Hiệu quả ngăn nhập viện của vắc xin Pfizer với nhóm 5-11 tuổi; hơn 5,2 triệu trẻ mồ côi vì COVID-19

Nhịp đập khoa học - Ngày đăng : 11:11, 01/03/2022

Hai liều vắc xin COVID-19 của Pfizer-BioNTech có tác dụng bảo vệ chống lại bệnh nặng ở trẻ em từ 5 đến 11 tuổi trong đợt bùng phát dịch Omicron gần đây, nhưng nhanh chóng mất hầu hết khả năng phòng ngừa nhiễm vi rút, theo một nghiên cứu của các nhà khoa học bang New York (Mỹ).

Theo nghiên cứu, hiệu quả của hai liều vắc xin Pfizer-BioNTech chống lại sự lây nhiễm SARS-CoV-2 ở những trẻ em 5-11 tuổi giảm xuống 12% vào cuối tháng 1.2022 từ 68% vào giữa tháng 12.2021, so với những đứa bé không được tiêm phòng COVID-19.

Với những người từ 12 đến 17 tuổi, khả năng bảo vệ ngăn nhiễm SARS-CoV-2 của hai liều vắc xin Pfizer-BioNTech đã giảm xuống 51% vào cuối tháng 1.2022 từ 66% vào giữa tháng 12.2021.

Các nhà nghiên cứu nói: “Những kết quả này cho thấy nhu cầu tiềm năng trong việc nghiên cứu liều lượng vắc xin thay thế cho trẻ em và tầm quan trọng liên tục của các biện pháp bảo vệ nhiều lớp, bao gồm cả đeo khẩu trang, để ngăn ngừa nhiễm SARS-CoV-2 và lây truyền”.

Dữ liệu cho thấy hai liều vắc xin này có hiệu quả khoảng 48% trong việc ngăn nhóm 5-11 tuổi nhập viện, so với 73% hiệu quả ở nhóm 12-17 tuổi vào tháng 1.2022. Điều đó đã giảm so với hiệu quả 100% và 85% ngăn nhập viện ở hai nhóm tuổi này tính đến giữa tháng 12.2021.

hieu-qua-ngan-nhap-vien-cua-vac-xin-pfizer-voi-lua-5-11-tuoi.jpg
Hai liều vắc xin Pfizer-BioNTech có tác dụng bảo vệ chống lại bệnh COVID-19 nặng ở trẻ em từ 5 đến 11 tuổi nhưng khả năng ngăn nhiễm vi rút giảm nhanh - Ảnh: Internet

Tiến sĩ Paul Offit, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm trẻ em tại Bệnh viện Nhi Philadelphia (Mỹ), đã đặt câu hỏi rằng liệu dữ liệu có đủ mạnh để nói rằng hiệu quả của vắc xin Pfizer-BioNTech giảm đáng kể, đặc biệt là với ngăn bệnh nặng hay không.

Paul Offit nói: “Không có gì ngạc nhiên khi khả năng bảo vệ chống lại nhiễm SARS-CoV-2 sẽ suy yếu. Chúng tôi biết rằng Omicron phần nào có khả năng tránh được miễn dịch. Mục tiêu của vắc xin là bảo vệ chống lại bệnh nặng để giữ trẻ em không phải đến bệnh viện".

Paul Offit cho biết số ca nhập viện quá ít để đưa ra bất kỳ kết luận thực sự nào và có rất ít thông tin về lý do tại sao những đứa trẻ phải nhập viện. Ông lưu ý rằng việc được bảo vệ sau lần nhiễm SARS-CoV-2 trước đó ở những người chưa tiêm vắc xin cũng có thể làm sai lệch các con số.

Ông nói: “Nhiễm trùng tự nhiên có thể bảo vệ khỏi bệnh nghiêm trọng”.

Trẻ 5-11 tuổi chỉ được tiêm vắc xin Pfizer-BioNTech liều lượng 10 microgram, bằng 1/3 so với lứa 12-17 tuổi. Lứa 12-17 tuổi được tiêm cùng liều 30 microgram như người lớn và đủ điều kiện để nhận mũi tăng cường.

Pfizer cho biết đang nghiên cứu lịch tiêm ba liều vắc xin ở trẻ em, lưu ý rằng các nghiên cứu ở người lớn cho thấy "những người được tiêm ba liều vắc xin COVID-19 có thể có mức độ bảo vệ cao hơn".

Tế bào T biến đổi không bị kìm hãm bởi chất ức chế miễn dịch

Các phát hiện sơ bộ cho thấy một kỹ thuật điều chỉnh tế bào T có thể giúp chống lại COVID-19 ở những bệnh nhân phải dùng thuốc ức chế hệ thống miễn dịch.

Ví dụ, bệnh nhân cấy ghép đặc biệt dễ bị tổn thương vì các loại thuốc để ngăn chặn sự đào thải của cơ quan mới. Các nhà nghiên cứu Đức đã phát hiện ra rằng các tế bào T của những người sống sót sau COVID-19, đã học cách nhận biết và tấn công vi rút SARS-CoV-2, có thể được biến đổi gen để làm cho chúng kháng tacrolimus, một loại thuốc ức chế miễn dịch được sử dụng rộng rãi để ngăn chặn sự đào thải sau khi cấy ghép.

Ở các thí nghiệm trong ống nghiệm, việc điều trị bằng tacrolimus không ức chế khả năng nhận biết và tấn công vi rút SARS-CoV-2 của các tế bào T đã biến đổi, theo một báo cáo được công bố trên Tạp chí Molecular Therapy: Method and Clinical Development.

Các nhà nghiên cứu đang lên kế hoạch cho một thử nghiệm, trong đó các tế bào T kháng tacrolimus sẽ được truyền vào cơ thể người tình nguyện.

Michael Schmuck-Henneresse thuộc Viện Y tế Berlin cho biết: “Với chiến lược này, các tế bào T có thể chiến đấu chống lại SARS-CoV-2 bất chấp tình trạng ức chế miễn dịch đang diễn ra ở bệnh nhân”.

Hơn 5,2 triệu trẻ em mất cha mẹ hoặc người chăm sóc vì COVID-19

Các nhà nghiên cứu cho biết hơn 5,2 triệu trẻ em trên toàn thế giới đã mất cha mẹ hoặc người chăm sóc vì COVID-19.

Họ ước tính dựa trên các mô hình toán học rằng từ ngày 1.3.2020 đến ngày 31.10.2021, ít nhất 3.367.000 trẻ em phải chịu cảnh mất cha mẹ do hậu quả của đại dịch COVID-19. Thêm 1.833.300 trẻ em mất ông bà hoặc người chăm sóc khác.

Các nhà nghiên cứu báo cáo thông tin này trên trang The Lancet Child & Adolescent Health.

Các nhà nghiên cứu lưu ý rằng những con số này cao gần gấp đôi so với ước tính mà họ đã báo cáo sau 14 tháng đầu tiên của đại dịch tính đến tháng 4.2021. Số trẻ em ở 20 quốc gia được nghiên cứu mất cha mẹ, dao động từ 2.400 trẻ em ở Đức đến hơn 1,9 triệu trẻ tại Ấn Độ.

Các tác giả ước tính tại Mỹ, 149.300 trẻ em mất cha hoặc mẹ. Ở Peru và Nam Phi, cứ 1.000 trẻ em thì có 8 và 7 trẻ em mất cha hoặc mẹ. Ở tất cả quốc gia, trẻ em mất cha nhiều hơn là mất mẹ.

"Dữ liệu cập nhật theo thời gian thực cho thấy tổng số trẻ em thực sự bị ảnh hưởng là 6,7 triệu tính đến tháng 1.2022. Đại dịch vẫn đang hoành hành trên toàn thế giới, điều đó có nghĩa là tình trạng mồ côi liên quan đến COVID-19 cũng sẽ tiếp tục gia tăng", theo trưởng nhóm nghiên cứu, Tiến sĩ Juliette Unwin của Đại học Hoàng gia London (Mỹ).

Sơn Vân