5 yếu tố để Mỹ xác định COVID-19 từ đại dịch thành bệnh đặc hữu

Nhịp đập khoa học - Ngày đăng : 17:54, 06/03/2022

Bản cập nhật chiến lược COVID-19 quốc gia gần đây được thiết kế để quản lý vi rút giúp hầu hết người Mỹ có thể trở lại cuộc sống hàng ngày mà không bị gián đoạn.

Mỹ đang chuyển sang một giai đoạn mới, trong đó mối đe dọa COVID-19 chuyển từ "đại dịch" thành "đặc hữu". Điều đó có nghĩa là vi rút SARS-CoV-2 có thể sẽ tiếp tục lưu hành trong dân số, nhưng với tỷ lệ thấp hoặc theo mùa.

Chiến lược COVID-19 được cập nhật sẽ khiến nhiều người Mỹ lạc quan hơn, song họ nên tiếp nhận điều này một cách thận trọng.

Khi chúng ta tiến tới một cuộc sống mà COVID-19 được kiểm soát, việc đánh giá những thay đổi về vi rút trong thời gian thực và tác động đến cộng đồng của nó là vô cùng quan trọng bởi chúng ta biết loại vi rút này khó lường đến mức nào”, theo Tiến sĩ Atul Nakhasi, bác sĩ tại Trung tâm ngoại trú Martin Luther King Jr. ở quận Los Angeles, bang California (Mỹ).

Làm thế nào chúng ta có thể biết liệu có an toàn để lộ mặt và tiếp tục các hoạt động bình thường của mình không?

1. Số ca mắc COVID-19

Tại quận Los Angeles, nơi Atul Nakhasi hành nghề, các quan chức y tế công cộng đã phát triển một hệ thống cảnh báo được thiết kế để báo hiệu mức độ nguy cơ do vi rút SARS-CoV-2 gây ra.

Mặc dù tiêm vắc xin đóng vai trò quan trọng trong việc giữ cho số ca mắc COVID-19 ở mức thấp, nó không phải là cách duy nhất để đạt được điều đó. Hầu hết những người từng mắc COVID-19 đều phát triển khả năng miễn dịch tự nhiên ở một mức độ nào đó với vi rút. Việc lây nhiễm lan rộng kết hợp với tiêm vắc xin đã dẫn đến một nhóm các nhà khoa học xác định rằng ít nhất 73% người Mỹ miễn dịch với Omicron, biến thể nổi trội hiện nay. Họ nói rằng tỷ lệ đó có thể tăng lên 80% vào giữa tháng 3.2022.

2. Số ca nhập viện

Nếu thấy số ca nhập viện tiếp tục giảm và duy trì ở mức ổn định, điều đó sẽ cho thấy tình trạng đặc hữu. Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) tập trung vào số người nhập viện thay vì số ca mắc COVID-19. Đó là vì ngay cả khi tổng số ca mắc COVID-19 được báo cáo vẫn ở mức thấp, sự gia tăng số người nhập viện có thể chỉ ra rằng vi rút đã đột biến và nguy cơ lây nhiễm có khả năng tăng lên nhanh chóng.

"Một giai đoạn mới của đại dịch yêu cầu hiệu chỉnh lại các chỉ số trực tiếp làm nổi bật tác động thực sự vào dân số. Số trường hợp nhập viện sẽ tiếp tục là một chỉ số mạnh mẽ mà sức khỏe cộng đồng có thể dựa vào. Dù không phải là cách đo lường kịp thời nhất, năng lực của bệnh viện sẽ tiếp tục phản ánh mức độ rủi ro trong cộng đồng và giúp đưa ra các quyết định về các nỗ lực giảm thiểu dịch bệnh", theo John Brownstein, cộng tác viên đài ABC News và Giám đốc Đổi mới tại Bệnh viện Trẻ em Boston.

5-yeu-to-de-my-xac-dinh-covid-19-tu-dai-dich-thanh-benh-dac-huu.jpg
Nhiều người đeo khẩu trang đứng trên sân ga trong ga tàu điện ngầm Quảng trường Thời đại ở thành phố New York. Mỹ - Ảnh: Reuters

3. Tỷ lệ tử vong

Theo Jodie Guest, nhà dịch tễ học tại Đại học Emory (Mỹ), một thước đo mức độ nghiêm trọng của vi rút SARS-CoV-2 là tỷ lệ tử vong. Tất nhiên, chúng ta sẽ cần theo dõi các biến thể và các vùng cụ thể của quốc gia nơi mà sự lây lan vi rút trong cộng đồng có thể khác nhau.

4. Mẫu nước thải

Nước thải chảy qua hệ thống cống rãnh có thể cho chúng ta biết rất nhiều về các loại bệnh có thể lưu hành trong cộng đồng.

Trên thực tế, dữ liệu từ Hệ thống Giám sát Nước thải Quốc gia của CDC cho thấy 70% các cơ sở nước thải phát hiện mức độ vi rút đã giảm so với hai tuần trước - một dấu hiệu khác cho thấy số ca mắc COVID-19 đang giảm.

Các mẫu nước thải đặc biệt quan trọng vì con người thải loại vi rút khi ở giai đoạn đầu của sự lây nhiễm. Điều đó có nghĩa là chúng ta có thể xác định tỷ lệ lây nhiễm vi rút gia tăng ngay cả trước khi người dân bắt đầu xuất hiện các triệu chứng.

Tiến sĩ Ted Smith, Phó giáo sư về y học môi trường tại Đại học Y khoa Louisville (Mỹ), nói rằng "nồng độ nước thải đang giảm ở Bắc Mỹ".

5. Các cụm dịch bùng phát

Nếu chúng ta biết bất cứ điều gì về COVID-19 thì nó rất dễ lây lan. Điều đó có nghĩa là các quan chức y tế công cộng cần phải có khả năng xác định các cụm dịch bùng phát trong trường học và nơi làm việc, những nơi có khả năng thể hiện mức độ gia tăng dịch bệnh.

Một điều quan trọng cần lưu ý: Khi chúng ta chuyển sang giai đoạn đặc hữu của COVID-19, nhiều người dễ có suy nghĩ rằng vi rút SARS-CoV-2 đã là dĩ vãng. Giá như điều này trở thành sự thật. Có điều mỗi cộng đồng đều khác nhau. Tỷ lệ tiêm vắc xin COVID-19 của bang Vermont là khoảng 80%, trong khi bang Alabama chỉ gần 50%. Cư dân hai bang này đang phải đối mặt với hai kịch bản rất khác nhau về COVID-19 trong những tháng tới.

Tương tự như vậy, ngay cả ở các thành phố như Los Angeles, Atul Nakhasi cảnh báo rằng "điều thực sự quan trọng là nhận ra tác động không cân xứng mà vi rút này gây ra cho các cộng đồng thiếu nguồn lực và dễ bị tổn thương cũng như ưu tiên sức khỏe, hạnh phúc và cuộc sống của họ khi chuẩn bị đón đợt dịch tiếp theo".

Ngoài ra, chỉ vì ít người mắc COVID-19 hơn, không có nghĩa là chúng ta không nên thực hiện các biện pháp phòng ngừa thông minh như rửa tay, đeo khẩu trang và tiêm mũi vắc xin tăng cường khi được khuyến nghị.

Tiến sĩ Megan Ranney, Trưởng khoa tại Trường Y tế Công cộng của Đại học Brown, cho biết: “Chúng ta đang ở trong giai đoạn đặc hữu khi các ca mắc COVID-19, nhập viện và tử vong đã đạt đến trạng thái ổn định. Tuy nhiên, hãy nhớ rằng đặc hữu không có nghĩa là không nguy hiểm”.

Sơn Vân