Yeltsin cảnh giác NATO đông tiến, Putin luôn chịu ám ảnh về "Nga bị phương Tây lừa dối"
Hồ sơ - Ngày đăng : 11:13, 09/03/2022
Tổng thống đầu tiên của Nga, Boris Yeltsin, đã cảnh giác về sự mở rộng của NATO nhưng không phản đối điều đó, theo các bản ghi nhớ được giải mật.
Sự cảnh giác của Yeltsin
Trong một bức thư tháng 9.1993 gửi Tổng thống Mỹ Bill Clinton, Yeltsin viết: "Tất nhiên, chúng tôi hiểu rằng bất kỳ sự hội nhập có thể có của các nước Đông Âu vào NATO sẽ không tự động dẫn đến việc liên minh này bằng cách nào đó quay lưng lại với Nga. Nhưng điều quan trọng là phải tính đến cách dư luận của chúng tôi có thể phản ứng với bước đi đó".
Nhưng Yeltsin cũng trích dẫn những gì ông đưa ra như đảm bảo cho các quan chức Liên Xô trong các cuộc đàm phán về thống nhất nước Đức, rằng "tinh thần của hiệp ước về thỏa thuận cuối cùng... không có điều khoản về mở rộng khu vực NATO sang phía Đông".
Bốn năm sau, trong một nỗ lực nhằm xoa dịu những lo ngại của Moscow, NATO và Nga đã ký Thỏa thuận thành lập NATO-Nga, một thỏa thuận chính trị nêu rõ, trong đó có điều khoản rằng "NATO và Nga không coi nhau là đối thủ". Năm 2002, NATO và Nga đã đồng ý thành lập một hội đồng tham vấn chung, bề ngoài như một nơi để giải quyết các bất đồng. Nhưng hội đồng bị nhiều người ở Moscow coi là không hiệu quả.
Sau đó, hai năm sau, NATO đã trải qua đợt mở rộng lớn nhất trong lịch sử, kết nạp thêm 7 quốc gia Đông Âu, bao gồm các quốc gia Baltic như Estonia, Latvia và Lithuania, từng là nước cộng hòa thuộc Liên bang Xô viết. Mặc dù đây không phải là lần đầu tiên một thành viên NATO giáp biên giới với Nga hoặc Liên Xô, nhưng giờ đây, quân đội của một thành viên NATO chỉ còn cách Moscow 625 km.
Cơn giận dữ tại Hội nghị Munich
Năm 2007, tại Hội nghị An ninh Munich, một cuộc họp cấp cao hằng năm của các quan chức, nhà ngoại giao và chuyên gia từ cả hai bờ Đại Tây Dương, Tổng thống Putin đã tung ra cáo buộc chống lại NATO, cũng như Mỹ, cáo buộc liên minh này đe dọa Nga như với Liên Xô trước đây.
Ông nói: "Tôi cho rằng rõ ràng việc mở rộng NATO không liên quan đến việc hiện đại hóa liên minh hay với việc đảm bảo an ninh ở châu Âu. Ngược lại, nó thể hiện một hành động khiêu khích nghiêm trọng làm giảm mức độ tin cậy lẫn nhau".
"Điều gì đã xảy ra với những đảm bảo mà các đối tác phương Tây của chúng tôi đưa ra sau khi Hiệp ước Warsaw bị giải thể? Những tuyên bố đó ngày nay ở đâu?" Putin đã hỏi - một nhận xét khiến một số người phải gãi đầu vì cuộc tranh luận hầu như chỉ tập trung vào những bình luận được đưa ra trước khi Hiệp ước Warsaw tan rã. "Những bảo đảm này ở đâu?"
Một năm sau bài phát biểu của Putin, tại hội nghị thượng đỉnh ở Bucharest vào tháng 4.2008, NATO đã từ chối mở cho Georgia và Ukraine một con đường nhanh chóng để trở thành thành viên nhưng lại hứa hẹn với hai nước rằng cuối cùng họ sẽ tham gia liên minh.
Bốn tháng sau, Nga động binh với Gruzia, phá hủy các lực lượng vũ trang của nước này, triển khai quân đội lâu dài ở hai khu vực ly khai (Abkhazia và Nam Ossetia), và làm bẽ mặt tổng thống khi đó của nước này, Mikheil Saakashvili, người đã công khai kêu gọi Georgia gia nhập NATO.
Năm 2014, sau khi Nga sáp nhập Bán đảo Crimea từ Ukraine rồi trang bị, viện trợ và hậu thuẫn quân sự cho các chiến binh ly khai ở miền Đông Ukraine, nơi cuộc chiến tiếp diễn cho đến ngày nay, NATO đã hủy bỏ bất kỳ cuộc tham vấn nào với Nga.
Ngay sau khi Quốc hội Nga tán thành việc tiếp quản Crimea, trong một bài phát biểu, ông Putin đã nói rằng Nga cảm thấy bẽ mặt trước sự bành trướng của NATO. "Họ đã nói dối chúng tôi nhiều lần, đưa ra các quyết định sau lưng chúng tôi, đặt chúng tôi trước một sự việc đã rồi".
Câu chuyện trong ký ức
Trong số những người đã thúc đẩy những tuyên bố về lời hứa của Nga có đại sứ Mỹ cuối cùng tại Liên Xô, Jack Matlock, người đã nhiều lần khẳng định, cả trong lời khai trước quốc hội và gần đây hơn, rằng Gorbachev đã nhận được sự đảm bảo rằng nếu Đức thống nhất và ở lại NATO thì biên giới của NATO sẽ không di chuyển về phía đông.
Nhưng Wolfgang Ischinger, cựu đại sứ Đức và thứ trưởng ngoại giao hiện là người đứng đầu Hội nghị An ninh Munich, nói rằng các thỏa thuận về thống nhất nước Đức, gồm cả hiệp ước năm 1990 được gọi là Hiệp ước 2 + 4, chính thức mở đường cho hai nước Đức thống nhất, không đề cập đến việc mở rộng NATO.
Ischinger khẳng định qua email: "Những tuyên bố sau đó của Nga rằng những lời hứa khác nhau đã được đưa ra vào năm 1990 đơn giản là không phù hợp. Thực tế, đây là tuyên truyền, và đó là lời nói xấu!"
Nikolai Sokov, cựu quan chức ngoại giao hiện đang làm việc tại Trung tâm Giải trừ quân bị và Không phổ biến vũ khí hạt nhân ở Vienna, cho biết vấn đề lớn nhất là sự mở rộng của NATO có thể được "kiểm soát" để giảm thiểu hiểu lầm.
Lần mở rộng ban đầu, vào năm 1999, diễn ra vào khoảng thời gian NATO ném bom Nam Tư, nhằm ngăn chặn các bước tiến của lực lượng Serbia chống lại người dân Kosovar. Sự phẫn nộ của Nga đối với chiến dịch này lên đến đỉnh điểm bằng cú quay xe Primakov. Cụ thể, ngày 24.3.1999, Thủ tướng Nga Yevgeny Primakov đang trên đường đi tới Washington trong một chuyến thăm chính thức. Khi bay qua Đại Tây Dương, ông biết rằng NATO đã bắt đầu ném bom Nam Tư. Primakov quyết định huỷ bỏ chuyến thăm, và ra lệnh cho máy bay quay đầu trên biển trở về Moscow - nó đã được gọi là cú quay xe Primakov). Cuộc tấn công vào Iraq năm 2003 của Mỹ là một hành động khác khiến Moscow nổi giận.
Sokov nói: “Thật sai lầm khi phớt lờ những lo ngại của Nga. Đạo luật thành lập năm 1997 là có chủ đích tốt, cũng như việc thành lập Hội đồng NATO-Nga năm 2002". Nhưng ông cho rằng những thỏa thuận này "chưa bao giờ có hiệu quả", cho rằng liên minh thường có những hành động ảnh hưởng đến an ninh của Nga hoặc khu vực mà không tham khảo ý kiến của Moscow.
"Thủ tục được sử dụng thay thế là NATO đưa ra quyết định và sau đó cố gắng thuyết phục Nga rằng quyết định đó là tốt và nên được chấp nhận. Sau đó là công thức cho thảm họa. Tôi thực sự tin rằng có thể vừa mở rộng NATO vừa tránh xung đột. Cơ hội đã bị bỏ lỡ và ngày nay chúng ta chứng kiến một cuộc xung đột ngày càng tồi tệ mà câu hỏi về những đảm bảo mà Baker đưa ra không có gì khác ngoài một biểu tượng".
Nhưng đối với các học giả khác, vấn đề chủ yếu nằm ở Moscow, với cách Putin và Điện Kremlin nhìn nhận về lịch sử mở rộng NATO và cách họ trình bày nó với công chúng Nga và phương Tây.
Keir Giles, chuyên gia tư vấn và đồng tác giả của Chatham cho biết: “Khái niệm NATO đưa ra hứa hẹn và thất hứa rằng sẽ không chấp nhận bất kỳ quốc gia thành viên mới nào ở Đông Âu là một trong những ý tưởng cốt lõi thúc đẩy quan điểm của Nga về một phương Tây thù địch”.
Và điều đó dường như sẽ không sớm thay đổi.
Trong một bài báo cho Viện Brookings vào năm 2014, Steven Pifer, cựu đại sứ Mỹ, dự đoán rằng: "Lời hứa được cho là của phương Tây không mở rộng liên minh chắc chắn sẽ vẫn là một yếu tố tiêu chuẩn trong vòng quay chống NATO của Putin. Đó là bởi vì nó rất phù hợp với bức tranh mà nhà lãnh đạo Nga tìm cách vẽ lên một nước Nga khốn cùng, bị người khác lợi dụng và ngày càng bị cô lập - không phải do hành động của chính họ, mà là do mưu đồ của một phương Tây lừa dối”.