Đau dạ dày có phải là triệu chứng của COVID-19 không?
Thông tin Y học - Ngày đăng : 09:58, 01/03/2022
Các biến thể vi rút khác nhau có tác động đến con người khác nhau, nhưng nhìn chung hầu hết cơ quan trong cơ thể đều dễ bị tổn thương khi nhiễm bệnh. Một cơn đau dạ dày vài năm trước thường được xem như triệu chứng ngộ độc thực phẩm thì nay lại là triệu chứng COVID-19.
Tạp chí Forbes vào tháng 3.2020 - lúc đại dịch đang ở cao điểm - từng đăng tải một nghiên cứu xác định đau dạ dày và tiêu chảy có thể là dấu hiệu đầu tiên của mắc COVID-19.
“Phát hiện chính của nghiên cứu chính là những cá nhân mắc COVID-19 được chẩn đoán có triệu chứng về đường tiêu hóa có kết quả tồi tệ hơn và khả năng tử vong cao hơn người không nhiễm bệnh. Điều này cho thấy tầm quan trọng của việc đánh giá triệu chứng về đường tiêu hóa - buồn nôn, nôn mửa hoặc tiêu chảy - như dấu hiệu mắc COVID-19 trước khi xuất hiện triệu chứng hô hấp”, theo bài báo trên Forbes.
ZOE COVID Study (sáng kiến nghiên cứu COVID-19 nhận tài trợ từ chính phủ Anh) vào tháng 4.2021 cũng từng đăng nghiên cứu với nội dung: “Khó chịu ở vùng bụng liên quan đến COVID-19 là một cơn đau lan rộng ở vùng trung tâm dạ dày. Đau bụng xảy ra trong vài ngày đầu nhiễm bệnh và thường biến mất nhanh chóng trong vòng một hoặc hai ngày”.
Dù đây là triệu chứng không phổ biến, nhưng ZOE COVID Study khuyến cáo nếu đau dạ dày đi kèm tiêu chảy và khó thở thì nên xét nghiệm COVID-19.
Trang Times of India cuối năm 2020 đăng tải một nghiên cứu: “SARS-CoV-2 làm suy giảm hoạt động của enzym chuyển đổi angiotensin 2 (ACE2) và lây nhiễm vào biểu mô ruột bằng cách gây độc tế bào. Vi rút sau đó bị thải ra phân, gây nên triệu chứng tiêu hóa hoặc/và tải lượng vi rút SARS-CoV-2 dương tính hoặc RNA trong phân”.
Cũng theo nghiên cứu: “Quá trình giải phóng cytokine (protein đóng vai trò thông báo tế bào miễn dịch khác di chuyển đến vị trí nhiễm trùng thực hiện nhiệm vụ tiêu diệt mầm bệnh) có thể gây nên sự khó chịu ở đường tiêu hóa”.