SWIFT là Nút ấn nguyên tử mà Nga đang lo ngại Mỹ kích hoạt nhưng Mỹ lại từ chối dùng

Quốc tế - Ngày đăng : 07:40, 26/02/2022

Việc Nga can thiệp quân sự ở Ukraine làm dấy lên luồng dư luận kêu gọi Mỹ và các đồng minh phương Tây kích hoạt nút ấn nguyên tử SWIFT để trừng phạt Nga.

Nút ấn nguyên tử là thuật ngữ để nói về động thái cuối cùng, mức trừng phạt cao nhất được áp dụng và không còn hình thức trừng phạt nào cao hơn. Trong trường hợp này, cắt Nga khỏi hệ thống SWIFT là một nút ấn nguyên tử.

SWIFT là tên viết tắt của Hiệp hội Viễn thông Tài chính Liên ngân hàng Toàn cầu (Society for Worldwide Interbank Financial Telecommunication) đặt trụ sở tại Bỉ. SWIFT được hàng chục tổ chức tài chính sử dụng để gửi tin nhắn và lệnh thanh toán một cách an toàn tuyệt đối.

Tiêu chuẩn hóa cao khiến SWIFT trở thành hệ thống giao dịch có độ tin cậy, cho phép các ngân hàng xử lý giao dịch khối lượng lớn trong thời gian ngắn. SWIFT đã trở thành xương sống của hệ thống tài chính toàn cầu.

Mỗi năm, có hàng nghìn tỉ USD được chuyển qua hệ thống này. Dù vẫn có một số lựa chọn thay thế khác, như cách Nga và Trung Quốc thanh toán qua hoán đổi tiền tệ, nhưng SWIFT là hệ thống được sử dụng phổ biến nhất trên thế giới. 

Trong trường hợp Nga bị ngắt kết nối khỏi SWIFT, các ngân hàng của họ sẽ gặp khó khăn lớn trong tiếp cận các thị trường tài chính toàn cầu. Hiện có khoảng 300 ngân hàng, định chế tài chính của Nga sử dụng nghiệp vụ thanh toán, chuyển tiền liên ngân hàng qua hệ thống SWIFT. Ước tính trừng phạt SWIFT khiến Nga bị loại khỏi phần lớn các giao dịch tài chính quốc tế, trong đó có lợi nhuận thu được từ xuất khẩu dầu mỏ, khí đốt, vốn đem lại 40% tổng thu ngân sách của Nga.

Năm 2019, một số ngân hàng của Iran đã bị ngắt khỏi hệ thống này dưới lệnh của chính quyền Donald Trump. Trước đó, Iran cũng từng bị “đóng băng” khỏi SWIFT trong giai đoạn 2012-2016. Lệnh trừng phạt này khiến Iran đã mất gần 50% doanh thu xuất khẩu dầu và 30% giá trị trao đổi ngoại thương.

Chính quyền Ukraine đã nhiều lần đề với Mỹ và phương Tây là ngắt Nga khỏi SWIFT. Tuy nhiên, nếu làm việc này thì kinh tế châu Âu cũng gánh thiệt hại. Vì lẽ đó lãnh đạo nhiều nước châu Âu không ủng hộ áp đặt biện pháp này.

Chẳng hạn đầu tàu kinh tế châu Âu là Đức không muốn điều này xảy ra. Bộ trưởng Tài chính Đức Christian Lindner thừa nhận chặn Nga tiếp cận SWIFT sẽ đẩy Đức đứng trước nguy cơ cao không nhận được khí đốt và nguyên liệu thô từ Nga. Các nước EU khác như Italy, Hungary, Cyprus và kể cả Latvia luôn cứng rắn với Nga cũng vậy.

Ngoài ra, biện pháp này cũng khiến các chủ nợ khó khăn hơn trong việc thu lại tiền. Cùng với Đức thì Mỹ là nước chịu nhiều thiệt hại nhất nếu Nga bị ngắt kết nối, bởi vì ngân hàng của Mỹ thường xuyên sử dụng SWIFT  để kết nối, giao dịch với các ngân hàng Nga.

Vì thế, Mỹ và các đồng minh châu Âu đã lựa chọn hướng trừng phạt khác nhằm vào các ngân hàng, thiết chế tài chính của Nga chứ không dám ấn ngay nút ấn nguyên tử. Tổng thống Mỹ Joe Biden thừa nhận các biện pháp trừng phạt Nga sẽ không bao gồm việc loại Nga khỏi hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT. Ông nêu: “Đây luôn là một lựa chọn, nhưng ở thời điểm này đó chưa phải là quan điểm thống nhất của EU”.

Để xoa dịu Ukraine và thể hiện thái độ cứng rắng với Nga, Tổng thống Mỹ Joe Biden hôm 24.2 tuyên bố áp trừng phạt đối với 5 ngân hàng lớn của Nga, trong đó có hai ngân hàng lớn nhất là Sberbank và VTB, chặn các ngân hàng này trong các giao dịch bằng đồng USD. Bộ Tài chính Mỹ cho biết mỗi ngày, các định chế tài chính Nga thực hiện khoảng 46 tỉ USD giao dịch ngoại hối, trong đó 80% bằng USD và phần lớn giao dịch đó sẽ bị cắt đứt theo trừng phạt mới. 

A.T