Kỳ thi đánh giá năng lực và kỳ thi tốt nghiệp THPT: Học sinh cần lưu ý
Giáo dục - Ngày đăng : 19:19, 05/03/2022
Dự kiến tháng 7 sẽ thi tốt nghiệp THPT 2022
Do thời gian kết thúc năm học đối với lớp 12 có thể có địa phương phải kéo dài đến hết tháng 6 nên Bộ GD-ĐT dự kiến tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT vào tháng 7. Đối với đề thi minh họa, Bộ sẽ công bố để thí sinh tham khảo. Tuy nhiên, cho rằng do Quy chế không thay đổi nên trong lúc chờ đề minh họa của năm nay, thí sinh hoàn toàn có thể tham khảo đề minh họa năm 2021. Do tình hình dịch bệnh tại nhiều địa phương, Bộ GD-ĐT đã có công văn gửi các Sở GD-ĐT, trong đó có cho phép riêng đối với học sinh lớp 12, các cơ sở giáo dục xây dựng kế hoạch hoàn thành năm học 2021–2022 trước 30.6.
Đối với những địa phương không thể hoàn thành năm học trong thời gian này vì lý do bất khả kháng cần kịp thời báo cáo Bộ GD-ĐT để được hướng dẫn cụ thể, đảm bảo phù hợp với kế hoạch tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022. Chính vì vậy, Bộ GD-ĐT dự kiến tổ chức kỳ thi tốt nghiệp năm nay trong tháng 7. Còn việc thi một đợt hay hai đợt, theo Bộ GD-ĐT sẽ phụ thuộc vào tình hình dịch bệnh, Bộ sẽ có thông báo kịp thời.
Các mốc thời gian phải có sự liên thông, thống nhất với nhau. Do đó, kỳ thi phải diễn ra sau mốc 30.6, tuy nhiên, Bộ GD-ĐT chưa chốt mốc thời gian cụ thể. Với chủ trương giữ ổn định cho kỳ thi THPT 2022, Bộ GD-ĐT sẽ bàn thêm về việc công bố đề thi minh họa hay không nhưng về cơ bản thì số câu và cách thức thi vẫn như năm ngoái.
Kỳ thi đánh giá năng lực riêng tại các trường
Hiện nay, các trường đang rục rịch công bố các phương án tuyển sinh cho năm học 2022, chính vì thế nhiều trường đã có những quy định mới về việc nâng cao chỉ tiêu xét tuyển đối với một số trường "hot".
Có rất nhiều trường hiện nay đang lựa chọn tổ chức một kỳ thi đánh giá năng lực riêng cho từng thí sinh tham dự, chính vì thế các thí sinh cần phải xác định thật kỹ trước khi lựa chọn phương thức xét tuyển phù hợp với năng lực học của chính bản thân. GS. TS Nguyễn Tiến Thảo - Phó Trưởng ban đào tạo, Giám đốc Trung tâm khảo thí, ĐH Quốc gia Hà Nội cho biết, nếu thí sinh đã xác định thi đánh giá năng lực thì hãy làm trước các đề tham khảo của những năm học trước đó, sẽ thấy được mình cần tự luyện tập bổ sung như những gì. Câu hỏi thi đánh giá năng lực hướng tới đánh giá năng lực, từ cơ bản đến hiểu, vận dụng thấp đến cao. Do đó, các bạn sẽ khởi điểm giống nhau và năng lực, khả năng tư duy của thí sinh sẽ quyết định điểm bài thi. Kỳ thi đánh giá năng lực của một trường nào đó cũng chỉ là một hình thức tuyển sinh, thí sinh không nên bỏ quên thi tốt nghiệp THPT. Thí sinh không cần thiết cùng lúc phải căng mình ra vừa ôn thi THPT, vừa ôn thi đánh giá năng lực. Ngoài ôn thi THPT, các bạn có thể ôn thêm một phương thức thi nữa phù hợp với mình nhất để có hiệu quả.
Ông Nguyễn Phong Điền - Trường ĐH Bách Khoa thì cho rằng kỳ thi đánh giá năng lực có yếu tố phân loại cao hơn nên cũng nhiều thách thức hơn đối với các thi sinh. Các thí sinh khi tham dự đòi hỏi phải nắm chắc các kiến thức của mình, trong đó các câu hỏi đánh giá trình độ văn hóa phải nằm trong chương trình giáo dục phổ thông cấp THPT. Phần trắc nghiệm bao gồm kiến thức về khoa học tự nhiên, kiến thức xã hội, ngoại ngữ phù hợp với tổ hợp đăng ký xét tuyển vào các học viện, trường CAND; tập trung kiểm tra kiến thức trong chương trình THPT hiện hành. Đề thi nhìn chung sẽ có độ khó cao hơn so với đề thi tốt nghiệp THPT của Bộ GD-ĐT để tăng khả năng phân loại thí sinh nên thí sinh cần cân nhắc trước khi nộp hồ sơ tuyển sinh.