Mỹ, EU, Anh, Canada trừng phạt Tổng thống Putin
Chuyển động - Ngày đăng : 09:01, 26/02/2022
Anh, Canada, Liên minh châu Âu (EU) cũng ban hành trừng phạt tương tự. Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki cho biết biện pháp này đã được cân nhắc từ lâu và chỉ được quyết định sau khi đã tham vấn các đồng minh châu Âu.
Trừng phạt trực tiếp Tổng thống Putin đánh dấu bước leo thang nguy hiểm nhất trong nỗ lực đáp trả Nga vì tấn công quân sự Ukraine. Hai vòng trừng phạt trước đó đã đưa nhiều quan chức và nhân vật thân cận của Tổng thống Putin vào danh sách đen.
Chưa rõ mức độ ảnh hưởng của trừng phạt đến tình hình tài chính của Tổng thống Putin ra sao. Bà Psaki cho biết trừng phạt cũng bao gồm cả hạn chế đi lại.
Bình luận về trừng phạt mới nhất, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen tuyên bố: “Chúng tôi đồng lòng với đồng minh và đối tác quốc tế về việc đảm bảo Nga phải trả cái giá nặng nề về kinh tế và ngoại giao khi nước này tấn công Ukraine. Nếu cần thiết chúng tôi sẵn sàng cho Nga chịu tổn thất nhiều hơn vì hành vi của nước này trên trường quốc tế".
Hiện phương Tây vẫn còn một biện pháp trừng phạt cứng rắn nhất: loại Nga khỏi Hiệp hội viễn thông liên ngân hàng và tài chính quốc tế (SWIFT).
SWIFT ra đời năm 1973, đến nay đã liên kết hơn 9.000 tổ chức quốc tế ở 209 quốc gia/vùng lãnh thổ. Thành viên SWFT có thể dễ dàng chuyển tiền và thông tin cho nhau.
Không còn là thành viên SWIFT sẽ khiến Nga bị cắt đứt khỏi hầu hết giao dịch quốc tế, mất lợi nhuận khổng lồ thu từ sản xuất dầu mỏ và khí đốt.
Mỹ cùng đồng minh từng cân nhắc phương án này vào năm 2014 khi Nga sáp nhập Crimea. Lúc đó Moscow tuyên bố hành động như vậy tương đương một lời tuyên chiến, phía phương Tây cuối cùng quyết định không thực hiện.
Hiện tại, Ukraine cùng nhiều nước châu Âu đang gây sức ép đề nghị Mỹ áp đặt trừng phạt này.