Đài Loan nghiên cứu cuộc chiến ở Ukraine để có chiến lược ứng phó Trung Quốc

Góc nhìn - Ngày đăng : 06:14, 10/03/2022

Các nhà chiến lược quân sự của Đài Loan đã nghiên cứu cuộc tấn công Ukraine của Nga và sự phản kháng từ nước này để có chiến lược chiến đấu riêng trong trường hợp Trung Quốc sử dụng vũ lực.

Trong khi không báo cáo bất kỳ hoạt động bất thường nào của quân đội Trung Quốc, chính quyền Đài Loan đã nâng mức cảnh báo gần đây.

Việc Nga sử dụng tên lửa hành trình cũng như chiến thuật phản kháng của Ukraine đang được giới an ninh Đài Loan theo dõi cẩn thận khi đảo này đối mặt với mối đe dọa từ Trung Quốc.

Nhà lãnh đạo Đài Loan – Thái Anh Văn ủng hộ ý tưởng "chiến tranh phi đối xứng", nhằm làm cho lực lượng của họ cơ động hơn và khó bị tấn công hơn, ví dụ như tên lửa gắn trên xe.

Ma Cheng-Kun, Giám đốc Viện nghiên cứu các vấn đề quân sự Trung Quốc tại Đại học Quốc phòng Đài Loan, cho biết Ukraine đã sử dụng khái niệm tương tự với vũ khí di động để ngăn cản lực lượng Nga.

Ma Cheng-Kun, cố vấn chính quyền Đài Loan về chính sách Trung Quốc, nói: “Quân đội Ukraine đã và đang tận dụng rất hiệu quả chiến tranh phi đối xứng, đến nay đã ngăn chặn thành công bước tiến của Nga”.

Đó chính xác là những gì mà các lực lượng vũ trang của chúng tôi đã chủ động phát triển”, ông nói, chỉ ra những vũ khí như tên lửa chống giáp vác vai cơ động Kestrel hạng nhẹ (vũ khí diệt xe tăng) và được phát triển ở Đài Loan cho chiến tranh tầm gần.

Từ màn thể hiện của Ukraine, chúng tôi thậm chí có thể tự tin hơn vào chính mình", Ma Cheng-Kun khẳng định.

Đài Loan đã và đang phát triển các tên lửa khác có thể vươn xa tới Trung Quốc.

Tuần trước, Cơ quan phòng vệ Đài Loan nói có kế hoạch tăng hơn gấp đôi công suất sản xuất tên lửa hàng năm lên gần 500 tên lửa trong 2022, bao gồm cả phiên bản nâng cấp của Hsiung Feng IIE và tên lửa tấn công đất liền Hsiung Sheng tầm xa hơn mà các chuyên gia quân sự cho biết có khả năng bắn trúng các mục tiêu bên trong Trung Quốc.

Cơ quan phòng vệ Đài Loan nắm bắt sát sao tình hình an ninh quốc tế và đang nỗ lực để "cải thiện vũ khí được trang bị, khả năng chiến đấu phòng thủ mọi lúc nhưng quân đội không khiêu khích".

dai-loan-nghien-cuu-cuoc-chien-o-ukraine-de-co-chien-luoc-ung-pho-trung-quoc1.jpg
Các binh sĩ lái xe tăng M60 trên đường phố trong khuôn khổ cuộc diễn tập quân sự ở thành phố Đài Trung, Đài Loan - Ảnh; Reuters

Rào cản tự nhiên

Có sự khác biệt lớn giữa địa thế của Đài Loan và Ukraine. Chính quyền Đài Loan nhiều lần chỉ ra rào cản tự nhiên của eo biển Đài Loan ngăn cách nó với Trung Quốc. Trong khi Ukraine có đường biên giới trên bộ dài với Nga.

Các nhà chiến lược cho biết Đài Loan cũng có thể dễ dàng phát hiện ra các dấu hiệu di chuyển của quân đội Trung Quốc và chuẩn bị trước để đối phó với cuộc tấn công mà Trung Quốc sẽ cần huy động hàng trăm ngàn binh sĩ cùng thiết bị như tàu, vốn có thể dễ dàng bị tên lửa Đài Loan nhắm mục tiêu.

Su Tzu-yun, chuyên gia tại Viện Nghiên cứu Phòng vệ và An ninh (Viện nghiên cứu quân sự hàng đầu Đài Loan), nhận xét: “Để đặt chân lên mặt đất, Trung Quốc sẽ phải băng qua eo biển, vì vậy rủi ro cao hơn nhiều".

Thấp thoáng trong bối cảnh cuộc chiến ở Ukraine là cuộc tranh luận kéo dài về việc liệu các lực lượng Mỹ có hỗ trợ Đài Loan trong trường hợp đảo này bị Trung Quốc tấn công không.

Lo Chih-cheng, nhà lập pháp cấp cao của Đảng Tiến bộ Dân chủ cầm quyền, người ngồi trong Ủy ban đối ngoại và phòng vệ, cho biết chính quyền Biden đã cử một nhóm các cựu quan chức hàng đầu đến Đài Loan vào tuần trước ngay sau khi Ukraine bị tấn công để xua tan ý tưởng rằng Mỹ không giúp đỡ.

"Vào thời điểm này, điều đó đã gửi một thông điệp đến bên kia eo biển, tới người dân Đài Loan, rằng Mỹ là một quốc gia đáng tin cậy", ông Lo Chih-cheng nói hôm 8.3.

Là nhà sản xuất chất bán dẫn lớn, Đài Loan hy vọng tầm quan trọng về địa lý và chuỗi cung ứng sẽ khiến nó khác biệt so với Ukraine.

Thế nhưng, việc chính quyền Biden liên tục bác bỏ việc gửi quân đến Ukraine đã khiến một số người ở Đài Loan cảm thấy khó chịu.

Chao Chien-min, cựu Phó chủ nhiệm Hội đồng các vấn đề đại lục của Đài Loan, hiện làm việc tại Đại học Văn hóa Trung Hoa của Đài Loan, đặt câu hỏi: “Người dân Đài Loan bây giờ có thực sự nghĩ rằng phương Tây và Mỹ sẽ đến cứu chúng ta?”.

Sơn Vân