Vì sao Trung Quốc kiên trì phát triển vắc xin COVID-19 mRNA, không phê duyệt Pfizer hay Moderna?

Nhịp đập khoa học - Ngày đăng : 20:50, 28/02/2022

Trung Quốc đã dành hơn 1 năm phát triển vắc xin COVID-19 công nghệ mRNA để cố gắng thoát khỏi các hạn chế nghiêm ngặt liên quan chính sách Zero COVID.

Thế nhưng, thị trường đã thay đổi và biến thể Omicron làm mờ mịt triển vọng đó trước khi dữ liệu về hiệu quả vắc xin mRNA được công bố.

Các chuyên gia cho biết Trung Quốc khó có khả năng tham gia cùng đa số các quốc gia phê duyệt vắc xin công nghệ mRNA do Mỹ sản xuất trước khi tự tạo ra nó.

"Nếu sử dụng vắc xin mRNA, Trung Quốc sẽ tự sản xuất thay vì lấy từ bên ngoài. Đó là vấn đề tự hào quốc gia và cũng là ngoại giao vắc xin", theo Jaya Dantas, giáo sư y tế quốc tế tại Trường Sức khỏe Dân số Curtis (Úc).

Khoảng 87% trong số 1,4 tỉ người Trung Quốc được tiêm 2 liều vắc xin COVID-19 và gần 40% đã nhận mũi tăng cường - tất cả đều không phải là vắc xin mRNA. Cùng với chính sách dập mọi ổ dịch tại địa phương, Trung Quốc đã cố gắng ngăn chặn bất cứu đợt bùng phát COVID-19 lớn nào. Tuy nhiên, hiệu quả của các loại vắc xin Trung Quốc chống lại Omicron là không rõ ràng.

Một nghiên cứu ở Hồng Kông cho thấy tiêm mũi thứ ba CoronaVac (vắc xin COVID-19 do Sinovac sản xuất) khoảng 2 đến 5 tháng sau liều thứ hai không tạo ra đáp ứng kháng thể trung hòa với Omicron ở hầu hết người nhận.

Đáp ứng kháng thể từ mũi vắc xin CoronaVac tăng cường chống lại Delta cũng yếu hơn so vắc xin CanSinoBIO trong một thử nghiệm lâm sàng.

Được thử nghiệm chống lại Omicron trong một nghiên cứu ở Trung Quốc, mũi vắc xin BBIBP-CorV thứ ba (do Sinopharm sản xuất) tạo ra mức độ kháng thể thấp hơn so với mũi vắc xin tăng cường của Chongqing Zhifei Biological Products ở những người đã nhận hai liều BBIBP-CorV trước đó.

Các sản phẩm của Sinopharm và Sinovac được phê duyệt ở Trung Quốc là vắc xin bất hoạt có chứa vi rút SARS-CoV-2 bị chết.

Vắc xin Chongqing Zhifei Biological Products chứa các phần của protein SARS-CoV-2.

Trong khi vắc xin CanSinoBIO sử dụng một loại vi rút cảm lạnh đã được biến đổi ở người để vận chuyển vật chất di truyền từ protein SARS-CoV-2.

Hôm 19.2 vừa qua, Trung Quốc thông báo cho phép tiêm mũi vắc xin thứ 3 khác công nghệ với 2 liều ban đầu.

Động thái này diễn ra với nỗ lực cải thiện chiến lược tiêm chủng trong bối cảnh lo ngại rằng vắc xin được sử dụng nhiều nhất của họ dường như không hiệu quả với các biến thể như Omicron.

Các thử nghiệm trên người với Omicron cho thấy vắc xin mRNA của Pfizer-BioNTech và Moderna ngăn ngừa tốt hơn các trường hợp nhiễm có triệu chứng so với các vắc xin không phải mRNA được Trung Quốc sử dụng nhiều nhất từ hãng Sinovac và Sinopharm. Thế nhưng, các nghiên cứu chỉ ra rằng cần tiêm mũi thứ ba của Pfizer-BioNTech và Moderna để tăng khả năng bảo vệ trước Omicron.

Trung Quốc đã không phê duyệt sử dụng vắc xin Pfizer-BioNTech, Moderna hoặc bất cứ sản phẩm từ nước ngoài nào khác, mà dựa vào vắc xin sản xuất trong nước.

Michael Hirson, nhà phân tích Trung Quốc cấp cao tại công ty Eurasia Group (Mỹ), cho biết: "Vì những gì có vẻ là lý do chính trị, các nhà chức trách Trung Quốc  đến nay vẫn khăng khăng sử dụng các giải pháp thay thế được phát triển trong nước và điều đó đã yêu cầu họ phải dựa nhiều hơn nữa vào cách tiếp cận nghiêm ngặt về phong tỏa, cách ly với Zero COVID. Tôi nghĩ rằng một cách tiếp cận cởi mở hơn với vắc xin sẽ mang đến sự linh hoạt hơn về cách họ tiến hành ngăn chặn COVID-19 với ít tác động gây rối loạn nền kinh tế hơn”.

Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc đã không trả lời các câu hỏi về việc phê duyệt vắc xin mRNA của nước ngoài.

vi-sao-trung-quoc-kien-tri-phat-trien-vac-xin-covid-19-mrna.png
Vẫn chưa rõ khi nào vắc xin mRNA của Trung Quốc được phê duyệt - Ảnh: Internet

"Giống như một quá trình phóng tên lửa"

Các chuyên gia cho biết thành công trong công nghệ mRNA của riêng mình không chỉ mở rộng danh mục vắc xin COVID-19 ở Trung Quốc mà còn là sự phát triển cho các loại vắc xin sáng tạo hơn. Trung Quốc đã phê duyệt thử nghiệm trên người cho các ứng viên vắc xin mRNA của họ vào tháng 6.2020 và có một số thử nghiệm ở các giai đoạn phát triển khác nhau.

Chỉ vắc xin ARCoV, được đồng phát triển bởi Học viện Khoa học Quân y, Suzhou Abogen Biosciences và Walvax Biotechnology, đã bắt đầu thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 hoặc thử nghiệm quy mô lớn, trong đó các nhà khoa học nghiên cứu mức độ đủ tốt của vắc xin để giảm nguy cơ mắc COVID-19 và tử vong.

Một nghiên cứu trong phòng thí nghiệm cho thấy Omicron có thể làm suy yếu đáng kể hoạt động trung hòa của ARCoV hai liều, dù thử nghiệm trên động vật chỉ ra một liều tăng cường có thể tạo ra kháng thể chống lại biến thể này.

Omicron đe dọa làm phức tạp sự phát triển của vắc xin mRNA của Trung Quốc. Hơn nữa, vẫn chưa rõ liệu các nhà chức trách nước này có cho phép tiêm thêm liều nữa ở những người đã nhận một mũi vắc xin COVID-19 tăng cường không.

Nhà phân tích Zhao Bing của công ty China Renaissance Securities (Trung Quốc) cho biết: “Khi thị trường trong nước ngày càng thu hẹp, tất cả nhà sản xuất vắc xin COVID-19 của Trung Quốc cần phải mở rộng hoạt động kinh doanh của mình thông qua xuất khẩu”.

Một số ứng cử viên mRNA của Trung Quốc yêu cầu nhiệt độ bảo quản ít nghiêm ngặt hơn so với vắc xin từ các đối thủ nước ngoài, nhưng vẫn chưa thể hiện được lợi thế đáng kể về chi phí sản xuất, Zhao Bing nói.

Tuy nhiên, việc trải qua quá trình phát triển vắc xin COVID-19 công nghệ mRNA là rất quan trọng với ngành công nghiệp dược phẩm của Trung Quốc, bất kể vắc xin có được phê duyệt hay không. Lý do vì công nghệ mRNA có thể đẩy nhanh sự phát triển của các sản phẩm y tế mới để ngăn ngừa hoặc điều trị các bệnh truyền nhiễm và ung thư khác nhau.

Nhà phân tích Zhang Jialin của công ty Nomura (Nhật Bản) nói: “Bản thân nền tảng công nghệ dựa trên mRNA giống như một quá trình phóng tên lửa. Vắc xin COVID-19 thực sự là một vệ tinh được mang theo tên lửa, và nếu hệ thống kỹ thuật của tên lửa được xây dựng, các loại vệ tinh khác có thể mang theo được trong tương lai".

Sơn Vân