Nga bị loại khỏi SWIFT ảnh hưởng đến Việt Nam thế nào?
Kinh tế - đầu tư - dự án - Ngày đăng : 22:19, 01/03/2022
Giới chuyên gia kinh tế đánh giá việc Nga bị loại khỏi hệ thống Hiệp hội Viễn thông Tài chính Liên ngân hàng Toàn cầu (SWIFT) không chỉ làm ảnh hưởng đến thanh toán của quốc gia này mà còn ảnh hưởng đến nhiều nước khác, trong đó có Việt Nam. Tuy nhiên, mức độ ảnh hưởng như thế nào thì cần có đánh giá cụ thể.
Trên thực tế, nếu Nga bị loại khỏi SWIFT, các tổ chức tài chính trên thế giới hầu như không thể gửi tiền hoặc rút tiền khỏi nước này, gây cú sốc cực lớn cho các công ty Nga và khách hàng nước ngoài của họ, đặc biệt những bên mua dầu và khí đốt xuất khẩu của Nga bằng đồng đôla Mỹ. Hiện đang có 300 ngân hàng và tổ chức tài chính của Nga đang sử dụng SWIFT trong giao dịch.
Hiệp hội Viễn thông Tài chính Liên ngân hàng Toàn cầu (SWIFT) là một tổ chức độc lập có trụ sở tại Bỉ, là một hệ thống nhắn tin nội bộ giữa hơn 11.000 ngân hàng và tổ chức tài chính tại hơn 200 quốc gia.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Nga liên tục tăng những năm gần đây, nhất là sau khi Việt Nam và Liên minh Kinh tế Á - Âu (EAEU) ký Hiệp định thương mại tự do (FTA) vào năm 2015, và chính thức có hiệu lực từ ngày 5.10.2016. Vì vậy, nhiều mặt hàng nông sản của Việt Nam đã tăng trưởng mạnh mẽ tại Nga như: cà phê, hạt điều, hạt tiêu và thủy sản.
Năm 2020, xuất khẩu nông lâm, thủy sản từ Việt Nam sang Nga đạt 432 triệu USD. Năm 2021, con số này tăng lên khoảng 550 triệu USD (chiếm khoảng 1/10 tổng giá trị xuất khẩu Việt Nam sang Nga). Trong đó, xuất khẩu thủy sản khoảng 164 triệu USD, cà phê 173 triệu USD, rau quả 16,6 triệu USD, hạt điều 60 triệu USD, cao su 32 triệu USD; chè, hạt tiêu mỗi loại hơn 19 triệu USD; gỗ và các sản phẩm từ gỗ 7,7 triệu USD, gạo 1,5 triệu USD...
Một số doanh nghiệp xuất khẩu nông sản cho biết, trước mắt việc Nga bị loại ra khỏi hệ thống SWIFT sẽ không ảnh hưởng nhiều đến kim ngạch xuất khẩu nhưng sẽ tác động đến tâm lý và giao dịch thương mại khi làm ăn với thị trường này.
Ông Trương Đình Hòe - Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, hiện có khoảng 50 doanh nghiệp Việt Nam được cấp phép xuất khẩu thủy sản sang Nga. Có những doanh nghiệp đã giao hàng cho đối tác ở Nga nhưng chưa nhận được tiền và đang lo lắng về việc sẽ khó thu được tiền hàng khi Nga bị loại khỏi hệ thống SWIFT.
Ông Hòe cho biết thêm, việc đồng Rup mất giá cũng sẽ giảm khả năng nhập khẩu của thị trường này. Hiện, nhiều doanh nghiệp Việt Nam muốn thúc đẩy xuất khẩu sang Nga phải tính toán lại. Hiện nay, nỗi lo lớn nhất của ngành thủy sản trong cuộc khủng hoảng Nga - Ukraine là giá xăng dầu trên thế giới và tại Việt Nam đang tăng lên cao.
Theo Ngân hàng Nhà nước, các giao dịch thanh toán quốc tế tại Việt Nam hiện chủ yếu được xử lý bằng Dịch vụ chuyển tiền quốc tế qua hệ thống SWIFT và Dịch vụ chuyển tiền Western Union (WU) do các tổ chức tín dụng trong nước trực tiếp thỏa thuận, ký kết tham gia, hợp tác với các tổ chức quốc tế.
Giới chuyên gia kinh tế cho rằng, việc xử lý qua hệ thống SWIFT hiện là chủ yếu và chủ lực, bởi đây là hệ thống thanh toán toàn cầu hiện đại, nhanh chóng, độ bảo mật rất cao và chi phí thấp hơn các giao dịch thanh toán truyền thống khác.
Trong khi đó, Báo cáo của VNDIRECT RESEARCH vừa phát hành chiều 28.2 cho thấy, hiện giao thương giữa Việt Nam với Nga và Ukraine chỉ chiếm khoảng 0,9% tổng giá trị xuất nhập khẩu của Việt Nam và 2 nước trên cũng không phải là nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn tại Việt Nam. Song, căng thẳng giữa Nga - Ukraine có thể khiến áp lực lạm phát tại Việt Nam tăng lên khi giá dầu và khí đốt có thể neo ở mức cao.
Thương vụ Việt Nam tại Nga (Bộ Công Thương) cho biết, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Nga trong năm 2021 đạt 7,14 tỉ USD, tăng 25,9% so với năm 2020 và đứng thứ 21 trong số các đối tác thương mại chính của Nga. Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất của Nga trong khu vực ASEAN và là đối tác lớn thứ 5 trong các nền kinh tế APEC (sau Trung Quốc, Hoa Kỳ, Hàn Quốc và Nhật Bản).