Phương Tây loại Nga khỏi SWIFT, một số nước hỗ trợ quân sự cho Ukraine

Quốc tế - Ngày đăng : 07:45, 27/02/2022

Mỹ, Canada và nhiều quốc gia châu Âu thông báo đồng ý loại Nga ra khỏi hệ thống thanh toán toàn cầu SWIFT. Ngoài ra, một số nước đã cam kết hỗ trợ quân sự cho Ukraine nhằm đối phó với chiến dịch tấn công của Nga.
bieu-tinh2.jpg

Phương Tây loại một số ngân hàng Nga khỏi SWIFT

Một phát ngôn viên chính phủ Đức ngày 26.2 thông báo nước này và các đồng minh phương Tây đồng ý loại Nga ra khỏi hệ thống thanh toán toàn cầu SWIFT. Biện pháp trừng phạt mới, với sự nhất trí của Mỹ, Pháp, Canada, Ý, Anh và Ủy ban châu Âu, cũng bao gồm việc hạn chế khả năng hỗ trợ đồng rúp của Ngân hàng Trung ương Nga.

Tuyên bố chung hôm 26.2 chỉ đưa ra một số chi tiết về thời điểm áp dụng biện pháp này và những ngân hàng Nga bị loại bỏ khỏi SWIFT. Người phát ngôn Chính phủ Đức khẳng định các nước phương Tây nhấn mạnh sẵn sàng thực hiện thêm các biện pháp trừng phạt nếu Nga không dừng hành động quân sự ở Ukraine để từ đó vãn hồi trật tự hòa bình châu Âu.

“Chúng tôi cam kết đảm bảo rằng những ngân hàng cụ thể từ Nga sẽ bị xóa khỏi hệ thống SWIFT. Các ngân hàng đó bị ngắt kết nối với hệ thống tài chính quốc tế và ảnh hưởng đến khả năng hoạt động của họ trên toàn cầu”, tuyên bố nêu.

bieu-tinh1.jpeg
Người biểu tình ủng hộ Ukraine giơ biểu ngữ đòi loại Nga khỏi SWIFT - Ảnh: AFP

Cùng ngày, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen cho biết sẽ đề xuất loại một số ngân hàng Nga khỏi hệ thống thanh toán toàn cầu SWIFT, đóng băng các giao dịch của Ngân hàng Trung ương Nga và cấm cơ quan này thanh lý tài sản.

Bà cũng thông báo Liên minh châu Âu (EU), Mỹ cùng Canada sẽ thành lập “tổ công tác đặc biệt xuyên Đại Tây Dương” để xác định tài sản của các tài phiệt Nga và người thân, đảm bảo họ không thể tiếp cận được chúng.

Hiện nay, hơn 11.000 tổ chức tài chính tại 200 quốc gia đang sử dụng hệ thống của SWIFT, biến nó trở thành xương sống của hệ thống chuyển giao tài chính quốc tế.

Nhiều nước phương Tây đã lên tiếng đề nghị loại Nga khỏi SWIFT sau khi nước này phát động chiến dịch quân sự nhằm vào Ukraine hôm 24.2. Ý tưởng loại Nga khỏi SWIFT từng được đưa ra sau khi Moscow sáp nhập Crimea năm 2014, nhưng không trở thành hiện thực.

Theo Hiệp hội quốc gia Rosswift, Nga là quốc gia lớn thứ hai sau Mỹ về số lượng người dùng, với khoảng 300 tổ chức tài chính Nga thuộc hệ thống này. Hơn một nửa các tổ chức tài chính của Nga là thành viên của SWIFT.

np_file_143663.jpeg
Ý tưởng loại Nga khỏi SWIFT từng được đưa ra sau khi Moscow sáp nhập Crimea năm 2014

Các nước hỗ trợ quân sự cho Ukraine

Đức đã quyết định cung cấp cho Ukraine 1.000 vũ khí chống tăng và 500 tên lửa đất đối không Stinger vác vai, nhằm giúp nước này chống lại động thái quân sự của Nga ở Ukraine. “Nhiệm vụ của chúng tôi là cố gắng hết sức để giúp Ukraine phòng thủ trước đội quân của Nga”, Thủ tướng Đức Olaf Scholz tuyên bố.

vien-tro.jpeg
Ukraine trong nhiều tuần đã kêu gọi Đức viện trợ vũ khí - Ảnh: AP

Trong khi đó, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron thông báo nước này sẽ chuyển thêm nhiên liệu và thiết bị quân sự cho Ukraine trong lúc Nga triển khai chiến dịch quân sự tại đây. Pháp chưa công bố chi tiết loại thiết bị quân sự sẽ được chuyển cho Ukraine.

Ngày 26.2, Bộ Quốc phòng Cộng hòa Czech thông báo nước này sẽ gửi cho Ukraine khoản viện trợ vũ khí, đạn dược trị giá 8,57 triệu USD. Số vũ khí được viện trợ bao gồm súng máy, súng trường và các loại vũ khí hạng nhẹ khác, sẽ được phía Czech chuyển đến một địa điểm do Ukraine chọn.

Slovakia sẽ gửi đạn pháo và nhiên liệu trị giá 12,39 triệu USD cho Ukraine, Bộ trưởng Quốc phòng Jaroslav Nad thông báo. Lô hàng gồm 12.000 viên đạn pháo cỡ nòng 120 mm, 10 triệu lít nhiên liệu diesel và 2,4 triệu lít nhiên liệu máy bay.

ten-lua3.jpg
Stinger đã tham gia thực chiến trong các cuộc xung đột lớn và nhiều xung đột khu vực

Tương tự, chính phủ Hà Lan thông báo trong thư gửi cho quốc hội là sẽ cung cấp 200 quả tên lửa phòng không cho Ukraine càng sớm càng tốt. Số tên lửa trên được bổ sung cùng với các khí tài khác mà Hà Lan đã hứa hồi đầu tháng, gồm súng trường, đạn dược, hệ thống radar và robot dò mìn.

Trước đó, Tổng thống Mỹ Joe Biden đề nghị Ngoại trưởng Antony Blinken hoàn tất các thủ tục pháp lý để thông qua gói hỗ trợ với tổng trị giá 600 triệu USD cho Ukraine, bao gồm một khoản viện trợ trị giá 250 triệu USD cho Ukraine và 350 triệu USD cho dịch vụ, thiết bị quốc phòng từ Bộ Quốc phòng Mỹ và huấn luyện quân sự.

L.H