Nga, Trung Quốc đều phụ thuộc vào các nước cung cấp khác và tất nhiên là cả công nghệ của Mỹ để đáp ứng nhu cầu của họ".

Theo số liệu của công ty Comtrade, Trung Quốc đã xuất khẩu hàng điện tử trị giá khoảng 10 tỉ USD sang Nga vào năm 2020, chiếm khoảng 20% ​​tổng kim ngạch xuất khẩu của nước này.

Các lô hàng smartphone chiếm một phần lớn trong số đó vì các thương hiệu Trung Quốc như Xiaomi và Realme là những sản phẩm bán chạy nhất ở Nga.

Doug Fuller, người nghiên cứu chính sách công nghệ của Trung Quốc tại Đại học Thành phố Hồng Kông, cho biết: “Mức tiêu thụ chip của Nga không lớn và hơn một nửa có lẽ là từ Trung Quốc. Trung Quốc có thể thu về thêm 200 triệu USD kim ngạch xuất khẩu nếu các chip từ nơi khác bị cắt hoàn toàn. Thế nhưng, một số chip mà Nga cần thì Trung Quốc vẫn không thể sản xuất được".

Mỹ hạn chế xuất khẩu công nghệ mới nào sang Nga?

Các công ty Mỹ hiện phải có giấy phép để bán máy tính, cảm biến, laser, công cụ điều hướng và thiết bị viễn thông, hàng không, hàng hải. Mỹ sẽ từ chối gần như tất cả yêu cầu xuất khẩu sang Nga.

Các quy tắc mới cũng buộc các công ty sản xuất sản phẩm công nghệ ở nước ngoài bằng các công cụ của Mỹ phải xin giấy phép của chính quyền Biden trước khi vận chuyển đến Nga.

Một hạn chế tương tự lần đầu tiên được áp dụng trong những năm gần đây với các công ty giao hàng cho gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc - Huawei, đã mang lại hiệu quả to lớn.

Nga sẽ bị ảnh hưởng như thế nào?

Emily Kilcrease, thành viên cấp cao tại Center for a New American Security là cựu phó trợ lý Đại diện Thương mại Mỹ, cho biết các hạn chế sẽ đóng băng công nghệ của Nga ở vị trí hiện nay.

"Bạn sẽ không thể đưa công nghệ mới vào nước này", cô nói.

William Reinsch, chuyên gia thương mại tại Center for Strategic and International Studies và là một cựu quan chức xuất khẩu của Bộ Thương mại, cho biết: "Cuối cùng họ sẽ bị tổn thương, nhưng có thể không trong nhiều tháng. Đó không phải là một đòn tấn công ngay lập tức".

Các biện pháp kiềm chế và trừng phạt không toàn diện như các hành động thương mại của Mỹ với Iran và Triều Tiên, nhưng có thể gây ra hậu quả lớn hơn trên toàn cầu vì Nga gắn bó hơn với nền kinh tế thế giới.

Sơn Vân