Nhiều nơi lưu giữ thi thể ở Hồng Kồng vật lộn sau ngày chết chóc nhất đại dịch COVID-19
Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 15:05, 28/02/2022
Việc này làm lu mờ nỗ lực của các nhà chức trách đang cố kiểm soát đợt bùng phát dịch Omicron ngày càng sâu rộng.
Ông Tony Ling, người đứng đầu Hiệp hội Bác sĩ cộng đồng của Hồng Kông, cho biết hàng chục thi thể đang chờ đợi trong bệnh viện và các phòng cấp cứu trên khắp thành phố để được vận chuyển đến nhà xác.
Ông Tony Ling nói: “Những thi thể này hiện cần thêm thời gian để chờ chở đi vì nguồn lực rất eo hẹp do thiếu nhân lực và khả năng lưu trữ”.
Đã có 659 ca tử vong do COVID-19 ở Hồng Kông kể từ khi bắt đầu đại dịch vào năm 2020, ít hơn ở các thành phố lớn tương tự khác. Tuy nhiên, con số đang tăng lên hàng ngày với kỷ lục 83 người chết do COVID-19 hôm 27.2. Khoảng 300 trường hợp tử vong do COVID-19 đã được ghi nhận trong tuần qua, với phần lớn cư dân chưa được tiêm vắc xin.
Hồng Kông có một tỷ lệ lớn người cao tuổi chưa tiêm vắc xin mặc dù gần đây đã có sự gia tăng trong tiêm chủng. Nhiều người do dự không tiêm vắc xin vì lo sợ tác dụng phụ và tự mãn do thành công của Hồng Kông trong việc kiểm soát vi rút SARS-CoV-2 vào năm 2021.
Các chuyên gia y tế cho biết Hồng Kông, thành phố với 7,4 triệu cư dân, có thể chứng kiến số ca tử vong tích lũy do COVID-19 tăng lên khoảng 3.206 người vào giữa tháng 5.2022.
Theo số liệu của chính quyền năm 2020, trung bình có khoảng 4.000 người chết mỗi tháng ở Hồng Kông vì đủ lý do.
Hồng Kông đã kiên định với chính sách Zero COVID nhằm tìm cách kiềm chế tất cả đợt bùng phát dịch, giống như ở Trung Quốc đại lục. Để đạt được điều này, thuộc địa cũ của Anh đã tung ra các biện pháp hà khắc nhất kể từ khi đại dịch bắt đầu, bổ sung vào các quy tắc vốn đã được coi là khắc nghiệt nhất thế giới.
Đến nay Hồng Kông đã ghi nhận tổng cộng hơn 171.000 ca mắc COVID-19, với khoảng 160.000 ca trong số đó là kể từ đầu tháng 2.2022 do biến thể Omicron có khả năng lây truyền cao gây ra.
Những ngày gần đây, chính quyền đã thông báo với công chúng trong các cuộc họp báo rằng những người tử vong do COVID-19 chủ yếu chưa được tiêm vắc xin. Trước đây, thông tin đó không được đưa ra một cách dễ dàng.
Trưởng đặc khu hành chính Hồng Kông – Lâm Trịnh Nguyệt Nga cho biết các chuyên gia Trung Quốc đại lục đã đề nghị với chính quyền bà để họ giải thích "rõ ràng hơn về tình trạng lâm sàng của các trường hợp tử vong cho công chúng và tăng cường tiêm vắc xin ở người cao tuổi".
Các quan chức Trung Quốc đã vào cuộc để tăng cường nỗ lực của Hồng Kông trong việc chống lại sự bùng phát dịch sau khi Chủ tịch Tập Cận Bình nói với chính quyền thành phố rằng "nhiệm vụ quan trọng" của họ là kiểm soát đợt bùng phát COVID-19 ngày càng trầm trọng.
Sau lời kêu gọi của ông Tập Cận Bình, Hồng Kông đã tăng cường các biện pháp chống COVID-19, gồm cả kế hoạch xét nghiệm hàng loạt bằng thiết bị, phương tiện và nhân viên từ Trung Quốc
Theo một số cố vấn của chính phủ Trung Quốc, Bắc Kinh lo sợ rằng, nếu không dập được dịch và ngăn chặn nhiều người khỏi đau khổ thì Hồng Kông có thể trở lại tình trạng bất ổn của năm 2019 khi các cuộc biểu tình gây ra cuộc khủng hoảng lớn cho đặc khu.
Lau Siu-kai, Phó giám đốc Hiệp hội Nghiên cứu Hồng Kông và Ma Cao, nhà nghiên cứu hàng đầu trực thuộc Văn phòng Các vấn đề Hồng Kông và Ma Cao của Trung Quốc, cho biết thêm: “Nếu dịch tràn từ Hồng Kông vào đại lục, đặc biệt là Quảng Đông, thì nó sẽ trở thành vấn đề an ninh quốc gia với chính quyền trung ương”.
Khi cuộc khủng hoảng COVID-19 gia tăng, các quan chức Trung Quốc sống tại Hồng Kông, bao gồm cả người đứng đầu Văn phòng Liên lạc của Trung Quốc, Luo Huining, đã kêu gọi các tài phiệt Hồng Kông hỗ trợ tài chính và hậu cần. Trong khi các đội trên đất liền đang gấp rút xây dựng một trung tâm cách ly tạm thời 10.000 giường trên một hòn đảo xa xôi.
Kể từ khi COVID-19 xuất hiện vào cuối năm 2019 ở thành phố Vũ Hán, Trung Quốc đã ngăn chặn sự bùng phát dịch bằng nhiều biện pháp gồm cả giữ cho biên giới của họ gần như đóng cửa, một nỗ lực đang gây ra chi phí kinh tế tăng cao và có thể khó duy trì hơn khi xuất hiện nhiều biến thể lây truyền nhanh như Omicron.
Những phương pháp đó khó thực hiện hơn ở Hồng Kông, trung tâm tài chính quốc tế nổi tiếng với những khu sinh hoạt chật chội trong các tòa nhà cao tầng.
Theo một số nhà quan sát, các ưu tiên quốc gia của Trung Quốc trước sự bùng phát COVID-19 ở Hong Kong đã khiến chính quyền thành phố không còn nhiều cơ hội để tìm con đường thoát khỏi đại dịch, cản trở vai trò của Hồng Kông như một trung tâm tài chính quốc tế và cởi mở.
Ngay cả khi một số chuyên gia địa phương thúc giục một con đường cách ly tại nhà vừa phải hơn cho những người mắc COVID-19, bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga vẫn khẳng định thành phố phải tuân thủ chính sách Zero COVID. Đồng thời, tại cuộc họp báo hôm 22.2, bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga liên tục ca ngợi sự hậu thuẫn và các chính sách của Trung Quốc trong cuộc chiến với COVID-19.