Bé gái 11 tuổi bị máy cưa nước đá lóc hết cả da đầu
Sự kiện - Ngày đăng : 14:54, 09/07/2020
Chuyện hy hữu: Bé gái 10 tuổi đang ngồi học bất ngờ bị đột quỵ
2 bé gái nhỏ tuổi nhất được phẫu thuật nang ống mật chủ thành công
Chuyện hy hữu: Bé gái 13 tháng tuổi nuốt chửng chiếc kẹp tóc có 2 cạnh sắc, dài 5 cm
Cuộc mổ đặc biệt cứu bé gái thoát khỏi tắc thở, tử vong trong gang tấc
Ngày 9.7, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM) cho hay bệnh viện vừa tiếp nhận và điều trị một bé gái bị máy cưa nước đá lóc toàn bộ da đầu, có nơi lóc sâu lòi cả sọ đầu. Bệnh nhi trải qua 3 lần phẫu thuật, đặc biệt là phải phẫu thuật ghép da đầu bằng kỹ thuật vi phẫu. Đây là kỹ thuật hiện đại lần đầu áp dụng tại đây.
Th-BS Diệp Quế Trinh- Phó khoa Bỏng và tạo hình, Bệnh viện Nhi đồng 1 cho biết bé gái này 11 tuổi, quê ở Cà Mau. Sau giờ học, bé thường xuyên phụ gia đình cưa đá bi để bán cho các cơ sở nước giải khát. Trong một lần phụ cưa nước đá, mái tóc dài của bé chẳng may bị cuốn vào dây curoa máy cưa. Chiếc dây đã cuốn phăng mái tóc, lóc luôn cả da đầu, trong đó có nhiều nơi bị lóc lòi cả sọ đầu.
Bé gái được sơ cứu tại chỗ rồi chuyến đến bệnh viện địa phương, sau đó đưa đến Bệnh viện Chợ Rẫy trước khi chuyển đến Bệnh viện Nhi đồng 1.
Theo bác sĩ Trinh, khi đến bệnh viện, vết thương hở chiếm ½ diện tích da đầu của bé đã được cơ sở y tế tuyến dưới làm vệ sinh. Phần này bị lóc lòi sọ đầu, mất đi vùng mô đệm ở xương sọ nên không thể ghép da mỏng bình thường. Do đó, các bác sĩ ở đây phải tiến hành đến 3 lần phẫu thuật mới thực hiện xong việc ghép da đầu cho bé.
Ở lần phẫu thuật đầu tiên, các bác sĩ tiến hành ghép da đầu ở phần chưa bị lóc lòi sọ. Ê kíp phẫu thuật tiến hành cắt lọc và ghép da mỏng.
Riêng gần ½ da dầu bị lóc lòi sọ, mất hết mô đệm, không còn mô đệm để nuôi da buộc các bác sĩ phải phẫu thuật lần thứ 2 để lấy vạc da cân cơ đùi có cuống mạch. Sau đó, lần phẫu thuật thứ 3 là ghép da bằng kỹ thuật vi phẫu ở vùng bị lòi sọ.
Để thực hiện kỹ thuật vi phẫu, bác sĩ Trinh cho biết, sau khi phẫu thuật lấy vạc cân cơ đùi có cuống mạch, toàn bộ vạc này được chuyển lên ghép ở vùng lộ sọ và nối các mạch máu thái dương với mạch máu của vạc bằng kỹ thuật vi phẫu.
“Do vùng da ghép rất lớn, lên đến 20x10cm, chúng tôi phải mất hơn 5 giờ phẫu thuật để lấy vạc cân cơ đùi có cuống mạch và mất gần 2 giờ đồng hồ để ghép bằng kỹ thuật vi phẫu”, bác sĩ Trinh cho biết thêm.
Cũng theo bác sĩ Trinh, đối với người bị tai nạn như vậy, phải nằm viện lâu, sang chấn tâm lý lớn. Tuy nhiên, việc áp dụng kỹ thuật vi phẫu để ghép da giúp bệnh nhân giảm thời gian nằm viện cũng như giảm được sang chấn tâm lý. “Bệnh nhi này chỉ có 6 tuần để điều trị, hiện vết thương lành, tâm lý của bé rất ổn”, bác sĩ Trinh cho hay.
Mặc dù ghép da đầu đã xong và vết thương đã lành, nhưng theo bác sĩ Trinh chức năng thẩm mỹ chưa thể xử lý được. Hiện tại với da đầu trên chưa thể mọc tóc, bé gái này cần phải thực hiện một cuộc phẫu thuật thẩm mỹ nữa mới có thể giúp da đầu mọc tóc trở lại. Tuy nhiên, muốn làm điều này phải sau 2 năm nữa.
Hồ Quang