Nâng quyền kinh tế của phụ nữ dân tộc thiểu số tại Việt Nam
Sự kiện - Ngày đăng : 18:00, 02/03/2022
Dự tính sẽ có 2.635 phụ nữ và nam giới dân tộc thiểu số ở 9 xã thuộc 2 huyện Tam Đường, Quang Bình của tỉnh Lai Châu và Hà Giang được hưởng lợi từ tác động của AWEEV.
Ngoài đối tượng tác động nói trên, dự án có nhiều sản phẩm nghiên cứu sẽ được chia sẻ trực tiếp tới các cơ quan quản lý nhà nước phụ trách quản lý các dự án phát triển kinh tế xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi, nhằm mang lại bằng chứng thực tế cho các can thiệp tại nhiều vùng dân tộc thiểu số khác trên cả nước.
Theo ông Brian Allemekinders, Tham tán Hợp tác Phát triển - Đại sứ quán Canada tại Việt Nam, Canada hợp tác để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, đặc biệt là ở khu vực nông thôn tham gia hiệu quả hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu.
“Chúng tôi tin rằng việc phát huy hết tiềm năng của phụ nữ để đóng góp vào sự phát triển của cộng đồng là chìa khóa để đạt được các mục tiêu quốc gia. Canada mong muốn những kết quả mục tiêu của dự án được hiện thực hóa, bao gồm cải thiện đời sống kinh tế cũng như giảm gánh nặng chăm sóc cho phụ nữ nghèo ở nông thôn, đặc biệt là phụ nữ dân tộc thiểu số”, ông Brian Allemekinders chia sẻ.
Mục tiêu thúc đẩy sự tham gia của phụ nữ vào các hoạt động kinh tế được trả công sẽ được thực hiện thông qua việc tăng cường các cơ hội, nguồn lực kinh tế nông nghiệp và phi nông nghiệp tại các địa phương.
Ngoài ra, dự án đặc biệt chú trọng giải quyết các rào cản phụ nữ thực hiện các quyền kinh tế bằng việc hỗ trợ thực hiện các giải pháp, nhằm giải quyết gánh nặng công việc nội trợ và chăm sóc không được trả công; cùng chiến lược thay đổi các khuôn mẫu giới gắn với việc phân công lao động theo giới và năng lực kinh tế của phụ nữ dân tộc thiểu số.
Liên quan tới mục tiêu của dự án, bà Lê Kim Dung - Giám đốc Quốc gia tổ chức CARE Quốc tế tại Việt Nam nhấn mạnh: “CARE tin rằng mọi người đều có quyền đối với các nguồn lực kinh tế và ra quyết định sử dụng các nguồn lực này để cải thiện đời sống của bản thân, gia đình và cộng đồng”.
Bà Dung cho biết phụ nữ cần có quyền tiếp cận và kiểm soát bình đẳng với các cơ hội, tài sản và nguồn lực kinh tế. Điều này cũng đòi hỏi những thay đổi lâu dài trong cấu trúc nền kinh tế và các định kiến xã hội.
Trong số các ưu tiên của dự án, việc xây dựng năng lực khởi nghiệp của các doanh nghiệp xã hội do phụ nữ lãnh đạo để theo đuổi các cơ hội kinh tế ở Việt Nam vẫn được đặt lên hàng đầu.
Điều này được tăng cường nhờ sự tham gia ngày càng nhiều của phụ nữ nông thôn và dân tộc thiểu số nghèo vào các hoạt động kinh tế được trả lương khi năng lực của họ được cải thiện, giúp họ kiếm thu nhập từ các hoạt động sinh kế như sản xuất nông nghiệp, phi nông nghiệp có tính bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu.
AWEEV cũng trực tiếp đóng góp vào việc thực hiện Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021-2030 trong việc giảm gánh nặng chăm sóc và nội trợ của phụ nữ.
Các can thiệp của AWEEV hướng tới việc tăng cường trách nhiệm của các cấp chính quyền trong việc cải thiện các dịch vụ chăm sóc công lập và xây dựng các công trình cơ sở hạ tầng có tính đến yếu tố giới, góp phần giảm thời gian thực hiện các công việc chăm sóc, nội trợ và tăng cơ hội tham gia hoạt động kinh tế của phụ nữ.